Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Diều hâu
    Loài chim dữ, mỏ quặp, có thị lực rất sắc bén, hay bắt gà, chuột, rắn.

    Một loại diều hâu

    Một loại diều hâu

  2. Chèo chẹo
    Đòi hỏi điều gì dai dẳng đến nỗi gây khó chịu cho người khác (thường để nói trẻ nhỏ).
  3. The
    Hàng dệt bằng tơ nhỏ sợi, mặt thưa, mỏng, không bóng, thời xưa thường dùng để may áo dài hoặc khăn, màn.

    Áo dài the

    Áo dài the

  4. Lụa
    Một loại vải mịn dệt từ tơ kén của các loài sâu bướm, thường nhất từ tơ tằm. Lụa có thể dệt trơn và hay dệt có hoa hoa từ tơ nõn (tơ bên trong của kén tằm) sao cho sợi dọc và sợi ngang khít với nhau, tạo nên vẻ mịn màng, óng ả và độ dày vừa phải. Lụa tơ tằm cổ truyền thường được nhuộm màu từ những nguyên liệu thiên nhiên như củ nâu, nước bùn, cánh kiến, ...
    Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
    Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
    Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
    Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng

    (Áo lụa Hà Đông - Thơ Nguyên Sa)
  5. Đồng thau
    Hợp kim của đồng và kẽm. Đồng thau có màu khá giống màu của vàng, nên khi xưa thường được dùng để đúc đồ trang trí hay làm tiền xu. Tuy nhiên, khi hơ lửa đồng thau sẽ bị xỉn màu (do bị oxy hóa) còn vàng thì không.

    Vòng tay làm bằng đồng thau

    Vòng tay làm bằng đồng thau

  6. Song
    Một loại cây họ gỗ, giống cây mây nhưng to và dài hơn. Song thường dùng để đan lát, làm đồ mỹ nghệ.

    Cây song

    Cây song

  7. Đoạn
    Xong, kết thúc.
  8. Sông Hồng
    Còn gọi là sông Cái, con sông lớn nhất chảy qua các tỉnh miền Bắc với nhiều phụ lưu cũng là các con sông lớn như sông Đà, sông Lô... Vùng hạ lưu sông gọi là đồng bằng sông Hồng, rất rộng lớn và màu mỡ, là vựa lúa lớn thứ hai của cả nước (sau đồng bằng sông Cửu Long). Đoạn chảy qua Thăng Long trước đây gọi là Nhị Hà.

    Sông Hồng là con sông gắn liền với đời sống văn hoá, tình cảm của người dân Bắc Bộ.

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

  9. Tiếng tơ
    Tiếng đàn. Dây đàn cũng gọi là dây tơ.
  10. Can trường
    Cũng đọc là can tràng, nghĩa đen là gan (can) và ruột (trường), nghĩa bóng chỉ nỗi lòng, tâm tình.

    Chút riêng chọn đá thử vàng,
    Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu?

    (Truyện Kiều)

  11. Ác tà
    Xế chiều, lúc mặt trời sắp lặn. Xem Ác.
  12. Hai thân
    Cha mẹ (từ Hán Việt song thân).
  13. Hang Cắc Cớ
    Một cái hang nằm trên núi Thầy, nơi có chùa Thầy. Hang sâu, hiểm trở, hiện nay là một điểm thu hút khách du lịch. Tương truyền hơn 1000 năm trước, quân của tướng Lữ Gia đánh nhau với giặc Hán, phải rút về trú ở hang, rồi quyên sinh ở đây. Đời vua Bảo Đại, triều đình đã cho xây một bể xương cao 2m, dung tích 18 m3 để tưởng nhớ, và suy tôn những vị đó là Thần. Bởi vậy, hang Cắc Cớ còn có tên gọi khác là Hang Thần.

    Bể xương ở hang Cắc Cớ

    Bể xương ở hang Cắc Cớ

  14. Chùa Thầy
    Một ngôi chùa ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Hội chùa Thầy diễn ra từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng ba Âm lịch hàng năm.

    Phong cảnh chùa Thầy

    Phong cảnh chùa Thầy

    Lễ rước hội chùa Thầy

    Lễ rước hội chùa Thầy

  15. Nác
    Nước (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  16. Khái
    Con hổ.
  17. Lòi
    Lùm cây, bụi rậm (phương ngữ Nghệ Tĩnh).
  18. "Xanh cọng, nóng nác" chỉ việc luộc rau chưa chín. Cả câu ý nói hấp tấp, thiếu chín chắn thì dễ gặp tai vạ.
  19. Cam sành
    Một loại cam có vỏ dày, sần sùi, thịt có màu cam hoặc vàng đậm, nhiều nước, được xem là một giống cam rất ngon.

    Quả cam sành

    Quả cam sành

  20. Quýt hôi
    Một giống quýt thường trồng ở miền núi, cây to, khỏe, quả có vỏ màu vàng tái, bóng, bóc ra có mùi hắc, ruột chua.
  21. Sao Kim
    Hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời, khi xuất hiện lúc chiều tối thì được gọi là sao Hôm, khi xuất hiện lúc sáng sớm thì được gọi là sao Mai. Người xưa lầm tưởng sao Hôm và sao Mai là hai ngôi sao riêng biệt. Trong thi ca, sao Hôm là hoán dụ của hoàng hôn, còn sao Mai là hoán dụ của bình minh.
  22. Quạ
    Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.

    Con quạ

    Con quạ

  23. Chèo bẻo
    Một loài chim thuộc họ chim cắt, có bộ lông màu đen nhánh, cũng có con điểm vài chiếc lông trắng ở dưới đuôi và hai cánh. Chim chèo bẻo là loài chim rất hung dữ, nhất là khi tranh mồi hoặc bảo vệ tổ và chim non.

    Chèo bẻo

    Chèo bẻo

  24. Hạt gạo: xung quanh quầng vú phụ nữ có nhiều hạt nhỏ, đến tuổi dậy thì các hạt ấy nổi to ra nhìn như hạt gạo nên gọi là gai gạo. Chớp đông: mỗi khi phía đông bầu trời có chớp nhay nháy là báo hiệu sắp có mưa to gió lớn. Câu này ý nói: các bạn gái tới tuổi dậy thì tâm sinh lí và thể chất có nhiều thay đổi (quầng vú nổi "gai gạo"), cơ thể đang đà phát triển, chuẩn bị cho hoạt động giao phối và thụ thai (lồn chớp đông).
  25. Có bản chép: Nhớ em.
  26. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  27. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  28. Có ý kiến cho rằng bài ca dao này nhằm đả kích chế độ sưu cao thế nặng của triều đình nhà Nguyễn và thực dân Pháp.
  29. Đồi mồi
    Một loài rùa biển, mai có vân đẹp nên thường bị đánh bắt để làm đồ mĩ nghệ (lược, vòng tay, vòng đeo cổ...). Những đốm nám trên da hoặc trái cây cũng gọi là vết đồi mồi.

    Con đồi mồi

    Con đồi mồi