Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  2. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  3. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  4. Thậm
    Rất, lắm.
  5. Ăn cho, buôn so
    Trong chuyện ăn uống thì có thể dễ dãi, nhưng trong chuyện buôn bán thì phải tính toán hơn thiệt kĩ càng.
  6. Trần Đỉnh
    Tục gọi là Tú Đỉnh (vì đỗ Tú tài), người làng Gia Cốc, nay thuộc xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ông nguyên là thành viên Nghĩa Hội Quảng Nam, cũng vừa là Tán Tương Quân Vụ vùng chín xã Sông Con thuộc miền nguồn tây Đại Lộc. Trước ngày Pháp tấn công vào Bộ chỉ huy ở Trung Lộc, ông nghe lời chiêu hồi của vua Đồng Khánh, đến chiến khu Trung Lộc thuyết phục Nguyễn Duy Hiệu cùng ra đầu hàng. Ông Hiệu đã ra lệnh chặt đầu Trần Đỉnh bêu ở chợ Trung Lộc để răn đe.
  7. Chín xã Sông Con
    Chín xã thuộc huyện Đại Lộc, quanh lưu vực sông Con. Nơi đây từng là căn cứ của Nghĩa hội Quảng Nam thời Cần Vương. Vùng này cũng gọi là Tân tỉnh (tỉnh mới, đối lập với Hội An là tỉnh lị cũ do Pháp chiếm đóng).
  8. Đồng Khánh
    (19 tháng 2, 1864 – 28 tháng 1, 1889) Hoàng đế thứ 9 của nhà Nguyễn, tại vị từ năm 1885 đến 1889. Ông là vị vua không chống Pháp, "tính tình hiền lành, hay trang sức và cũng muốn duy tân, ở rất được lòng người Pháp" (theo sách của Trần Trọng Kim). Vua Đồng Khánh ở ngôi chỉ được ba năm thì bệnh và mất vào ngày 27 tháng 12, khi mới 24 tuổi.

    Vua Đồng Khánh

    Vua Đồng Khánh

  9. Ngò
    Còn gọi là ngò rí, rau mùi, loại rau có mùi thơm, thường được trồng làm rau thơm và gia vị.

    Ngò

    Ngò

  10. Có bản chép: làm ngơ.
  11. Rầy
    La mắng (phương ngữ).
  12. Lựu
    Một loại cây ăn quả có hoa màu đỏ tươi, thường nở vào mùa hè. Quả khi chín có màu vàng hoặc đỏ, trong có rất nhiều hạt tròn mọng, sắc hồng trắng, vị ngọt thơm. Vỏ, thân, rễ lựu còn là những vị thuốc Đông y.

    Dưới trăng quyên đã gọi hè
    Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông

    (Truyện Kiều)

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Hoa lựu

    Hoa lựu

    Quả lựu

    Quả lựu

  13. Lan
    Tên chung của một họ cây thân thảo lưu niên, thường cho hoa đẹp, do đó được trồng rất phổ biến. Hoa lan rất đa dạng về màu sắc và hình dạng, nhưng hoa của tất cả những loài lan đều có cấu tạo gồm ba lá đài và ba cánh hoa, trong đó có một cánh môi, luôn to hơn và có hình dạng rất khác hai cánh hoa còn lại. Vì ba lá đài của hoa lan khá giống với những cánh hoa chính nên thường có sự nhầm lẫn là hoa lan có sáu cánh. Hoa lan thường được chia làm phong lan, sống trên những thân gỗ mục lơ lửng trên cao, và địa lan, mọc trên lớp đất mùn. Hoa lan ưa nơi râm mát và độ ẩm cao nên những khu rừng và cao nguyên ở nước ta như Nam Cát Tiên, Tây Nguyên, Yên Bái, Sa Pa là nơi sống của nhiều loài lan quý như giả hạc, ngọc điểm, lan hài, ...

    Lan ngọc điểm (còn gọi là nghênh xuân hay đai châu)

    Lan ngọc điểm (còn gọi là nghênh xuân hay đai châu)

  14. Mác
    Một loại vũ khí cổ, có lưỡi dài và sắc, cán dài, có thể dùng để chém xa.
  15. Bòng
    Một loại quả rất giống bưởi. Ở một số tỉnh miền Trung, người ta không phân biệt bưởi và bòng. Trong ca dao hay có sự chơi chữ giữa chữ "bòng" trong "đèo bòng" và quả bòng.
  16. Sơn Trà
    Tên một bán đảo nay thuộc quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, đồng thời cũng là tên một ngọn núi thuộc khu vực này.

    Bán đảo Sơn Trà nhìn từ biển

    Bán đảo Sơn Trà nhìn từ biển

  17. Sông Hàn
    Tức Hàn Giang, một con sông nằm ở thành phố Đà Nẵng và cùng với Ngũ Hành Sơn được xem là biểu tượng của thành phố này. Sông bắt đầu từ ngã ba sông giữa quận Cẩm Lệ, quận Hải Châu và quận Ngũ Hành Sơn tới vịnh Đà Nẵng, tại chỗ giáp ranh giữa quận Hải Châu và quận Sơn Trà.

    Cầu Sông Hàn về đêm

    Cầu Sông Hàn về đêm

  18. Giao đoan
    Giao ước, thề hẹn cùng nhau.
  19. Đội xếp
    Cảnh sát thời Pháp thuộc (từ tiếng Pháp chef).
  20. Bưng
    Vùng đồng lầy ngập nước, mọc nhiều cỏ lác. Từ này có gốc từ tiếng Khmer trapéang (vũng, ao), ban đầu đọc là trà bang, trà vang, sau rút lại còn bang rồi biến âm thành bưng. Bưng cũng thường được kết hợp với biền (biến âm của biên) thành bưng biền.
  21. Cỏ bàng
    Còn gọi là cói bàng hay gọi tắt là bàng, một loài cỏ cao, thân rỗng, thường mọc thành đồng những vùng đất nhiễm phèn miền Tây Nam Bộ. Củ bàng có thể ăn thay cơm, thân bàng dùng để đan nhiều đồ dùng hữu ích như đệm lót, giỏ xách, bao (cà ròn), nón, võng, nóp (một loại nệm nằm), thậm chí cả buồm cho tàu ghe hay áo mặc. Nghề đan bàng do đó là nghề kiếm sống của nhiều người dân Nam Bộ trước đây, hiện đang được phục hồi sau một thời gian mai một, chủ yếu tập trung vào chế tác hàng mỹ nghệ.

    Đêm đêm trong ánh trăng mờ
    Gần xa rộn tiếng nhặt thưa giã bàng

    (Trường ca Đồng Tháp Mười - Nguyễn Bính)

    Đồng cỏ bàng ở Mộc Hoá, Long An

    Đồng cỏ bàng ở Mộc Hoá, Long An

    Đan (đươn) bàng

    Đan (đươn) bàng

  22. Bàu
    Chỗ sâu trũng như ao vũng, thường ở ngoài đồng.

    Bàu sen ở Mũi Né, Bình Thuận

    Bàu sen ở Mũi Né, Bình Thuận

  23. Bến Tre
    Một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, cũng được gọi là đất Trúc (thị xã Bến Tre trước đây còn có tên là Trúc Giang). Đây là vùng đất gắn liền với cuộc đời của nhiều danh nhân: Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trường Toản, Trương Vĩnh Ký... Bến Tre cũng rất nổi tiếng vì trồng rất nhiều dừa, nên còn được gọi là Xứ Dừa.

    Dừa Bến Tre

    Dừa Bến Tre

  24. Mỏ Cày
    Tên một huyện cũ của tỉnh Bến Tre. Hiện nay huyện Mỏ Cày cùng một phần của huyện Chợ Lách được chia tách thành huyện Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam. Vùng này có một đặc sản nổi tiếng là cây thuốc lá, đặc biệt là thuốc trồng ở những con giồng thuộc các xã Đa Phước Hội, An Thạnh, vùng quanh thị trấn và vùng phía Tây Bắc Mỏ Cày.
  25. Thạnh Phú
    Một huyện của tỉnh Bến Tre, có Cồn Lợi nổi tiếng là một "mỏ nghêu." Huyện Thạnh Phú nằm ở cuối cù lao Minh, phía đông giáp biển Đông, phía tây giáp huyện Mỏ Cày, phía nam giáp tỉnh Trà Vinh ngăn cách bởi con sông Cổ Chiên, phía bắc giáp huyện Ba Tri, có ranh giới chung là sông Hàm Luông.
  26. Dương di
    Dương gian (phương ngữ Phú Yên).
  27. Bố vi
    Bủa vây.
  28. Nẫu
    Người ta, họ (phương ngữ Bình Định-Phú Yên).