Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nạ dòng
    Người phụ nữ đã có con, đứng tuổi. Từ này thường dùng với nghĩa chê bai. Có nơi phát âm thành lại dòng.

    Theo học giả An Chi, nạ là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 女 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "nữ" còn âm xưa chính là "nạ," có nghĩa là "đàn bà," "mẹ"... còn dòng là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 庸 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "dung" còn âm xưa chính là "dòng," có nghĩa gốc là hèn mọn, tầm thường, yếu kém, mệt mỏi... rồi mới có nghĩa phái sinh là không còn nhanh nhẹn, gọn gàng vì đã luống tuổi, nhất là đối với những người đã có nhiều con.

  2. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  3. Gà cồ
    Gà trống lớn.
  4. Hạt tấm
    Mảnh vỡ từ hạt gạo.
  5. Nong
    Dụng cụ hình tròn, đan bằng tre, có vành, đáy nông, thường dùng để phơi nông sản hoặc để nuôi tằm. Có vùng gọi là nống. Nhỏ hơn nong một chút gọi là nia.

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  6. Phu Văn Lâu
    Một tòa lầu nằm trong khu di tích Hoàng thành Huế, nằm ở mặt Nam của hoàng thành và sát bờ sông Hương. Thời nhà Nguyễn đây là nơi trưng bày văn thư và niêm yết những chỉ dụ của triều đình.

    phu-van-lau

    Phu Văn Lâu

  7. Hò mái đẩy
    Một trong những làn điệu dân ca phổ biến ở vùng Thừa Thiên - Huế, thường được hò những khi thuyền chở nặng hoặc phải vượt qua thiên tai, địa hình hiểm trở. Người chèo thuyền thường phải làm chân sào lớn và mạnh để có thể chống đẩy, ngoài ra phải ra sức đẩy mạnh tay chèo, nên loại hò này thường ngắn, nhịp điệu mạnh mẽ, chắc nịch. Nội dung hò mái đẩy thường là châm chọc, chế giễu lẫn nhau.
  8. Bài này nguyên là thơ của nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, đi vào lòng dân chúng lâu ngày mà thành ca dao.
  9. Ve
    Cái ly (phiên âm từ danh từ tiếng Pháp "le verre"), còn được hiểu là chai nhỏ, lọ nhỏ.
  10. Có ý kiến cho rằng bài này chỉ phong trào Văn Thân bí mật liên lạc với vua Duy Tân để tìm đường cứu nước. Năm 1915, đảng Việt Nam Quang Phục cử Trần Cao Vân và Thái Phiên hợp tác với vua Duy Tân mưu đồ khởi sự. Họ hẹn gặp nhau trên bờ sông Ngự Hà, một con sông chảy từ Tây sang Đông kinh thành Huế, giả làm người đi câu để tránh tai mắt địch.
  11. Năm câu sau nguyên là thơ của nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị.
  12. Có bản chép: Bụt ngồi bụt khóc.
  13. Có bản chép: Tay xòe chân rụt.
  14. Vong
    Chết, mất (từ Hán Việt).
  15. Đờn
    Đàn (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  16. Nhơn
    Nhân (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  17. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  18. Chun
    Chui (phương ngữ).
  19. Chưn
    Chân (cách phát âm của Trung và Nam Bộ).
  20. Mùa nước nổi
    Tên gọi dân gian của mùa lũ từ tháng 7 âm lịch ở vùng đồng bằng Tây Nam Bộ. Vào mùa này, nước ở các sông ngòi kênh rạch dâng lên tràn bờ, nhiều khi ngập nhà cửa. Nước nổi gây ra nhiều khó khăn vất vả cho người dân, nhưng đồng thời cũng đem lại nhiều sản vật tự nhiên và bồi đắp phù sa cho vùng đất này.

    Đánh bắt cá mùa nước nổi

    Đánh bắt cá mùa nước nổi

  21. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  22. Kì đà
    Còn gọi là cái đà, một loài bò sát giống thằn lằn, toàn thân phủ vảy, có cổ dài, đuôi và chân khỏe. Những năm gần đây, kì đà bắt đầu được nuôi để lấy thịt.

    Kì đà

    Kì đà

  23. Sơn lâm
    Núi rừng (từ Hán Việt). Cũng nói san lâm hoặc lâm san.
  24. Đồng hồ
    Nghĩa gốc là cái bình bằng đồng. Người xưa đo thời gian bằng cách chứa nước trong cái bình bằng đồng, dưới có lỗ cho nước đều đặn nhỏ xuống. Vì vậy trong thơ văn cổ hay dùng cụm từ "giọt đồng hồ" hoặc "giọt đồng" để chỉ thời gian.

    Đồng hồ ngày xưa

    Đồng hồ ngày xưa

  25. Tố nữ
    Người con gái đẹp. Tố nghĩa hẹp là màu trắng nõn, nghĩa rộng chỉ phẩm hạnh cao đẹp. Theo Thiều Chửu: Nói rộng ra phàm cái gì nhan sắc mộc mạc cũng gọi là tố cả.
  26. Nghè
    Tên gọi dân gian của học vị Tiến sĩ dưới chế độ phong kiến.
  27. Tía
    Màu tím đỏ.
  28. Tàn
    Cũng gọi là tán, đồ dùng có cán dài cắm vào một khung tròn bọc nhiễu hoặc vóc, xung quanh rủ dài xuống, để che cho vua quan thời xưa, hoặc dùng trong các đám rước.

    Cái tàn vàng.

    Cái tàn vàng.

  29. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  30. Luống chịu
    Đeo đẳng mãi hoàn cảnh không may mà đành phải chấp nhận (phương ngữ Nam Bộ).