Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Kiềng
    Dụng cụ bằng sắt có ba chân, để đặt nồi, chảo lên khi nấu nướng.

    Kiềng ba chân

    Kiềng ba chân

  2. Đồi mồi
    Một loài rùa biển, mai có vân đẹp nên thường bị đánh bắt để làm đồ mĩ nghệ (lược, vòng tay, vòng đeo cổ...). Những đốm nám trên da hoặc trái cây cũng gọi là vết đồi mồi.

    Con đồi mồi

    Con đồi mồi

  3. Một giỏ cá mua không bằng cái cua ao Láng
    Theo Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược của Khiếu Năng Tĩnh: Tại xứ Hậu Đồng xã Trí An có cái ao Láng có giống cá cua ăn rất thơm ngon.
  4. Chạnh lòng
    Do cảm xúc mà thấy gợi lên trong lòng một tình cảm, ý nghĩ nào đó, thường là buồn.
  5. Mồng tơi
    Một số địa phương phát âm thành "mùng tơi" hay "tầm tơi", loại dây leo quấn, mập và nhớt. Lá và đọt thân non của mồng tơi thường được dùng để nấu canh, ăn mát và có tính nhuận trường. Nước ép từ quả dùng trị đau mắt.

    Mồng tơi

    Mồng tơi

    Hoa mồng tơi

    Hoa mồng tơi

  6. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  7. Thua kiện thì dại, thua cãi thì khôn
    Kiện tụng thua thì phải chịu thiệt hại về vật chất, cãi vã chịu thua thì giữ được hòa khí hai bên.
  8. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  9. Phu thê
    Vợ chồng (từ Hán Việt).

    Có âm dương, có vợ chồng,
    Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê.

    (Cung oán ngâm khúc)

  10. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  11. Thờ vọng
    Thờ cúng (ông bà, cha mẹ...) khi sống xa nhà, xa quê.
  12. Oan gia
    Người thù ghét (từ Hán Việt).
  13. Gió vàng
    Do chữ Hán kim phong, nghĩa là gió mùa thu, vì mùa thu ứng với hành Kim trong Ngũ hành.

    Trải vách quế gió vàng hiu hắt
    Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng
    (Cung oán ngâm khúc)

  14. Quỳ
    Một loại sen, cũng gọi là sen quỳ. Nhìn theo vẻ ngoài thì sen và quỳ rất giống nhau, nhưng hoa quỳ có màu đậm hơn. Lá và gai quỳ có độc tính hơn sen, gây ngứa ngáy. Búp sen cũng có dạng bầu chứ không nhọn như búp quỳ.

    Hoa quỳ

    Hoa quỳ

  15. Nam Kỳ lục tỉnh
    Tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây), bao gồm sáu (lục) tỉnh:

    1. Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
    2. Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
    3. Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
    4. Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
    5. An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
    6. Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

  16. Sào
    Gậy dài, thường bằng thân tre. Nhân dân ta thường dùng sào để hái trái cây trên cao hoặc đẩy thuyền đi ở vùng nước cạn.

    Cắm sào

    Cắm sào

  17. Nước ròng
    Mực nước thấp nhất khi thủy triều xuống. Ngược lại với nước ròng là nước lớn, mực nước khi triều lên cao nhất.
  18. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).