Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Yên Quang
    Tên làng nay là khu vực đầu phố Cửa Bắc đến đền Quán Thánh, Hà Nội, nằm về phía nam hồ Trúc Bạch.
  2. Mắt xanh
    Do điển tích Thanh Bạch Nhãn, nghĩa là mắt xanh (đồng tử), tròng trắng. Nhà thơ Nguyễn Tịch, người đời Tấn, là người rất ưa rượu và đàn. Ông làm quan rồi cáo bệnh về nhà, kết bạn cùng Kê Khang, Lưu Linh, Nguyễn Hàn, Sơn Đào, Hướng Tú và Vương Nhung, người thường gọi là "Trúc lâm thất hiền" (bảy người hiền ở rừng trúc). Khi tiếp khách hễ là hạng quân tử, là hạng người vừa lòng mình thì Nguyễn Tịch nhìn thẳng bằng tròng mắt xanh; trái lại khách là kẻ tầm thường, người không vừa lòng mình thì ông nhìn bằng đôi tròng trắng. Do điển đó, sau này người ta dùng chữ "mắt xanh" để chỉ sự bằng lòng, vừa ý.

    Bấy lâu nghe tiếng má đào,
    Mắt xanh chẳng để ai vào có không?

    (Truyện Kiều)

  3. Vện
    (Chó) có vằn trên lông màu vàng xám.

    Chó vện

    Chó vện

  4. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  5. Miệng lằn lưỡi mối
    Miệng con thằn lằn và lưỡi con rắn mối, nghĩa bóng chỉ lời ra tiếng vào, lời nói thêm nói bớt của kẻ hạ tiện.
  6. Hổi
    Khô, héo. Còn có nghĩa là hư, hỏng, thất bại (phương ngữ Nam Bộ).
  7. Rựa
    Một loại công cụ có lưỡi dài, cong, cán dài, dùng để chặt cây, phát quang. Lưu ý, cái rựa khác với dao rựa, một loại dao lớn, bản to, sống dày, mũi bằng, dùng để chặt, chẻ.

    Cái rựa

    Cái rựa

  8. Tương tư
    Nhớ nhau (từ Hán Việt). Trong văn thơ, tương tư thường được dùng để chỉ nỗi nhớ nhung đơn phương trong tình yêu trai gái.

    Gió mưa là bệnh của Trời
    Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

    (Tương tư - Nguyễn Bính)

  9. Theo kinh nghiệm dân gian, nước giải (nước tiểu), nhất là của trẻ con, có khả năng chữa một số loại bệnh.
  10. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  11. Thất tiết
    Không giữ gìn trinh tiết (từ Hán Việt).
  12. Bất trung
    Không trung thành (từ Hán Việt).
  13. Tàn
    Cũng gọi là tán, đồ dùng có cán dài cắm vào một khung tròn bọc nhiễu hoặc vóc, xung quanh rủ dài xuống, để che cho vua quan thời xưa, hoặc dùng trong các đám rước.

    Cái tàn vàng.

    Cái tàn vàng.

  14. Khâm Thiên Giám
    Còn gọi là Tư Thiên Giám, một đài theo dõi thời tiết, nghiên cứu thiên văn, lịch pháp, tồn tại từ thế kỉ 11 đến thế kỉ 19 tại khu vực hiện nay là phố Khâm Thiên, Hà Nội.
  15. Nhà trò
    Như ả đào, cô đầu, chỉ người phụ nữ làm nghề hát xướng (gọi là hát ả đào) ở các nhà chứa khách ngày trước. Thú chơi cô đầu thịnh hành nhất vào những năm thuộc Pháp và ở phía Bắc, với địa danh nổi nhất là phố Khâm Thiên. Ban đầu cô đầu chỉ chuyên hát, nhưng về sau thì nhiều người kiêm luôn bán dâm.
  16. Vào thời Pháp thuộc, phố Khâm Thiên nổi tiếng có nhiều dãy nhà cô đầu, được gọi là "xóm cô Đầu" hoặc "xóm Cầm Ca."
  17. Chợ Bỏi
    Một trong những chợ xưa của Hà Nội, nay thuộc huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
  18. Miếu
    Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

  19. Mỹ Thọ
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
  20. Xanh
    Dụng cụ để nấu, làm bằng đồng, có hai quai, giống cái chảo lớn nhưng đáy bằng chứ không cong.

    Cái xanh đồng.

    Cái xanh đồng.

  21. Trợt
    Trượt (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  22. Sóc Trăng
    Một tỉnh ven biển nằm ở hạ nguồn sông Hậu, thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nổi tiếng với chùa Đất Sét và chùa Dơi. Tên gọi Sóc Trăng do từ Srok Kh'leang của tiếng Khmer mà ra. Srok tức là "xứ," "cõi," Kh'leang là "kho," "vựa," "chỗ chứa bạc." Srok Kh'leang là xứ có kho chứa bạc của nhà vua. Tiếng Việt phiên âm ra là "Sốc-Kha-Lang" rồi sau đó thành Sóc Trăng.

    Chùa Dơi

    Chùa Dơi

  23. Kế Sách
    Địa danh nay là một huyện của tỉnh Sóc Trăng.
  24. Ba Rinh
    Địa danh nay là một ấp thuộc xã Đại Hải, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.
  25. Xà Mo
    Cũng gọi là Bưng Xà Mo, một vùng trồng lúa trước đây ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.
  26. Hội An
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trực thuộc tỉnh này. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19, Hội An từng là một hải cảng rất phồn thỉnh. Hiện nay địa danh này nổi tiếng về du lịch với phố cổ cùng các ngành truyền thống: mộc, gốm, trồng rau, đúc đồng... Hội An còn được gọi là phố Hội hoặc Hoài Phố, hay chỉ ngắn gọi là Phố theo cách gọi của người địa phương.

    Vẻ đẹp của Hội An

    Vẻ đẹp của Hội An

  27. Thài lai
    Còn nói thày lay, xen vào việc của người khác không liên quan đến mình (phương ngữ Nam Bộ).
  28. Tía tô
    Một loại cây thảo, lá có màu tía, mùi hơi hăng, dùng làm gia vị, pha trà, hoặc làm vị thuốc dân gian.

    Cây và lá tía tô

    Cây và lá tía tô