Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Sông Gianh
    Còn gọi là Linh Giang hoặc Thanh Hà, con sông chảy qua địa phận tỉnh Quảng Bình, đổ ra biển Đông ở cửa Gianh. Sông Gianh và Đèo Ngang là biểu trưng địa lý của tỉnh Quảng Bình. Trong thời kì Trịnh-Nguyễn phân tranh (1570-1786), sông Gianh chính là ranh giới giữa Đàng TrongĐàng Ngoài.

    Một khúc sông Gianh

    Một khúc sông Gianh

  2. Đương
    Đang (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  3. Chợ Ba Đồn
    Chợ ở Ba Đồn, thị trấn huyện lị của huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đây là phiên chợ nổi tiếng khắp vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Người các nơi đến họp rất đông vào các ngày phiên vào các ngày mồng một và mồng sáu, các ngày hàng tháng. Chợ Ba Đồn hàng hóa phong phú và đa dạng, có đủ các thứ của vùng xuôi, vùng ngược, trong đó đặc sắc nhất có lẽ là hàng thịt bò và món thịt chó.

    Mua bán thịt bò ở chợ Ba Đồn

    Mua bán thịt bò ở chợ Ba Đồn

  4. Chợ phiên
    Chợ họp có ngày giờ nhất định.
  5. Ông từ
    Người (thường là cao tuổi) chuyên lo việc trông coi các đền, chùa, miếu mạo.
  6. Nhà chay
    Còn gọi là trai đường, là khu vực nhà ăn trong chùa, nơi các nhà sư dùng bữa.
  7. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  8. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  9. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  10. Bán nguyệt
    Nửa hình tròn (bán nguyệt từ Hán Việt nghĩa là nửa mặt trăng).
  11. Câu này có sự chơi chữ giữa "nửa tháng," "bán nguyệt," và "cung trăng."
  12. Cải giá
    Lấy chồng khác.
  13. Mít
    Loại cây ăn quả thân gỗ nhỡ, lá thường xanh, cao từ 8-15m. Cây ra quả vào mùa xuân, quả chín vào mùa hè. Vỏ quả có gai xù xì, ruột chứa nhiều múi, vị ngọt, có loại mít dai và mít mật. Mít là loại cây quen thuộc ở làng quê nước ta, gỗ mít dùng để làm nhà, đóng đồ đạc, thịt quả để ăn tươi, sấy khô, làm các món ăn như xôi mít, gỏi mít, hạt mít ăn được, có thể luộc, rang hay hấp, xơ mít dùng làm dưa muối (gọi là nhút), quả non dùng để nấu canh, kho cá...

    Quả mít

    Quả mít

  14. Khố
    Một trong những loại trang phục cổ xưa nhất của nhân loại, gồm một tấm vải dài, khổ hẹp dùng để để bọc và che vùng hạ bộ bằng cách quấn tựa vào vòng thắt lưng. Trước đây nhiều vùng sử dụng, hiện tại khố vẫn còn được sử dụng hạn chế như ở vùng cao, vùng xa nơi còn lạc hậu, ngoài ra một số nước giữ gìn nó như bản sắc văn hóa khi có hội hè. Đóng khố đuôi lươn là kiểu mặc khố có thừa một đoạn buôn thõng ở phía sau cho tới khoeo chân, như cái đuôi con lươn, còn không có thì gọi là khố cộc.

    Đóng khố

    Đóng khố

  15. Lượt
    Một loại vải dệt thưa từ tơ tằm, mượt, rất mịn và mềm, thường nhuộm đen để may khăn hay may áo.
  16. Ghềnh
    Cũng gọi là gành, chỗ lòng sông hoặc biển có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết. Ở nước ta có nhiều địa danh có chữ Gành hoặc Ghềnh như Gành Son, Gành Hào, Gành Cả, Gành Ráng...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

  17. Con giáp
    Tên người Việt Nam thường dùng để gọi mười hai con vật tượng trưng cho mười hai chi trong âm lịch, gồm có: Tý, Sửu, Dần, Mão (Mẹo), Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
  18. Theo phong thủy, tuổi Dần và Tuất thuộc cung "tam hợp." Những người thuộc các cung này được cho là có tính tình hòa hợp, dễ hóa giải cho nhau.
  19. Áo bà ba
    Một loại áo phổ biến ở các địa phương miền Nam, ở miền Bắc gọi là áo cánh. Áo không có bâu (cổ áo), được xẻ ở hai bên hông, vạt áo ngắn ngang hông, có thêm hai túi to khá tiện lợi cho việc đựng những vật dụng nhỏ như thuốc rê, diêm quẹt, tiền bạc... Chính nhờ tính tiện dụng và sự thoải mái đó, chiếc áo bà ba được cả nam lẫn nữ ở đồng bằng sông Cửu Long mặc cả lúc đi làm, đi chợ, đi chơi.

    Áo bà ba cùng với khăn rằn được coi là một trong những đặc trưng văn hóa Nam Bộ, mặc dù hiện nay áo đã được "cải tiến" khá nhiều.

    Về nguồn gốc tên áo, nhà văn, nhà nghiên cứu Sơn Nam cho rằng “Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa. Chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba” (Văn minh miệt vườn).

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

  20. Dầu chanh
    Tinh dầu làm từ vỏ chanh, mùi rất thơm và có nhiều công dụng: khử mùi, diệt khuẩn, làm đẹp...
  21. O mèo
    Tán tỉnh để bắt nhân tình (phương ngữ Nam Bộ).
  22. Ngô
    Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.
  23. Chộ
    Thấy (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  24. Khăn vuông
    Loại khăn to bề khổ, bốn cạnh bằng nhau, dùng để đội đầu hoặc gói bọc đồ đạc quần áo đem theo mình. Đầu tiên, người ta để quần áo vật dụng vào giữa khăn, lấy hai chéo đối nhau siết chặt lại, cuối cùng thắt gút hai chéo còn lại với nhau, xỏ tay vào để mang túi lên vai.
  25. Người nghĩa
    Người thương, người tình.
  26. Sa Huỳnh
    Một địa danh thuộc địa phận hai xã Phổ Châu và Phổ Thạnh của huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Trước đây, địa danh này có tên là Sa Hoàng (bãi cát vàng), song vì chữ Hoàng trùng tên với chúa Nguyễn Hoàng nên đọc trại ra thành Sa Huỳnh. Nơi đây nổi tiếng với nền văn hóa Sa Huỳnh - một trong ba cái nôi của nền văn minh Việt Nam cổ xưa, cùng với văn hóa Đông Sơn và văn hóa Óc Eo.

    Mộ chum, cổ vật tìm thấy của nền văn hóa Sa Huỳnh.

    Mộ chum, cổ vật tìm thấy của nền văn hóa Sa Huỳnh.

  27. Vạn
    Làng chài.
  28. Gió nồm
    Loại gió mát và ẩm ướt thổi từ phía đông nam tới, thường vào mùa hạ.
  29. Phấn
    Loại mỹ phẩm có từ xưa, làm bằng cao lanh và thảo dược, phụ nữ nhà giàu và cung tần mĩ nữ thường sử dụng, có tác dụng dưỡng da, làm trắng da. Thời Nguyễn có phấn nụ, tương truyền bà hoàng hậu Từ Cung đến tận gần 100 tuổi da dẻ vẫn mịn màng, không có đốm tàn nhang nào trên khuôn mặt là nhờ dùng phấn này.
  30. Dồi
    Đánh phấn cho dính vào da.
  31. Có bản chép: Da đen.