Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  2. Cầu Ô Thước
    Chiếc cầu trong điển tích Ngưu Lang - Chức Nữ, tượng trưng cho sự sum họp đôi lứa.
  3. Kẻ Hán người Hồ
    Lấy từ điển tích Chiêu Quân cống Hồ. Vương Chiêu Quân là một trong tứ đại mĩ nhân của Trung Quốc, với vẻ đẹp "lạc nhạn" (chim sa), nhưng vì không chịu đút lót cho họa sĩ của vua nên bức chân dung của nàng bị vẽ xấu xí, vua không để mắt tới. Khi Hán Nguyên Đế phát hiện ra Chiêu Quân thì vua Hung Nô (rợ Hồ) mang quân sang đánh, buộc Hán phải cống nàng cho Hồ thì mới yên. Trên đường cống sang Hồ, Chiêu Quân cảm tác nhiều bài thơ và nhạc khúc rất cảm động.

    Thành ngữ kẻ Hán người Hồ, cũng nói tắt là Hán Hồ, vì thế chỉ nỗi đau li biệt của đôi lứa yêu nhau.

  4. Rứa
    Thế, vậy (phương ngữ Trung Bộ).
  5. Tua rua
    Tên gọi dân dã trong tiếng Việt của cụm sao phân tán M45 trong chòm Kim Ngưu (Taurus), ở Việt Nam thường thấy được vào lúc sáng sớm đầu tháng 6 dương lịch. Tua Rua còn được nông dân đồng bằng Bắc Bộ gọi là Sao Mạ vì xuất hiện trên bầu trời vào thời vụ gieo mạ lúa mùa chính vụ. Trong bầu trời đêm thì mắt thường có thể nhìn thấy chín ngôi sao sáng nhất của cụm sao này, vì thế trong dân gian mới có câu "Sao Tua (Vua) chín cái nằm kề."

    Ảnh Chòm sao Tua Rua từ Digitized Sky Survey. Ảnh của:  NASA/ESA/AURA/Caltech.

    Ảnh Chòm sao Tua Rua từ Digitized Sky Survey.
    Ảnh của: NASA/ESA/AURA/Caltech.

  6. Châu
    Hạt ngọc trai.
  7. Phú quý
    Giàu có và sang trọng (từ Hán Việt).
  8. Phong lưu
    Ngọn gió bay (phong), dòng nước chảy (lưu). Từ này vốn nghĩa là phẩm cách, tinh thần riêng của mỗi người, hiểu rộng ra là sung sướng, vui với cảnh, không phải chịu buồn khổ.

    Cõi trần thế nhân sinh là khách cả
    Nợ phong lưu kẻ giả có người vay

    (Nợ phong lưu - Nguyễn Công Trứ)

  9. Tao nhã
    Thanh cao, nhã nhặn (từ Hán Việt).
  10. Huê
    Hoa (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Gọi như thế do kiêng húy tên của bà Hồ Thị Hoa, chính phi của hoàng tử Đảm (về sau là vua Minh Mạng).
  11. Thúc sinh
    Một nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thúc sinh có nghĩa là thư sinh họ Thúc. Thúc sinh là một thương nhân, đã có vợ là Hoạn Thư, song lại đem lòng yêu Thúy Kiều. Thúc sinh chuộc Kiều khỏi chốn lầu xanh và giấu vợ cưới Kiều làm lẽ. Hoạn Thư biết được, bắt cóc Kiều về hành hạ, Thúc sinh nhu nhược không dám làm gì, Thúy Kiều phải đến nương nhờ cửa Phật.

    Khách du bỗng có một người
    Kỳ tâm họ Thúc, cũng nòi thư hương
    Vốn người huyện Tích Châu Thường
    Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Tri

  12. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  13. Hài
    Giày, dép. Thường được dùng để chỉ giày thời xưa.
  14. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  15. Bạch nhật
    Mặt trời sáng (từ Hán Việt).
  16. Thanh phong
    Gió mát (từ Hán Việt).
  17. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  18. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  19. Tri kỉ
    Người thân thiết, hiểu rõ mình, từ chữ tri (biết) và kỉ (mình).
  20. Căn nợ
    Món nợ nần của đôi trai gái từ kiếp trước phải trả trong kiếp này, theo giáo lí nhà Phật.
  21. Nhặt mắt
    (Tre, mía, nứa, cau...) có nhiều mắt cây khít nhau do nắng nhiều hoặc trồng ở chỗ đất xấu.
  22. Từ quy
    Tên một loại chim rừng, cũng gọi là chim tử quy. Trong dân gian có câu chuyện về hai người yêu nhau nhưng bị gia đình ngăn cản. Cô gái tự vẫn, chàng trai về ôm xác người yêu khóc mà chết. Xác hai người hóa thành đôi chim từ quy, đêm đêm gọi nhau.
  23. Nỏ chộ
    Không thấy (phương ngữ Trung Bộ).
  24. Túi
    Tối (khẩu ngữ).
  25. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  26. Biến dời
    Đổi dời, chết (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của).
  27. Sông Con
    Một con sông phát nguyên từ dãy núi Đồng Rập (ranh giới của hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế) và núi Bà Nà, hợp lưu tại An Điềm, chảy qua vùng đồng bằng hẹp xã Đại Lãnh rồi nhập vào sông Vu Gia ở ngã ba Hà Tân. Một số bản đồ của Pháp trước đây ghi là sông Côn, nhưng thực ra đây là nhánh sông Con để phân biệt với sông Cái.
  28. Sông Cái
    Tên gọi đoạn trung lưu của sông Vu Gia, trong cùng hệ thống với sông Thu Bồn ở tỉnh Quảng Nam, bắt nguồn từ vùng biên giới Việt - Lào, nối với sông Thu Bồn ở huyện Đại Lộc.
  29. Sông Thu Bồn
    Tên con sông bắt nguồn từ núi Ngọc Linh tỉnh Kon Tum (phần thượng lưu này được gọi là Đak Di), chảy lên phía Bắc qua các huyện trung du của tỉnh Quảng Nam (đoạn chảy qua các huyện Tiên Phước và Hiệp Đức được gọi là sông Tranh - bắt đầu qua địa phận Nông Sơn, Duy Xuyên mới được gọi là Thu Bồn), đổ ra biển tại cửa Đại, một nhánh chảy vào sông Vĩnh Điện để đổ nước vào sông Hàn. Sông Thu Bồn cùng với sông Vu Gia tạo thành hệ thống sông lớn gọi là hệ thống sông Thu Bồn, có vai trò quan trọng đối với đời sống và văn hóa người Quảng.

