Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cúng ma
    Cách chữa bệnh lạc hậu, mê tín dị đoan cho rằng phải cúng ma thì mới khỏi bệnh.
  2. Guồng xa
    Máy kéo sợi thủ công để tạo nên sợi, từ đó mới đưa qua khung cửi và dệt thành vải, thành hàng.

    Quay sợi bằng guồng xa

    Quay sợi bằng guồng xa

  3. Muối dưa
    Trộn một hoặc nhiều loại rau, củ, quả với muối và một số gia vị rồi để lên men cho chua, dùng làm thức ăn.

    Dưa cải muối

    Dưa cải muối

  4. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  5. Sợi mắc
    Sợi tơ chính, được mắc dọc theo khung cửi dệt lụa. Khi dệt, tơ mành được luồn ngang kéo bằng con thoi giữa hai hàng sợi mắc. Vì thường bị kéo căng, sợi mắc phải chắc chắn hơn và thường to hơn sợi mành.
  6. Tơ mành
    Dây tơ mỏng, chỉ tình yêu vương vấn của đôi trai gái (xem thêm chú thích Ông Tơ Nguyệt). Khi dệt lụa, tơ mành là sợi ngang, mỏng manh hơn sợi dọc.

    Cho hay là thói hữu tình
    Đố ai dứt mối tơ mành cho xong

    (Truyện Kiều)

  7. Nốt son
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nốt son, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  8. Nốt cục
    Nốt rối thường có trên những sợi tơ tằm to, sần. Những sợi tơ có nốt cục không thể dùng để dệt lụa, mà lại dành để dệt quai thao cho nón.
  9. Triều Khúc
    Còn có tên là Cầu Đơ, Kẻ Đơ, hay Đơ Thao, là một ngôi làng cổ nay thuộc xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Kẻ Đơ nổi tiếng với nghề dệt quai thao cho nón từ lâu đời. Trong làng có hai ngôi đình thờ Phùng Hưng, được dựng từ thế kỷ 17 với quy mô kiến trúc khá bề thế. Theo thần phả và truyền thuyết thì vào năm 791, trên đường tiến quân vào bao vây thành Tống Bình (nội thành Hà Nội ngày nay), dẹp bỏ ách đô hộ của nhà Đường do Cao Chính Bình cầm đầu, Phùng Hưng đã chọn Triều Khúc làm đại bản doanh, tức khu vực đình hiện nay.

    Làng Triều Khúc

    Làng Triều Khúc

  10. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  11. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  12. Gá duyên
    Kết thành nghĩa vợ chồng.
  13. Khánh Hòa
    Một tỉnh duyên hải thuộc Nam Trung Bộ. Khánh Hòa có bờ biển dài hơn 200 km và gần 200 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều vịnh biển đẹp như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh... cùng khu du lịch quốc tế bắc bán đảo Cam Ranh. Với khí hậu ôn hòa và nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng khác, Khánh Hòa đã trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước.

    Vịnh Vân Phong tỉnh Khánh Hòa

    Vịnh Vân Phong

  14. Nha Trang
    Một địa danh thuộc tỉnh Khánh Hòa, hiện là một thành phố biển nổi tiếng không chỉ ở nước ta mà trên cả thế giới về du lịch biển, đồng thời là một trong những trung tâm kinh tế của cả nước.

    Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên "Nha Trang" được hình thành do cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là Ya Trang hay Ea Trang (có nghĩa là "sông Lau," tiếng người Chăm gọi sông Cái chảy qua Nha Trang ngày nay, vì chỗ con sông này đổ ra biển mọc rất nhiều cây lau). Từ tên sông, sau chỉ rộng ra vùng đất từ năm 1653.

    Vẻ đẹp Nha Trang

    Vẻ đẹp Nha Trang

  15. Ninh Hòa
    Một địa danh thuộc tỉnh Khánh Hòa. Huyện Ninh Hòa nằm ngay sát bờ biển, từ xưa đã nổi tiếng với hai đặc sản là nem và vịt. Nhất là ở làng Phú Hòa (xã Ninh Quang), nhờ có cánh đồng trũng đất đai phì nhiêu, nên nuôi vịt rất dễ, vịt chóng lớn, thịt mềm ngon.

