Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Hang Cắc Cớ
    Một cái hang nằm trên núi Thầy, nơi có chùa Thầy. Hang sâu, hiểm trở, hiện nay là một điểm thu hút khách du lịch. Tương truyền hơn 1000 năm trước, quân của tướng Lữ Gia đánh nhau với giặc Hán, phải rút về trú ở hang, rồi quyên sinh ở đây. Đời vua Bảo Đại, triều đình đã cho xây một bể xương cao 2m, dung tích 18 m3 để tưởng nhớ, và suy tôn những vị đó là Thần. Bởi vậy, hang Cắc Cớ còn có tên gọi khác là Hang Thần.

    Bể xương ở hang Cắc Cớ

    Bể xương ở hang Cắc Cớ

  2. Chùa Thầy
    Một ngôi chùa ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Hội chùa Thầy diễn ra từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng ba Âm lịch hàng năm.

    Phong cảnh chùa Thầy

    Phong cảnh chùa Thầy

    Lễ rước hội chùa Thầy

    Lễ rước hội chùa Thầy

  3. Đây là một kinh nghiệm dành cho thợ may khi may quần áo: vì trẻ em mau lớn nên khi may phải may rộng hơn (may ra). Ngược lại người già thì ngày càng ốm đi, nên khi may nên may chật hơn một chút.
  4. Tra
    Già (phương ngữ Bắc Trung Bộ). Kẻ tra nghĩa là người già.
  5. Thầy địa lí
    Người làm nghề xem thế đất để tìm chỗ đặt mồ mả, dựng nhà cửa cho được may mắn, theo thuật phong thủy.
  6. Ngõ Trạm
    Tên một con đường ngắn thuộc phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nguyên Ngõ Trạm ngày xưa là phố Hà Trung bây giờ (trước gọi Ngõ Trạm cũ hay Ngõ Trạm chính), phố bây giờ mới mở từ thời Pháp thuộc (ngày trước gọi Ngõ Trạm mới). Về tên gọi Ngõ Trạm, theo Doãn Kế Thiện trong Hà Nội cũ (1943): "Ngõ ấy có một cái nhà trạm, nhận các công văn ở trong tỉnh chuyển đệ đi các nơi. Cái nhà ấy ở vào giữa phố. Chừng bốn mươi năm trước, từ phía Hàng Da đi xuống, ai qua phố ấy, thường vẫn thấy về bên tay phải, một cái nhà một tầng, chật hẹp và lụp xụp, bên ngoài che mành mành. Đó tức là nhà trạm, tới nay vì người ở đông, người ta đã thay đổi mất hẳn cái di chỉ của nhà ấy rồi."

    Phố Ngõ Trạm

    Phố Ngõ Trạm

  7. Tạm Thương
    Tên một ngõ thuộc phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thời nhà Nguyễn đây là nơi đặt một cái kho tạm để thu thóc lúa thuế của dân trước khi chuyển vào kho chính, nên mới có tên gọi Tạm Thương (kho tạm).

    Ngõ Tạm Thương ngày nay

    Ngõ Tạm Thương ngày nay

  8. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  9. Đàng cả
    Đường lớn.
  10. Ngư phủ
    Người đánh cá (từ Hán Việt).
  11. Cội
    Gốc cây.
  12. Tùng
    Cây thuộc họ thông, thân và tán có dáng đẹp. Tùng có rất nhiều loại, có loại cao lớn, cũng có loại làm cảnh nhỏ. Theo quan điểm Nho giáo, cây tùng thường được ví với lòng kiên trinh, người quân tử.

    Loại tùng bách mọc trên núi

    Loại tùng bách mọc trên núi

  13. Súng hai nòng
    Loại súng trường có hai ống, một ống hơi và buồng súng ghép song song nhau. Người ta cũng gọi súng này là súng hai lòng, nên cụ Nguyễn Đình Chiểu gọi là súng song tâm.

    Các bậc sĩ nông công cổ, liều mang tai với súng song tâm
    Mấy nơi tổng lý xã thôn, đều mang hại cùng cờ tam sắc
    (Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh)

  14. Ba ngầu
    Hay ba ngù, hung dữ, lầm lì (phương ngữ Nam Bộ).
  15. Căn nợ
    Món nợ nần của đôi trai gái từ kiếp trước phải trả trong kiếp này, theo giáo lí nhà Phật.
  16. Hồ giấy
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hồ giấy, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  17. Én
    Loài chim nhỏ, cánh dài nhọn, đuôi chẻ đôi, mỏ ngắn, thường bay thành đàn.

    Chim én

    Chim én

  18. Ngàn
    Rừng rậm.
  19. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  20. Sân rồng
    Sân trước điện nhà vua. Nơi các quan đến chầu vua.

    Các quan chầu trong sân rồng

    Các quan chầu trong sân rồng

  21. Tông
    Dòng dõi, tổ tiên (từ Hán Việt).
  22. Vượt Vũ môn
    Ở thượng lưu sông Hoàng Hà (giữa huyện Hà Tân, Sơn Tây và Hán Thành, Thiểm Tây, Trung Quốc) có mõm đá như hình cái cửa. Tương truyền thời thượng cổ vua Vũ nhà Hạ trị thủy đã đục phá mõm đá này cho rộng ra, nên gọi là Vũ môn (cửa vua Vũ), cũng gọi là Cửa Vũ hay Cửa Võ. Theo Tam Tần KýThủy Kinh Chú thì Vũ môn có sóng dữ, hàng năm vào tiết tháng ba cá chép khắp nơi kéo về vượt qua Vũ môn, con nào nhảy qua được thì hóa rồng. Nhân đó, cửa Vũ dùng chỉ chốn trường thi và thi đỗ gọi là vượt Vũ môn.