    Sông Thu Bồn tại Hội An, Quảng Nam

    Sông Thu Bồn tại Hội An, Quảng Nam

  30. Hà Nha
    Địa danh nay là một thôn thuộc xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, bên bờ sông Vu Gia.

    Cầu Hà Nha bắc qua sông Vu Gia

    Cầu Hà Nha bắc qua sông Vu Gia

  31. Chành rành
    Còn gọi chành ràng, chằn rằn, một loại cây bụi hoặc cây gỗ nhỏ có vỏ trắng, lá vò ra có mùi thơm, thường mọc trên các đồi cát dọc bờ biển. Lá, vỏ, gỗ và hạt chành rành đều được làm vị thuốc Đông y. Ở một số nơi người ta cũng bó chành rành làm chổi quét sân, làm roi trị tội trẻ con.

    Lá và hoa chành rành

    Lá và hoa chành rành

  32. Chạp mả
    Một phong tục của dân ta, thường hàng năm vào tháng chạp âm lịch, người ta đi thăm và sửa sang lại mồ mả người thân trong gia đình.
  33. Long Hồ
    Địa danh vào thời chúa Nguyễn là một vùng đất rất rộng, bao trùm hầu như cả vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày nay: từ Bến Tre, qua Trà Vinh, sang Sa Đéc, Cần Thơ, An Giang, Cà Mau đến tận Hà Tiên thuộc Kiên Giang, gọi là dinh Long Hồ. Cái tên này bắt nguồn từ chữ Longhor của người Miên. Hiện nay Long Hồ là tên một huyện của tỉnh Vĩnh Long.
  34. Nhân kiệt địa linh
    Từ chữ Hán 人傑地靈, theo Hán Đại thành ngữ đại từ điển thì có thể có hai nghĩa là "Chỉ nơi có nhân vật kiệt xuất ra đời hoặc đến (ở, hoạt động...), nhờ đó mà trở nên nổi tiếng" và "Nhân vật kiệt xuất thì sinh ra ở vùng đất đai linh tú." Thành ngữ này có biến thể trong tiếng Việt là Địa linh nhân kiệt, cũng có câu Địa linh sinh nhân kiệt.
  35. Đâm cấu
    Giã gạo (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  36. Làm đĩ không xấu bằng đâm cấu ban ngày
    Vào vụ mùa, giã gạo (đâm cấu) là công việc nên làm ban đêm, để dành ban ngày cho những việc cần thiết, nặng nhọc hơn.
  37. Chữ tác đánh chữ tộ, chữ ngộ thành chữ quá
    Tác 作 và tộ 祚, ngộ 遇 và quá 過 là các chữ Hán gần giống nhau, người đọc hay đọc nhầm. Thành ngữ này vì vậy chế giễu chữ nghĩa của học trò và mở rộng ra là sự nhầm lẫn hoặc dốt nát nói chung. Có bản chép: Chữ ngộ đánh chữ quá.
  38. Phủ Giầy
    Cũng ghi là Phủ Dầy hay Phủ Giày, một cụm đền chùa tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Trong đó, quan trọng nhất là đền thờ bà chúa Liễu Hạnh, ngay sát chợ Viềng. Các kiến trúc còn lại là phủ Tiên Hương, phủ Vân Các, Công Đồng từ, đền thờ Lý Nam Đế, chùa Linh Sơn, lăng bà chúa Liễu Hạnh... Hằng năm tại đây tổ chức hội Phủ Giầy vào tháng 3 âm lịch.

    Hội Phủ Giầy

    Hội Phủ Giầy

  39. Chùa Đại Bi
    Dân gian gọi là chùa Bi, một ngôi chùa tọa lạc tại thôn Giáp Ba, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, thờ thiền sư Đạo Hạnh. Từ lâu chùa Đại Bi đã trở thành nơi du ngoạn của khách thập phương, nhất là vào dịp hội chùa đầu xuân từ 20 đến 23 tháng Giêng âm lịch.

    Một góc chùa Đại Bi