Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  2. Mơi
    Mai (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  3. Hãm công
    Hãm lại, giữ lại, không chịu hoàn công.
  4. Mảng
    Mải, mê mải (từ cũ).
  5. Ba Giai
    Một danh sĩ sống vào cuối thế kỉ 19, được biết đến chủ yếu qua các giai thoại về Ba Giai-Tú Xuất. Hiện không còn nhiều thông tin về ông, tuy nhiên theo một số nhà nghiên cứu thì ông tên thật là Nguyễn Văn Giai, sống ở khoảng triều Thiệu Trị (1841 - 1847) và Tự Đức (1848 - 1883). Ông cũng được cho là tác giả của Hà thành chính khí ca, thi phẩm gồm 140 câu thơ lục bát về sự kiện thành Hà Nội bị quân Pháp xâm chiếm ngày 25 tháng 4 năm1882.
  6. Chíp miệng
    Chép miệng (phương ngữ Trung Bộ).
  7. Su sơ
    Ngu ngơ (theo Việt Nam Tự điển Khai Trí Tiến Đức).
  8. Ông bà bô
    Cha mẹ (tiếng lóng).
  9. Cá giếc
    Loại cá trắng nước ngọt, mắt có viền đỏ, thân dẹt hai bên, có màu bạc, sống phổ biến ở ao hồ, ruộng vùng đồng bằng hay vùng cao. Thịt thơm ngon nhưng nhiều xương dăm. Ngoài những món chế biến thông thường, cá giếc còn là một món ăn bài thuốc.

    Cá diếc

    Cá giếc

  10. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  11. Cá chày
    Một loại cá nước ngọt thường gặp ở nước ta, dân gian còn gọi là cá rói. Cá thường sống thành đàn lớn, thân cá gần tròn, đầu to vừa, mõm tù, ngắn, có hai đôi râu bé, mắt nhỏ và đỏ, lưng và đầu hơi đen, bụng vàng hay trắng nhợt. Nhân dân ta thường đánh bắt (câu, lưới) cá chày để chế biến thành các món canh, kho, chiên giòn...

    Cá chày (cá rói)

    Cá chày (cá rói)

  12. Dập bã trầu
    Cách nói chỉ thời gian ngắn, đủ để nhai dập một miếng trầu.
  13. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  14. Ngô đồng
    Một loại cây gỗ rất cao (có thể hơn 17 mét), thân lớn (khoảng nửa mét), vỏ màu lục xám hoặc nâu xám (khi già), rụng lá vào mùa thu. Gỗ ngô đồng rất nhẹ, màu trắng vàng, có vân, thường dùng làm nhạc cụ. Ngô đồng đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Trung Hoa và các nước đồng văn (Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam), thường được đề cập trong thơ ca. Tương truyền chim phượng hoàng luôn chọn đậu trên cành ngô đồng.

    Ô hay buồn vương cây ngô đồng
    Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông

    (Tì bà - Bích Khê).

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

  15. Nước ròng
    Mực nước thấp nhất khi thủy triều xuống. Ngược lại với nước ròng là nước lớn, mực nước khi triều lên cao nhất.
  16. Cừ
    Cọc bằng gỗ được đóng xuống để củng cố đất, dùng trong các công trình xây dựng trên nền đất yếu, đất bùn (nhà cửa gần sông rạch, đê điều chắn sóng...).
  17. Khêu
    Dùng một vật có đầu nhọn để kéo cho tim đèn trồi lên. Đèn ngày xưa đốt bằng dầu, dùng bấc. Để đèn cháy sáng thì thỉnh thoảng phải khêu bấc. Bấc đèn cũng gọi là khêu đèn.

    Một cây đèn dầu

    Một cây đèn dầu

  18. Đèn dầu
    Đèn đốt bằng dầu hỏa, gồm một bầu đựng dầu bằng thủy tinh hoặc kim loại, một sợi bấc (tim đèn) để hút dầu, và hệ thống núm vặn. Đèn dầu còn được gọi là đèn Hoa Kỳ (Huê Kỳ), mà theo tác giả Nguyễn Dư thì tên này bắt nguồn từ tên cửa hiệu Hoa Kỳ phố Jules Ferry (Hàng Trống ngày nay) chuyên làm đồ khảm xà cừ và bán đèn sắt tây. Hiện nay đèn dầu vẫn còn được thấy ở các vùng quê nghèo.

    Đèn dầu

    Đèn dầu

  19. Đèn chai
    Chai là mủ (nhựa) của cây chò, một loại cây lớn, mọc ở các vùng rừng núi. Ngày trước nhân dân ta dùng chai làm đèn để thắp sáng, gọi là đèn chai. Để làm đèn chai, người ta giã cục chai đã đông cứng thành bột, sàng dừng cho mịn, trộn thêm trấu, đổ xuống đất thành đốt rồi đốt cho khối chai này chảy dẻo ra, sau đó dùng đũa bếp và bàn lăn, xúc lên thành từng lọn hình trụ dài khoảng 2 tấc (20cm), lớn bằng cổ tay, lăn xong thả vào thay nước cho nguội và cứng đèn.
  20. Ổi già
    Trái ổi bị già đẹt (già điếc), cứng và chát, ăn không ngon.
  21. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  22. Vú dài ba thước
    Hình tượng được dùng trong văn học, sử sách cổ để chỉ người phụ nữ kiệt xuất, thường là Bà Triệu. Sách Giao Chỉ chí chép:

    Trong núi ở quận Cửu Chân có người con gái họ Triệu, vú dài ba thước, không lấy chồng, họp đảng cướp bóc các quận, huyện, thường mặc áo ngắn màu vàng, chân đi giày mũi cong, ngồi đầu voi mà chiến đấu, sau chết làm thần.

  23. Bà Triệu
    Tên gọi dân gian của Triệu Quốc Trinh, nữ anh hùng dân tộc, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại ách thống trị của nhà Ngô (Trung Quốc) vào năm 248. Theo truyền thuyết, mỗi khi ra trận bà cưỡi con voi trắng một ngà, tự tay đánh cồng để khích lệ tinh thần quân sĩ. Quân Ngô khiếp sợ trước uy bà, có câu:

    Hoành qua đương hổ dị
    Đối diện Bà vương nan

    (Vung giáo chống cọp dễ
    Giáp mặt vua Bà khó)

    Theo Việt Nam sử lược, sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, Bà Triệu đã tuẫn tiết trên núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) vào năm Mậu Thìn (248), lúc mới 23 tuổi.

    Bà Triệu (tranh Đông Hồ)

    Bà Triệu (tranh Đông Hồ)

  24. Hậu Lộc
    Tên một huyện ven biển thuộc tỉnh Thanh Hóa. Trên địa bàn huyện có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc như di chỉ khảo cổ học văn hóa Hoa Lộc, khu di tích lịch sử văn hóa đền Bà Triệu, Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh...
  25. Phú Điền
    Tên một làng nay thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây có đền Bà Triệu, được xây dựng vào thế kỷ thứ 3 để tưởng nhớ công ơn nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, người đã có công đánh đuổi quân xâm lược nhà Ngô.

    Đền thờ bà Triệu ở Phú Điền

    Đền thờ bà Triệu ở Phú Điền

  26. Quang
    Vật dụng gồm có một khung đáy và các sợi dây quai thắt bằng sợi dây mây (hoặc vật liệu khác) tết lại với nhau, có 4 (hoặc 6) quai để mắc vào đầu đòn gánh khi gánh, và có thể treo trên xà nhà để đựng đồ đạc (thường là thức ăn). Người ta đặt đồ vật (thùng, chum, rổ, rá) vào trong quang, tra đòn gánh vào rồi gánh đi. Quang thường có một đôi để gánh cho cân bằng.

    Cái quang

    Cái quang

    Quang gánh

    Quang gánh

  27. Sầu tư
    Nỗi buồn riêng.
  28. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  29. Én
    Loài chim nhỏ, cánh dài nhọn, đuôi chẻ đôi, mỏ ngắn, thường bay thành đàn.

    Chim én

    Chim én