Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Ô Loan
    Một đầm nước lợ thuộc tỉnh Phú Yên, dưới chân đèo Quán Cau, lấy nước từ sông Cái và một số sông nhỏ khác. Bao bọc quanh đầm là núi Đồng Cháy, núi Cẩm và cồn An Hải. Đây là một thắng cảnh cấp quốc gia của Việt Nam, một danh lam tiêu biểu của tỉnh.

    Đầm Ô Loan

    Đầm Ô Loan

  2. Cần Vương
    Nghĩa là "Dốc sức vì vua," tên gọi một phong trào khởi nghĩa vũ trang của giới văn thân, sĩ phu Việt Nam cuối thế kỉ 19, nêu danh nghĩa giúp nhà vua đánh đuổi quân Pháp xâm lược, đặc biệt là giai đoạn sau khi Tôn Thất Thuyết nhân danh vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương (năm 1885). Năm 1888, Hàm Nghi bị bắt và đày sang Alger, phong trào suy yếu dần. Từ cuối năm 1895 đầu 1896, khi cuộc khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng thất bại, phong trào Cần Vương coi như chấm dứt.
  3. Lê Thành Phương
    Một chí sĩ yêu nước, thủ lĩnh phong trào Cần Vương cuối thế kỉ 19 tại Phú Yên - Bình Định. Ông sinh năm 1825 tại làng Mỹ Phú, tổng Xuân Vinh, huyện Đồng Xuân (nay là thôn Mỹ Phú, xã An Hiệp, huyện Tuy An), trong một gia đình trung lưu. Năm 1855, ông đỗ tú tài tại trường thi Bình Định nên thường được gọi là Tú Phương. Sau khi đậu tú tài, ông trở về quê dạy học. Năm 1885, ông cắt máu ăn thề cùng hơn ngàn binh sĩ, tổ chức ra đạo quân khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của người Pháp. Cuộc khởi nghĩa kéo dài đến ngày 8 tháng 2 năm 1887 thì Lê Thành Phương lọt vào tay quân Pháp. Ngày 20 tháng 2 năm 1887, quân Pháp xử chém ông tại bến đò Cây Dừa.
  4. Béng
    Bánh (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  5. Béng cá giá ruốc
    Những thứ thức ăn dân dã mà người nhà quê thích và thường mua khi đi chợ.
  6. Tiền
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta, bằng 60 đồng tiền kẽm.
  7. Hòn Yến
    Tên một đảo đá cao nằm ngoài khơi xã An Hòa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngày xưa nơi đây có rất nhiều chim yến đến làm tổ, nên có tên gọi như vậy. Hiện nay Hòn Yến được xem là một thắng cảnh độc đáo của Phú Yên.

    Hòn Yến

    Hòn Yến

  8. Tân lang
    Chú rể (từ Hán Việt).
  9. Mắc tuổi
    Không hợp tuổi. Theo tín ngưỡng dân gian, trai gái cưới nhau phải hợp tuổi thì mới sống hạnh phúc, còn ngược lại (khắc tuổi, mắc tuổi) thì vợ chồng sau này dễ có bất hòa, thậm chí gặp nhiều xui rủi.
  10. Tháng mười một.
  11. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  12. Duyên nợ
    Theo giáo lí nhân quả của nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên (nhân duyên), và nên nghĩa vợ chồng để trả nợ từ kiếp trước.
  13. Song đường
    Thung đườnghuyên đường, chỉ cha và mẹ (từ Hán Việt).
  14. Mai dong
    Người làm mai, được xem là dẫn (dong) mối để trai gái đến với nhau trong việc hôn nhân (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  15. Tường
    Rõ ràng, hiểu rõ, nói đủ mọi sự không thiếu tí gì. Như tường thuật 詳述  kể rõ sự việc, tường tận 詳盡  rõ hết sự việc (Thiều Chửu).
  16. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  17. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  18. Châu Trần
    Việc hôn nhân. Thời xưa ở huyện Phong thuộc Từ Châu bên Trung Quốc có thôn Châu Trần, trong thôn chỉ có hai dòng họ là họ Châu và họ Trần, đời đời kết hôn với nhau.

    Thật là tài tử giai nhân,
    Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.

    (Truyện Kiều)

  19. Bần cư náo thị vô nhân vấn, phú tại thâm sơn hữu viễn thân
    Tạm dịch: Nghèo giữa chợ đông ai thèm hỏi, giàu tại rừng sâu lắm kẻ thăm. Tùy theo dị bản mà trong câu này chữ "vấn" có thể thành chữ "đáo," "thâm sơn" thành "lâm sơn," "hữu viễn thân" thành "hữu khách tầm" vân vân.
  20. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  21. Tông chi
    Các chi trong một họ nói chung.
  22. Bầu
    Loại cây dây leo cho quả, thường được nhân dân ta trồng cho bò trên giàn. Quả bầu, hoa bầu và đọt bầu non thường được dùng làm thức ăn, ruột và vỏ bầu khô có thể dùng làm các vật dụng gia đình hoặc làm mĩ nghệ. Có nhiều loại bầu: bầu dài, bầu tròn, bầu hồ lô (bầu nậm)...

    Giàn bầu nậm

    Giàn bầu nậm

  23. Sò huyết
    Một loại sò, có tên như vậy vì có huyết đỏ. Sò huyết là một loại hải sản rất tốt cho sức khỏe, và được chế biến thành nhiều món ăn ngon như sò huyết nướng, cháo sò huyết... Ngày xưa sò huyết còn dùng để tiến vua.

    Sò huyết

    Sò huyết

  24. Bãi Ngao
    Tên một phần thuộc xã An Hiệp, huyện Tuy An của đầm Ô Loan, tỉnh Phú Yên. Có tên như vậy vì ở đây rất nhiều nghêu sò, đặc biệt là sò huyết, một đặc sản của đầm Ô Loan.

    Đầm Ô Loan

    Đầm Ô Loan

  25. Đá Trắng
    Một ngọn núi nay thuộc xã An Dân, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Tại đây có chùa Đá Trắng (Bạch Thạc Tự, hoặc chùa Từ Quang) được xây dựng từ năm 1797, xung quanh là một vườn trồng giống xoài quý cũng có tên là xoài Đá Trắng. Tương truyền, xoài Đá Trắng trái nhỏ, vỏ mỏng, cùi ngọt lịm, để được lâu, hương không phai, mùa quả chín, mùi thơm đặc trưng bay xa vài trăm mét. Đặc biệt, các giống xoài khác khi ra hoa màu vàng, xoài Đá Trắng xưa thì hoa màu trắng và duy chỉ những cây trồng trong khuôn viên chùa thì quả mới có những đặc điểm quý hiếm kia. Thời Nguyễn đây là vật phẩm tiến vua. Mỗi năm vào tết Đoan Ngọ tỉnh Phú Yên phải dâng vua từ 1000 đến 2000 quả xoài.

    Chùa Đá Trắng

    Chùa Đá Trắng

  26. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  27. Hừ la
    Một điệu quan họ cổ, rất khó hát và khó thuộc, bắt đầu bằng mấy tiếng “hừ là hừ la…” Đọc thêm: Bao giờ câu quan họ Hừ la lại vang lên?
  28. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  29. Chum
    Đồ đựng bằng sành, bụng tròn, thường dùng để chứa mắm, nước hoặc gạo.

    Chum

    Chum

  30. Đa ngôn đa quá
    Nói nhiều sai nhiều (thành ngữ Hán Việt).