Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nồng
    Nóng bức.
  2. Cá bẹ
    Còn gọi cá cháy, một loại cá thường gặp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, tại các vùng nước biển ven bờ hoặc nước sông đục có dòng chảy mạnh. Cá bẹ có thân hình thon dẹt, đỉnh đầu trơn không có vân, toàn thân phủ vảy to, lưng có màu xanh lá cây. Thịt cá bẹ ngon nhưng có nhiều xương nhỏ và dài.

    Cá bẹ (cá cháy)

    Cá bẹ

    Ở vùng biển Bắc Bộ cũng có một loài cá bẹ, còn gọi là cá đé, thịt ngon thuộc hàng "tứ quý" (chim, thu, nhụ, đé).

  3. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  4. Cá đối
    Một loại cá có thân tròn dài, dẹt, vảy tròn, màu bạc. Cá đối được chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như cá đối nướng, cá đối chiên, cá đối kho dưa cải, cháo cá...

    Cá đối kho thơm

    Cá đối kho thơm

  5. Mộ
    Mến phục.
  6. Dưa khú
    Dưa muối lâu bị thâm lại và có mùi, ăn dở hoặc không ăn được.
  7. Vun
    Manh đệm đươn (đan) bằng cỏ bàng, có chiều dài khoảng 2m, rộng gần 1m. Để cho bìa vun đệm khỏi sút sổ, người ta phải “bẻ bìa”, tức là thắt đầu các cọng bàng lại với nhau theo dây chuyền (gần giống như kiểu thắt tóc bím). Xem thêm Nghề đươn đệm ở Đồng Tháp Mười.
  8. Cỏ bàng
    Còn gọi là cói bàng hay gọi tắt là bàng, một loài cỏ cao, thân rỗng, thường mọc thành đồng những vùng đất nhiễm phèn miền Tây Nam Bộ. Củ bàng có thể ăn thay cơm, thân bàng dùng để đan nhiều đồ dùng hữu ích như đệm lót, giỏ xách, bao (cà ròn), nón, võng, nóp (một loại nệm nằm), thậm chí cả buồm cho tàu ghe hay áo mặc. Nghề đan bàng do đó là nghề kiếm sống của nhiều người dân Nam Bộ trước đây, hiện đang được phục hồi sau một thời gian mai một, chủ yếu tập trung vào chế tác hàng mỹ nghệ.

    Đêm đêm trong ánh trăng mờ
    Gần xa rộn tiếng nhặt thưa giã bàng

    (Trường ca Đồng Tháp Mười - Nguyễn Bính)

    Đồng cỏ bàng ở Mộc Hoá, Long An

    Đồng cỏ bàng ở Mộc Hoá, Long An

    Đan (đươn) bàng

    Đan (đươn) bàng

  9. Bạn biển
    Những người làm mướn về nghề đi biển, nghề cá. Làm nghề này cũng gọi là đi bạn hoặc đi ghe bạn.
  10. Tày
    Bằng (từ cổ).
  11. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Bảy Thưa.
  12. Cu gáy
    Một loài chim bồ câu, lông xám, bụng và đầu có phớt hồng, lưng và quanh cổ có chấm đen như hạt cườm.

    Chim cu gáy

  13. Tài
    Tiền bạc, của cái (từ Hán Việt).
  14. Định chừng
    Liệu chừng.
  15. Vên vên
    Một loại cây gỗ họ Dầu, có thể cao 30-40m. Gỗ vên vên có màu trắng hơi vàng, mịn mặt, dùng làm nhà, đóng đồ đạc hoặc có thể bóc thành lá mỏng để làm gỗ dán.
  16. Dành dành
    Còn tên gọi khác là chi tử, huỳnh can, là một loại cây mọc hoang ở rừng, được các nhà nghiên cứu thảo dược phát hiện đưa về trồng trong vườn thuốc. Cây dành dành là một vị thuốc quý chuyên trị các bệnh về gan, mật, đặc biệt là các chứng đau mắt.

    Lá và hoa dành dành

    Lá và hoa dành dành

  17. Mù u
    Một loại cây gỗ lớn khá quen thuộc ở Trung và Nam Bộ. Cây mù u cùng họ với cây măng cụt, lớn chậm, gỗ cứng, thường mọc dọc bờ sông rạch, quả tròn, vỏ mỏng, hạt rất cứng có thể dùng để ép lấy dầu. Dầu mù u có nhiều dược tính và được dùng làm nhiều loại thuốc, ví dụ như thuốc trị bòng và chăm sóc da. Xưa kia, người dân Nam Bộ thường dùng dầu mù u như một nhiên liệu tự nhiên sẵn có và rẻ tiền để thắp đèn. Cây mù u còn cho gỗ tốt, thường được dùng để đóng ghe thuyền.

