Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  2. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  3. Tương tri
    Hiểu nhau, biết rõ lòng nhau (từ Hán Việt).
  4. Liên tu
    Tua nhị của hoa sen, ý nói "không ngừng", lấy từ thành ngữ Liên tu bất tận (tuôn ra không dứt như tua sen).
  5. Từ dùng để chỉ chị gái.
  6. Thị Nghè
    Tên một con rạch nay thuộc địa phận quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là tên một chiếc cầu bắt ngang qua con rạch này. Cái tên Thị Nghè bắt nguồn từ bà Nguyễn Thị Khánh, con gái quan khâm sai Nguyễn Cửu Vân. Trịnh Hoài Đức viết: "[bà] có chồng là thư ký Mỗ, nên người đương thời gọi là Bà Nghè mà không xưng tên. Sở dĩ có tên ấy là do khi đầu bà khai hoang đất ở, bắc cầu ngang qua để tiện việc đi lại, nên dân gọi là cầu Bà Nghè, cũng gọi sông ấy là sông Bà Nghè."

    Cầu Thị Nghè

    Cầu Thị Nghè

  7. Giồng Ông Tố
    Tên một cái giồng trước thuộc làng Bình Trưng, tổng An Bình, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định, nay là phường Bình Trưng, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh. Tên giồng lấy theo tên ông Trương Vĩnh Tố, một vị tướng tài của tả quân Lê Văn Duyệt. Ông là người đầu tiên đến khai hoang lập ấp, sống bằng nghề đưa đò chở khách qua sông. Sau khi ông mất, cảm nhớ đến công ơn ông, dân làng đặt tên vùng đất này là đất Giồng Ông Tố. Chợ, rạch và cây cầu bắc ngang rạch cũng lấy theo tên này.

    (Lưu ý phân biệt với địa danh ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre).

  8. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  9. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  10. Bâu
    Cổ áo.
  11. Linh đinh
    Lênh đênh (phương ngữ Nam Bộ). Nghĩa rộng là nay đây mai đó.
  12. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  13. Gie
    (Nhánh cây) chìa ra.
  14. Đom đóm
    Loài côn trùng cánh cứng nhỏ có khả năng phát quang, có tập tính hoạt động về ban đêm, con đực thường có cánh và bay vào những đêm đầu mùa hạ.

    Con đom đóm

    Con đom đóm

  15. Rạch Gầm-Xoài Mút
    Tên gọi một đoạn sông Tiền giới hạn bởi 2 sông nhánh nhỏ là Rạch Gầm (phía thượng lưu) và Xoài Mút (phía hạ lưu), ngày nay nằm giữa địa phận thành phố Mỹ Tho và huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Tại đây, ngày 20 tháng 1 năm 1785, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã đánh tan năm vạn quân Xiêm do Nguyễn Ánh cầu viện trong trận đánh sau này được mang tên là trận Rạch Gầm-Xoài Mút.

    Xem vở cải lương Tiếng sóng Rạch Gầm.

  16. Kẻng
    Vật bằng kim loại, dùng đánh ra tiếng để báo hiệu. Ngày xưa khi chưa có đồng hồ, chưa có loa đài, dân ta thường đặt một cái kẻng để khi có việc gì thì gõ kẻng báo mọi người đến họp. Lao động ở Hợp tác xã thì khi nào có tiếng gõ kẻng là đến giờ mọi người nghỉ làm để ăn cơm. Thành ngữ ăn cơm trước kẻng chỉ người lười nhác, ăn cơm trước trong khi người khác đang lao động. Ngày nay câu thành ngữ này mang một nghĩa khác, dùng để chỉ những cặp nam nữ có quan hệ tình dục trước hôn nhân.
  17. Dị sự
    Chuyện lạ thường (từ Hán Việt).
  18. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  19. Loan phụng hòa minh
    Chim loan, chim phượng cùng hót. Chỉ vợ chồng hòa thuận, thương yêu nhau.
  20. Thung dung
    Thong dong.
  21. Thôn lân
    Làng xóm láng giềng (từ Hán Việt).
  22. Lao lung
    Khổ cực (từ cổ).
  23. Thất phát
    Cũng như thất bát – mất mùa.
  24. Nàn
    Nạn (từ cũ).
  25. Đoạn trường
    Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
  26. Túng tíu
    Túng thiếu (từ cũ).
  27. Thét
    Chịu đựng lâu thành quen (phương ngữ).
  28. Kế tự
    Nối dõi (từ Hán Việt).