    Theo Đại Nam nhất thống chí thì ở nước ta cũng có Vũ môn ở dãy núi Khai Trường huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Đây là dòng suối có ba bậc. Tương truyền hàng năm đến tháng 4 mưa to, có nước nguồn thì cá chép ngược dòng chảy qua Vũ môn để hóa rồng.

  23. Nhứt
    Nhất (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  24. Lý Thần phi
    Một phi tần của vua Tống Chân Tông đời nhà Tống, Trung Quốc. Trong truyền thuyết dân gian Trung Quốc, Lý Thần phi nổi tiếng với câu chuyện "Dùng ly miêu đánh tráo thái tử," theo đó khi bà sinh hạ thái tử thì Lưu Hoàng hậu cùng hoạn quan Quách Hòe đánh tráo thái tử bằng một con ly miêu (con lửng), nói rằng "Lý thị sinh hạ yêu nghiệt." Bà bị đuổi khỏi cung, lưu lạc mấy mươi năm, đến cuối đời mới gặp được Bao Công và được minh oan.
  25. Bao Công
    Tên thật là Bao Chửng, cũng gọi là Bao Thị Chế, Bao Hắc Tử, làm quan dưới thời Tống Nhân Tông, Trung Quốc. Ông nổi tiếng thanh liêm, nghiêm minh, được nhân dân suy tôn là Bao Thanh Thiên (trời xanh). Hình tượng Bao Công trong dân gian được khắc họa là một người mặt đen, trán có hình trăng lưỡi liềm, được nhiều người tài như Công Tôn Sách, Triển Chiêu, Vương Triều, Mã Hán, Trương Long, Triệu Hổ theo phò tá. Tuy nhiên, đa số những chi tiết này không có thật trong lịch sử.

    Một hình vẽ Bao Công

    Một hình vẽ Bao Công

  26. Me
    Từ tiếng Pháp mère, nghĩa gốc là "mẹ," ở ta được dùng để chỉ những người phụ nữ Việt Nam lấy chồng Tây, nhất là vào thời Pháp thuộc. Cách gọi này có ý dè bỉu.
  27. Lọng
    Đồ dùng để che phía trên đầu, gần giống cái dù nhưng kích thước lớn hơn, hình tròn, phẳng, có cán dài để cầm, thường được sử dụng trong nghi lễ hoặc đám rước, để thể hiện địa vị xã hội. Ngày xưa, lọng được sử dụng cho vua, quan, chức sắc; ngày nay, lọng chủ yếu được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo.

    Kết cấu của lọng thường bao gồm một khung bằng tre nứa, có thể giương lên, xếp lại dễ dàng. Mặt trên lọng lợp bằng giấy phết sơn ta để chống thấm nước. Lọng còn thường được trang trí nhiều màu sắc và họa tiết tùy theo địa vị của người sử dụng.

    Quan tổng đốc Hà Nội đi bốn lọng.

    Quan tổng đốc Hà Nội đi bốn lọng.

  28. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  29. Quáng gà
    (Mắt) nhìn không rõ vào ban đêm hay trong điều kiện thiếu ánh sáng, như lúc chiều tối.
  30. Tiết Đinh San
    Một nhân vật trong dã sử Trung Quốc, con trai của Tiết Nhơn Quý, dũng tướng nhà Đường.
  31. Phàn Lê Huê
    Một nữ tướng thời Đường, vợ của Tiết Đinh San, cũng là một danh tướng trong dã sử Trung Quốc. Phàn Lê Huê là nhân vật chính trong nhiều vở tuồng và cải lương biên soạn dựa trên tiểu thuyết Trung Quốc ở nước ta.

    Xem trích đoạn cải lương Phàn Lê Huê phá Hồng thuỷ trận và Tiết Định San cầu Phàn Lê Huê tại đây.

  32. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  33. Hẩm
    Cũng như hẩm hiu, nghĩa là thiệt thòi. Thường dùng để nói về số phận, duyên phận (hẩm duyên, hẩm phận).
  34. Có bản chép: dăm.
  35. Mẫu
    Đơn vị đo diện tích ruộng đất, bằng 10 sào tức 3.600 mét vuông (mẫu Bắc Bộ) hay 4.970 mét vuông (mẫu Trung Bộ).
  36. Đền A Sào
    Đền thờ Trần Hưng Đạo (tên thật Trần Quốc Tuấn, còn được gọi là Quốc Công Tiết Chế - Hưng Đạo Đại Vương), thuộc xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Đền còn được gọi là A Sào linh miếu, Đệ nhị sinh từ, hay đền Gạo (do làng A Sào xưa có tên nôm là làng Gạo). Đền nằm trong thái ấp của Trần Liễu, phụ thân Trần Hưng Đạo.

    Địa danh A Sào gắn liền với vương triều Trần và chiến tích ba lần đại phá quân Nguyên - Mông vào các năm 1258, 1285, và 1288. Hàng năm, dân làng mở hội tế lễ vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, tương truyền là ngày sinh của Trần Hưng Đạo.

     

    Đền A Sào, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình

    Đền A Sào, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình