Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  2. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  3. Cựu
    Cũ, xưa (từ Hán Việt).
  4. Đìa
    Ao được đào sâu có bờ chắn giữ nước để nuôi cá.

    Bắt cá trong đìa

    Bắt cá trong đìa

  5. Dìa
    Về (cách phát âm của một số vùng Trung và Nam Bộ).
  6. Gió nồm
    Loại gió mát và ẩm ướt thổi từ phía đông nam tới, thường vào mùa hạ.
  7. Gia Long
    (1762 - 1820) Tên thật là Nguyễn Phúc Ánh, gọi tắt là Nguyễn Ánh, vị vua sáng lập triều đại nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử nước ta. Ông có công chấm dứt cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh kéo dài hơn 200 năm, thống nhất đất nước.

    Vua Gia Long

    Vua Gia Long

  8. Cẩm lai
    Một loại cây cao, tán rộng, cho gỗ rất cứng. Gỗ cẩm lai là một loại gỗ quý, được khai thác để làm nhà cửa, bàn ghế, đồ thủ công mĩ nghệ...

    Bộ bàn ghế bằng gỗ cẩm lai

    Bộ bàn ghế bằng gỗ cẩm lai

  9. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  10. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  11. Phong ba
    Gió (phong) và sóng (ba). Chỉ khó khăn thử thách.
  12. Gió khan
    Gió khô, không có hơi nước để kéo theo mưa.
  13. Hổ ngươi
    Xấu hổ, tự lấy làm thẹn.
  14. Duyên số
    Số phận về tình duyên như được định sẵn từ trước theo quan điểm của Phật giáo.
  15. Thao
    Loại vải có sợ thô và to, mặt vải còn chưa sạch gút (mối vải).
  16. Đào nguyên
    Nguồn đào, chỉ cõi tiên trong tác phẩm Đào hoa nguyên kí của Đào Tiềm, nhà thơ lớn đời Đông Tấn, Trung Quốc. Tóm tắt tác phẩm như sau: Vào khoảng triều Thái Nguyên đời Tấn, có một người đánh cá ở Vũ Lăng một hôm bơi thuyền thấy một đóa hoa đào trôi từ khe núi. Ông bèn chèo thuyền dọc theo khe núi, đi mãi rồi đến một thôn xóm dân cư đông đúc, đời sống thanh bình. Người đánh cá hỏi chuyện mới biết tổ tiên của họ vốn người nước Tần, nhưng do không chịu được chế độ hà khắc của Tần Thủy Hoàng nên bỏ lên sống ở đó, cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Ở lại mấy ngày, rồi người ngư phủ tạm biệt ra về. Sau một thời gian, ông quay lại tìm chốn đào nguyên nhưng không thấy nữa.

    Đào nguyên cũng gọi là động đào.

    Tranh vẽ Đào nguyên

    Tranh vẽ Đào nguyên

  17. Thiên Thai
    Tên một ngọn núi trong truyện Lưu Thần - Nguyễn Triệu đời nhà Hán (Trung Quốc). Nhân tiết Đoan Dương (5-5 âm lịch), hai người vào núi Thiên Thai hái thuốc, bị lạc, gặp tiên nữ, kết làm vợ chồng. Sống hạnh phúc được nửa năm thì hai chàng nhớ quê muốn về thăm. Khi về đến quê hương thì Lưu - Nguyễn thấy quang cảnh khác hẳn xưa, thì ra họ đã xa nhà đến bảy đời. Buồn bã, hai người trở lại Thiên Thai thì không thấy tiên đâu nữa.

    Thiên Thai được dùng để chỉ cảnh tiên. Việt Nam ta cũng có một câu chuyện tương tự là Từ Thức gặp tiên.

    Nghe bản nhạc Thiên Thai của nhạc sĩ Văn Cao.

  18. Thúy Kiều
    Nhân vật chính trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thúy Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn, vì bán mình chuộc cha mà phải trải qua mười lăm năm lưu lạc, gặp nhiều đắng cay khổ sở, "thanh lâu hai lượt thanh y hai lần," cuối cùng mới được đoàn viên cùng người tình là Kim Trọng.
  19. Kim Trọng
    Một nhân vật trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Kim Trọng là một thư sinh hào hoa phong nhã, bạn học của Vương Quan (em ruột Thúy Kiều). Kiều và Kim Trọng gặp và đem lòng yêu nhau. Khi phải bán mình chuộc cha, Kiều nhờ em là Thúy Vân thay mình gá nghĩa cùng Kim Trọng. Sau mười lăm năm lưu lạc, hai người lại đoàn viên.
  20. Troàn
    Truyền.
  21. Ngươn soái
    Nguyên soái (phương ngữ Nam Bộ).
  22. Tổng nhung
    Vị quan võ thống lĩnh toàn bộ việc quân của một địa phương.
  23. Sanh sản
    Sinh sản.
  24. Thổ Phồn
    Cũng gọi là Thổ Phiên, Thổ Phiền hoặc Phiên, tên mà người Trung Quốc từ thời nhà Đường dùng để gọi một vương quốc thống trị vùng Tây Tạng từ khoảng thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 9.
  25. Di địch
    Mọi rợ, chưa khai hóa. Người Trung Hoa thời cổ cho rằng nước mình ở giữa thế giới, gọi các dân tộc xung quanh họ, chưa tiếp thu văn hóa Trung Hoa, là Man (ở phía nam), Di (ở phía đông), Nhung (ở phía tây), Địch (ở phía bắc).
  26. Ác côn
    Đứa vô lại, hung dữ.
  27. Núi Vồng
    Tên một ngọn núi cao nằm ở phía Bắc xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam hiện nay.
  28. Quyển Sơn
    Một làng nay thuộc xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Làng tựa lưng vào một dãy núi lớn, có nhiều phong cảnh đẹp. Hằng năm vào tháng giêng, tháng hai, làng tổ chức lễ hội hát giặm (dậm) và bơi chải.

    Tương truyền khi Lý Thường Kiệt đem quân đi chinh phạt giặc phương Nam vào năm 1069, đoàn chiến thuyền đi theo sông Đáy, qua trại Canh Dịch thì gặp một trận gió lớn, phải nép vào chân núi để tránh gió. Trận cuồng phong này đã bẻ gãy cột buồm và cuốn luôn lá cờ đại lên đỉnh núi. Thấy điều lạ, Lý Thường Kiệt cho quân sĩ dừng lại dưới chân núi rồi cùng tướng lĩnh lên bờ sửa lễ tế trời đất cầu mong chiến thắng. Ông đặt đàn tế trong rừng trúc, gần ngôi đền thờ hai mẹ con bà hàng nước. Nửa đêm, hai mẹ con bà hiện lên báo mộng, xin cùng đi theo phù ông đánh giặc. Từ đó ông đặt tên núi là núi Quyển Sơn (núi Cuốn) và trại Canh Dịch cũng được đổi thành làng Quyển Sơn.

  29. Chợ Dầu
    Tên một cái chợ thuộc xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, trước đây còn được gọi là chợ Trầu. Tượng Lĩnh được coi là nơi phát tích chuyện cổ tích Trầu Cau.
  30. Bồ Nâu
    Đọc trại là Bù Nâu, một cánh đồng rộng hàng trăm mẫu, ngày nay thuộc làng Bạch Nao, xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Lúa cấy trên cánh đồng Bồ Nâu cho thứ gạo tuyệt ngon, ngày xưa chuyên dùng để tiến vua.
  31. Có bản chép: Cứng cổ.
  32. Đanh Xá
    Tên một làng nay thuộc xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, gần sông Đáy. Làng Đanh Xá trước làm gốm, và nổi tiếng có chùa Bà Đanh.

    Chùa Bà Đanh

    Chùa Bà Đanh

  33. Cơ cầu
    Chắt chiu, tiết kiệm một cách khắt khe, hà khắc.
  34. Bến Tre
    Một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, cũng được gọi là đất Trúc (thị xã Bến Tre trước đây còn có tên là Trúc Giang). Đây là vùng đất gắn liền với cuộc đời của nhiều danh nhân: Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trường Toản, Trương Vĩnh Ký... Bến Tre cũng rất nổi tiếng vì trồng rất nhiều dừa, nên còn được gọi là Xứ Dừa.

    Dừa Bến Tre

    Dừa Bến Tre

  35. Mỏ Cày
    Tên một huyện cũ của tỉnh Bến Tre. Hiện nay huyện Mỏ Cày cùng một phần của huyện Chợ Lách được chia tách thành huyện Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam. Vùng này có một đặc sản nổi tiếng là cây thuốc lá, đặc biệt là thuốc trồng ở những con giồng thuộc các xã Đa Phước Hội, An Thạnh, vùng quanh thị trấn và vùng phía Tây Bắc Mỏ Cày.
  36. Thạnh Phú
    Một huyện của tỉnh Bến Tre, có Cồn Lợi nổi tiếng là một "mỏ nghêu." Huyện Thạnh Phú nằm ở cuối cù lao Minh, phía đông giáp biển Đông, phía tây giáp huyện Mỏ Cày, phía nam giáp tỉnh Trà Vinh ngăn cách bởi con sông Cổ Chiên, phía bắc giáp huyện Ba Tri, có ranh giới chung là sông Hàm Luông.
  37. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  38. Kẻ Dặm
    Tên chữ là Văn Tập, một làng nay thuộc xã Minh Châu, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, nằm dưới chân lèn Hai Vai. Người dân nơi đây sống bằng nghề đục đá, nấu vôi.
  39. Đồng Lèn
    Tên cánh đồng dưới chân lèn Hai Vai, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
  40. Rậm
    Đông, nhiều, dày.