Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Đà Nẵng
    Tên thành phố thuộc Nam Trung Bộ, trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ Daknan, nghĩa là "vùng nước rộng lớn" hay "sông lớn", "cửa sông cái" vì thành phố nằm bên bờ sông Hàn. Dưới thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng có tên là Cửa Hàn, là thương cảng lớn nhất miền Trung. Cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu chính tại thành phố này.

    Hiện nay Đà Nẵng là một thành phố hiện đại, trong lành, có tiềm năng du lịch rất lớn, và được xem là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

  2. Lưu Cơ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Lưu Cơ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  3. Nam Vang
    Tên tiếng Việt của thành phố Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Vào thời Pháp thuộc, để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Do đời sống quá khổ cực, nhiều người Việt Nam đã đến lập nghiệp tại Nam Vang.
  4. Lòng tong
    Còn gọi là lòng đong, tên gọi chung của một số loại cá nước ngọt hoặc nước lợ, thân nhỏ, thường được người dân đem kho khô hoặc kho nước với tiêu bột ăn cơm nóng.

    Cá lòng tong chỉ vàng

    Cá lòng tong chỉ vàng

  5. Đờn
    Đàn (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  6. Núi, rừng nói chung (phương ngữ Trung Bộ).
  7. Kiến bất thủ nhi tầm thiên lí
    Ở ngay trước mắt mà không giữ lấy, cứ mải đi tìm ở chốn xa xôi.
  8. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  9. Hường
    Hồng (phương ngữ Nam Bộ). Từ này được đọc trại ra do kị húy tên vua Tự Đực là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm.
  10. Đáo xứ lai
    Bay về nơi nao.
  11. Tưởng
    Nghĩ, cho rằng.
  12. Nông Cống
    Tên một huyện nằm ở phía Nam tỉnh Thanh Hóa, trước đây còn có tên là Tư Nông.
  13. Thanh Hóa
    Một tỉnh nằm ở Bắc Trung Bộ, là một trong những cái nôi của người Việt. Cư dân Việt từ xa xưa đã sinh sống trên đồng bằng các sông lớn như sông Mã hay sông Chu. Nền văn minh Đông Sơn được coi là sớm nhất của người Việt cũng thuộc tỉnh này.

    Trong lịch sử, đã có giai đoạn Thanh Hóa được gọi là Thanh Hoa. Nhưng đến thời nhà Nguyễn, do kị húy với tên vương phi Hồ Thị Hoa mà tên tỉnh được đổi thành Thanh Hóa cho đến nay.

    Thanh Hóa có nhiều danh lam thắng cảnh và lịch sử nổi tiếng như Vườn quốc gia Bến En, suối cá thần Cẩm Lương, bãi biển Sầm Sơn, khu di tích Lam Kinh, cầu Hàm Rồng... Đây cũng là nơi địa linh nhân kiệt, là quê hương của các nhân vật lịch sử nổi tiếng như Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi, các chúa Trịnh, Nguyễn...

    Suối cá thần Cẩm Lương

    Suối cá thần Cẩm Lương

  14. Bà Triệu
    Tên gọi dân gian của Triệu Quốc Trinh, nữ anh hùng dân tộc, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại ách thống trị của nhà Ngô (Trung Quốc) vào năm 248. Theo truyền thuyết, mỗi khi ra trận bà cưỡi con voi trắng một ngà, tự tay đánh cồng để khích lệ tinh thần quân sĩ. Quân Ngô khiếp sợ trước uy bà, có câu:

    Hoành qua đương hổ dị
    Đối diện Bà vương nan

    (Vung giáo chống cọp dễ
    Giáp mặt vua Bà khó)

    Theo Việt Nam sử lược, sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, Bà Triệu đã tuẫn tiết trên núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) vào năm Mậu Thìn (248), lúc mới 23 tuổi.

    Bà Triệu (tranh Đông Hồ)

    Bà Triệu (tranh Đông Hồ)