    Vịt trên cánh đồng Ninh Hòa

    Vịt trên cánh đồng Ninh Hòa

  16. Nem
    Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...

    Nem chua

    Nem chua

  17. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
  18. Đèn dầu
    Đèn đốt bằng dầu hỏa, gồm một bầu đựng dầu bằng thủy tinh hoặc kim loại, một sợi bấc (tim đèn) để hút dầu, và hệ thống núm vặn. Đèn dầu còn được gọi là đèn Hoa Kỳ (Huê Kỳ), mà theo tác giả Nguyễn Dư thì tên này bắt nguồn từ tên cửa hiệu Hoa Kỳ phố Jules Ferry (Hàng Trống ngày nay) chuyên làm đồ khảm xà cừ và bán đèn sắt tây. Hiện nay đèn dầu vẫn còn được thấy ở các vùng quê nghèo.

    Đèn dầu

    Đèn dầu

  19. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  20. Đọi
    Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  21. Đỗ quyên
    Có giả thuyết cho là chim cuốc. Theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì chim quyên là chim tu hú. Hình ảnh chim quyên trong ca dao dân ca thường tượng trưng cho những điều tốt đẹp.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  22. Cồng cộc
    Tên gọi miền Nam của chim cốc đế, một loại chim làm tổ trong các rừng ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long. Chim có đầu, mào, cổ toàn bộ mặt lưng và đuôi màu đen, cánh xanh lục hay tím đỏ. Thức ăn chủ yếu là cá.

    Chim cồng cộc

    Chim cồng cộc

  23. Le le
    Tên một loài chim gần giống vịt trời, hay kiếm ăn ở vùng đồng ruộng hay bưng biền, gặp nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười.

    Con le le

    Con le le

  24. Chèo bẻo
    Một loài chim thuộc họ chim cắt, có bộ lông màu đen nhánh, cũng có con điểm vài chiếc lông trắng ở dưới đuôi và hai cánh. Chim chèo bẻo là loài chim rất hung dữ, nhất là khi tranh mồi hoặc bảo vệ tổ và chim non.

    Chèo bẻo

    Chèo bẻo

  25. Cò ma
    Một loại cò có bộ lông trắng, mỏ vàng và chân màu vàng xám. Trong mùa sinh sản, chim trưởng thành chuyển sang màu cam trên lưng, ngực và đầu, còn mỏ, chân và mắt chuyển màu đỏ.

    Cò ma

    Cò ma

  26. Truông
    Vùng đất hoang, có nhiều cây thấp, lùm bụi, hoặc đường qua rừng núi, chỗ hiểm trở (theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  27. Bánh xèo
    Một loại bánh làm bằng bột, bên trong có nhân là tôm, thịt, giá, đúc hình tròn. Tùy theo mỗi vùng mà cách chế biến và thưởng thức bánh xèo có khác nhau. Ở Huế, món ăn này thường được gọi là bánh khoái và thường kèm với thịt nướng, nước chấm là nước lèo gồm tương, gan, đậu phộng. Ở miền Nam, bánh có cho thêm trứng, chấm nước mắm chua ngọt. Ở miền Bắc, nhân bánh xèo còn có thêm củ đậu thái mỏng hoặc khoai môn thái sợi. Các loại rau ăn kèm với bánh xèo rất đa dạng gồm rau diếp, cải xanh, diếp cá, tía tô, rau húng, lá quế, lá cơm nguội non...

    Bánh xèo

    Bánh xèo

  28. Đã thèm
    Chán chường (phương ngữ Trung Bộ).
  29. Còng gió
    Loại còng ở biển, chạy rất nhanh. Nhân dân ta thường bắt còng gió làm mắm hoặc làm món ăn, nhất là trong những ngày biển động.

    Còng gió

    Còng gió

  30. Két
    Còn gọi là vẹt, một loài chim có lông sặc sỡ, đặc biệt có khả năng bắt chước tiếng người nên thường được nuôi làm cảnh.

    Vẹt

    Vẹt

  31. Ngồng
    Thân non của một số cây như cải, thuốc lá... mọc cao lên và ra hoa. "Ngồng" cũng có nghĩa là trổ hoa ở các loại cây này.

    Ngồng cải

    Ngồng cải

  32. Tương tư
    Nhớ nhau (từ Hán Việt). Trong văn thơ, tương tư thường được dùng để chỉ nỗi nhớ nhung đơn phương trong tình yêu trai gái.

    Gió mưa là bệnh của Trời
    Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

    (Tương tư - Nguyễn Bính)