Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Quây
    Dùng bồ cào khỏa lúa (hoặc các nông sản khác) khi đang phơi cho mau khô.
  2. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  3. Tuông
    Đem lúa (hoặc các loại nông sản khác) vào nhà sau khi phơi (hoặc đang phơi thì mắc mưa).
  4. Rơm
    Các loại cây lúa hoặc các loại cỏ, cây hoa màu khác sau khi thu hoạch phần hạt, phần thân và lá được đem đi cắt, sấy khô (phơi nắng) và được lưu trữ để sử dụng làm thức ăn cho gia súc. Ngoài ra rơm còn được sử dụng để thổi lửa, đun nấu rất tốt. Bên cạnh đó, rơm còn là nguyên liệu quan trọng để nuôi trồng nấm rơm (một loài nấm chuyên mọc trên rơm).

    Một ụ rơm

    Một ụ rơm

  5. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  6. Giả đò
    Giả vờ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  7. Dòm
    Nhìn (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  8. Chùa Bà Đanh
    Tên chữ là Bảo Sơn Tự, một ngôi chùa cổ nằm ở ngã ba sông thuộc làng Đanh Xá, xã Ngọc Sơn (Kim Bảng, Hà Nam). Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ Tứ Pháp (mây, mưa, sấm, sét), cầu cho mưa thuận gió hòa. Trước đây khu vực này cây cối um tùm, nhiều thú dữ, không có nhà dân ở, do vậy cảnh chùa càng thêm thâm nghiêm, vắng vẻ.

    Chùa Bà Đanh

    Chùa Bà Đanh

  9. Sừng chim nanh chuột
    Từ một câu trong Kinh Thi Thử nha tước giốc (Nanh chuột, sừng chim sẻ), ý nói chuột không có nanh vẫn cắn thủng vách nhà, chim sẻ không sừng mà đục thủng được mái nhà.
  10. Đu đủ
    Loại cây ăn quả rất thường gặp ở Việt Nam. Quả đu đủ có thể ăn xanh (làm nộm, hầm, hoặc làm mắm) hoặc ăn chín.

    Cây và quả đu đủ, từ quyển Medicinal-Plants (1887) của Koehler

    Cây và quả đu đủ, từ quyển Medicinal-Plants (1887) của Koehler

  11. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  12. Căn phần
    Căn duyên, số kiếp (từ Hán Việt).
  13. Bất tuân giáo hóa
    Không nghe lời dạy bảo.
  14. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  15. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Chín Rậm.
  16. Há dễ
    Không dễ dàng gì (từ cổ).

    Làm ơn há dễ mong người trả ơn (Lục Vân Tiên)

  17. Tưởng
    Nghĩ đến (từ Hán Việt).
  18. Vuông tròn
    Toàn vẹn, tốt đẹp về mọi mặt.
  19. Thanh Hóa
    Một tỉnh nằm ở Bắc Trung Bộ, là một trong những cái nôi của người Việt. Cư dân Việt từ xa xưa đã sinh sống trên đồng bằng các sông lớn như sông Mã hay sông Chu. Nền văn minh Đông Sơn được coi là sớm nhất của người Việt cũng thuộc tỉnh này.

    Trong lịch sử, đã có giai đoạn Thanh Hóa được gọi là Thanh Hoa. Nhưng đến thời nhà Nguyễn, do kị húy với tên vương phi Hồ Thị Hoa mà tên tỉnh được đổi thành Thanh Hóa cho đến nay.

    Thanh Hóa có nhiều danh lam thắng cảnh và lịch sử nổi tiếng như Vườn quốc gia Bến En, suối cá thần Cẩm Lương, bãi biển Sầm Sơn, khu di tích Lam Kinh, cầu Hàm Rồng... Đây cũng là nơi địa linh nhân kiệt, là quê hương của các nhân vật lịch sử nổi tiếng như Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi, các chúa Trịnh, Nguyễn...

    Suối cá thần Cẩm Lương

    Suối cá thần Cẩm Lương

  20. Tày
    Bằng (từ cổ).
  21. Đồng thau
    Hợp kim của đồng và kẽm. Đồng thau có màu khá giống màu của vàng, nên khi xưa thường được dùng để đúc đồ trang trí hay làm tiền xu. Tuy nhiên, khi hơ lửa đồng thau sẽ bị xỉn màu (do bị oxy hóa) còn vàng thì không.

    Vòng tay làm bằng đồng thau

    Vòng tay làm bằng đồng thau

  22. Ba Đình
    Vùng đất gồm ba làng Mậu Thịnh, Mỹ Khê và Thượng Thọ thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Có tên gọi như thế vì ở mỗi làng có một cái đình, ở làng này có thể trông thấy mái đình của hai làng kia. Nơi đây từng là căn cứ của cuộc khởi nghĩa do Đinh Công Tráng làm thủ lĩnh vào cuối thế kỉ 19. Ba Đình có địa thế phòng thủ rất tốt, chung quanh có lũy tre dày phủ kín, nằm giữa một cánh đồng bao la trũng nước, từ đây có thể khống chế được quốc lộ 1, nơi yết hầu của giặc Pháp từ Bắc vào Trung.

    Bia di tích căn cứ cuộc khởi nghĩa Ba Đình

    Bia di tích căn cứ cuộc khởi nghĩa Ba Đình

  23. Đinh Công Tráng
    (1842 - 1887) Lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Ba Đình. Ông quê làng Tráng Xá, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Khi Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ, ông gia nhập đội quân của Hoàng Kế Viêm, rồi tham gia trận Cầu Giấy ngày 19/5/1883. Sau khi cuộc khởi nghĩa Ba Đình thất bại, ông rút về về Nghệ An, định gây dựng lại phong trào, nhưng không may hi sinh trong một trận đánh vào ngày 5/10/1887. Tướng Pháp Mason nhận định: "[Ông là] Người có trật tự, trọng kỉ luật, cương trực, hay nghiêm trị những thủ hạ quấy nhiễu dân; có chí nhẫn nại, biết mình biết người, không bao giờ hành binh cẩu thả, giỏi lập trận thế."
  24. Lễ hội Nghinh Ông
    Lễ hội cúng cá Ông của ngư dân các tỉnh ven biển nước ta từ Quảng Bình trở vào, ngư dân cầu cho biển lặng gió hòa, đi biển may mắn, làm ăn phát đạt. Lễ hội Nghinh Ông là loại lễ hội nước lớn nhất của ngư dân. Có nhiều tên gọi khác nhau như lễ rước cốt Ông, lễ cầu ngư, lễ tế cá Ông, lễ cúng Ông, lễ nghinh ông Thủy tướng... nhưng tất cả đều có chung một quan niệm rằng cá Ông là sinh vật thiêng ở biển, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển nói chung. Điều này đã trở thành một tín ngưỡng dân gian phổ biến trong các thế hệ ngư dân ở các địa phương nói trên. Ở mỗi địa phương, lễ hội Nghinh Ông diễn ra vào một thời điểm khác nhau.

    Lễ Nghinh Ông tại Cần Giờ

    Lễ Nghinh Ông tại Cần Giờ