    Trái mù u

    Trái mù u

    Hoa mù u

    Hoa mù u

     

  18. Đồng thau
    Hợp kim của đồng và kẽm. Đồng thau có màu khá giống màu của vàng, nên khi xưa thường được dùng để đúc đồ trang trí hay làm tiền xu. Tuy nhiên, khi hơ lửa đồng thau sẽ bị xỉn màu (do bị oxy hóa) còn vàng thì không.

    Vòng tay làm bằng đồng thau

    Vòng tay làm bằng đồng thau

  19. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  20. Đà Nẵng
    Tên thành phố thuộc Nam Trung Bộ, trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ Daknan, nghĩa là "vùng nước rộng lớn" hay "sông lớn", "cửa sông cái" vì thành phố nằm bên bờ sông Hàn. Dưới thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng có tên là Cửa Hàn, là thương cảng lớn nhất miền Trung. Cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu chính tại thành phố này.

    Hiện nay Đà Nẵng là một thành phố hiện đại, trong lành, có tiềm năng du lịch rất lớn, và được xem là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

  21. Bên tê
    Bên kia (tiếng địa phương Quảng Nam-Đà Nẵng).
  22. Hà Thân
    Tên một xã ở bên kia sông Hàn, nay thuộc quận Sơn Trà, Đà Nẵng.
  23. Sông Câu Nhí
    Còn gọi là sông Câu Nhi, một nhánh sông bên tả ngạn sông Thu Bồn, bắt đầu từ làng Câu Nhi chảy ra sông Vĩnh Điện rồi hợp lưu với sông Cẩm Lệ, đổ nước ra Cửa Hàn. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) sông được đào rộng và uốn thẳng từ làng Câu Nhi đến làng Cẩm Sa. Thời Pháp thuộc sông này được khai thông và mở rộng để chở than đá từ mỏ Nông Sơn ra cảng Đà Nẵng.
  24. Bồng Miêu
    Tên một địa danh trước là thôn Bồng Miêu thuộc xã Tam Lãnh, nay là thị trấn Bồng Miêu, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Đây là khu vực có nhiều mỏ vàng, dân gian hay gọi là mỏ Bồng Miêu hay mỏ Bông Miêu. Mỏ vàng này bao gồm các khu Hố Gần, Hố Ráy, Thác Trắng, Núi Kẽm. Mỏ đã từng được người Chăm phát hiện và khai thác từ hơn nghìn năm trước, rồi lần lượt người Trung Quốc, Việt và Pháp cũng đã đến đây khai thác khá thành công. Hiện nay mỏ vàng Bồng Miêu đang được Công ty Khai thác Vàng Bồng Miêu thuộc Tập đoàn Olympus Pacific Mineral Inc. Canada quản lý và khai thác.

    Khu vực nhà máy chế biến và mỏ vàng Bồng Miêu

    Khu vực nhà máy chế biến và mỏ vàng Bồng Miêu

  25. Bói cá
    Tên chung của một số loài chim săn mồi có bộ lông rất sặc sỡ. Thức ăn chính của bói cá là cá, nhưng chúng có thể ăn cả các động vật nhỏ như ếch nhái, tôm, côn trùng, thằn lằn... Bói cá còn có các tên gọi khác như chim thầy bói, trả, tra trả, sả, thằng chài...

    Chim bói cá

    Chim bói cá

  26. Cây sưng
    Một loài cây có gai (nên cũng gọi là cây gai sưng), lá có thể dùng nấu canh hoặc làm món xào.

    Gai sưng

    Gai sưng

  27. Tía tô
    Một loại cây thảo, lá có màu tía, mùi hơi hăng, dùng làm gia vị, pha trà, hoặc làm vị thuốc dân gian.

    Cây và lá tía tô

    Cây và lá tía tô

  28. Cơm phiếu mẫu
    Một điển tích trong văn học Trung Quốc. Sở Vương Hàn Tín thuở hàn vi hay ngồi câu cá dưới thành, một bà làm nghề phiếu hàng lụa (giặt lụa đem phơi cho trắng) thương tình chia cho phần cơm. Được mươi bữa như thế, Tín cảm động hứa sau này sẽ cảm tạ, bà mới giận mắng: "Đại trượng phu không kiếm đủ miếng ăn, tôi thương tình mới cấp dưỡng chứ nào mong đền đáp?" Về sau Hàn Tín công thành danh toại, không quên ơn cũ, mời phiếu mẫu đến tặng nghìn vàng. Từ đó, cụm từ cơm phiếu mẫu được dùng để chỉ lòng giúp đỡ người khác khi hoạn nạn (có nguồn giảng là sự đền đáp ơn sâu nặng).

    Nghìn vàng gọi chút lễ thường
    Mà lòng phiếu mẫu, mấy vàng cho cân!

    (Truyện Kiều)

  29. Thợ thổ
    Thợ đào đất.
  30. Truông
    Vùng đất hoang, có nhiều cây thấp, lùm bụi, hoặc đường qua rừng núi, chỗ hiểm trở (theo Đại Nam quấc âm tự vị).