  15. Võng đào
    Võng bằng vải màu đỏ tươi, dành cho người có chức tước, địa vị.
  16. Mình ve
    Mình gầy như xác con ve.
  17. Nác
    Nước (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  18. Khái
    Con hổ.
  19. Lòi
    Lùm cây, bụi rậm (phương ngữ Nghệ Tĩnh).
  20. "Xanh cọng, nóng nác" chỉ việc luộc rau chưa chín. Cả câu ý nói hấp tấp, thiếu chín chắn thì dễ gặp tai vạ.
  21. Đu tiên
    Một trò chơi có nguồn gốc từ miền Bắc, được tổ chức trong các dịp lễ hội, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh cây đu, người ta treo một chiếc khăn hồng ở độ cao xấp xỉ chiều cao giá đu. Người dự cuộc đu phải đưa cánh đu bay cao, giật cho được chiếc khăn kia, mới được coi là thắng cuộc. Ngoài việc đu cao, họ còn phải nhún sao cho đẹp mắt, thì mới được tán thưởng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Ất Tị, năm thứ tám niên hiệu Đại Trị đời Trần Dụ Tông (1363)… mùa xuân, tháng Giêng, người Chiêm Thành đến bắt dân ở châu Hóa. Hàng năm, cứ đến mùa xuân tháng Giêng, con trai, con gái họp nhau đánh đu ở Bà Dương. Người Chiêm Thành khoảng tháng 12 năm trước, nấp sẵn ở nơi đầu nguồn của châu Hóa, đến khi ấy ụp đến cướp bắt lấy người đem về.”

    Đu tiên

    Đu tiên

  22. Giỗ Tổ Hùng Vương
    Ngày giỗ hằng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, để tưởng nhớ công ơn dựng nước của mười tám đời vua Hùng. Vào ngày này lễ hội Hùng Vương được tổ chức tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

    Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương

    Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương

  23. Sông Lô
    Còn có tên là sông Mã (ít dùng, do dễ nhầm lẫn với sông Mã ở Thanh Hóa), một phụ lưu của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), chảy vào nước ta tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Điểm cuối sông là "ngã ba sông" Việt Trì, thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nơi sông Lô đổ vào sông Hồng. Sông Lô có hai phụ lưu lớn là sông Chảy và sông Gâm, ngoài ra còn có các phụ lưu nhỏ là sông Phó Đáy và sông Con.

    Sông Lô đoạn chảy qua Hà Giang

    Sông Lô đoạn chảy qua Hà Giang

  24. Sông Đà
    Còn gọi là sông Bờ, phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chảy theo hướng tây bắc - đông nam. Điểm đầu của sông Đà trên nước ta là biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại huyện Mường Tè (Lai Châu). Sông chảy qua các tỉnh Tây Bắc là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, nhập với sông Hồng ở "ngã ba sông" (Việt Trì, Phú Thọ).

    Sông Đà

    Sông Đà

  25. Tam Đảo
    Tên một dãy núi đá ở vùng Đông Bắc nước ta nằm trên địa bàn ba tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Gọi là Tam Đảo vì ở đây có ba ngọn núi cao là Thạch Bàn, Thiên Thị và Máng Chỉ. Đầu thế kỉ XX, đây là nơi thực dân Pháp chọn làm nơi nghỉ mát. Ngày nay Tam Đảo là địa điểm du lịch nổi tiếng ở miền Bắc.

    Tam Đảo trong sương

    Tam Đảo trong sương

  26. Ba kỳ
    Tức Tam Kỳ, tên gọi chung cho ba vùng đất do thực dân Pháp và triều đình bù nhìn nhà Nguyễn phân chia nước ta vào thế kỉ 19. Ba kỳ gồm có: Bắc Kỳ (Tonkin, từ phía Nam tỉnh Ninh Bình trở ra), Trung Kỳ (Annam, từ phía bắc tỉnh Bình Thuận đến Đèo Ngang) và Nam Kỳ (Cochinchine).

    Bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc

    Bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc

  27. Sở cầu như ý
    Được như mong muốn. Cụm từ này thường được dùng khi cầu xin với thần Phật. Cũng đọc là như ý sở cầu.
  28. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  29. Bụ
    Vú (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  30. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  31. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  32. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  33. Báng nước
    Hiện tượng bụng trướng căng, rốn lồi, một triệu chứng của những bệnh xơ gan, suy tim phải, viêm đa màng, hội chứng thận hư...
  34. Bổi
    Mớ cành lá, cỏ rác lẫn lộn, thường dùng để đun bếp.
  35. Nạ dòng
    Người phụ nữ đã có con, đứng tuổi. Từ này thường dùng với nghĩa chê bai. Có nơi phát âm thành lại dòng.

    Theo học giả An Chi, nạ là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 女 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "nữ" còn âm xưa chính là "nạ," có nghĩa là "đàn bà," "mẹ"... còn dòng là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 庸 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "dung" còn âm xưa chính là "dòng," có nghĩa gốc là hèn mọn, tầm thường, yếu kém, mệt mỏi... rồi mới có nghĩa phái sinh là không còn nhanh nhẹn, gọn gàng vì đã luống tuổi, nhất là đối với những người đã có nhiều con.

  36. Giòn
    Xinh đẹp, dễ coi (từ cổ).