Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Chân ướt chân ráo
    Vừa mới đến. Nghĩa đen chỉ người vừa đi thuyền (ngày xưa đi xa chỉ có cách đi thuyền) ở xa mới tới, lên bộ một chân còn ướt, một chân còn ráo.
  2. Đỗ quyên
    Có giả thuyết cho là chim cuốc. Theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì chim quyên là chim tu hú. Hình ảnh chim quyên trong ca dao dân ca thường tượng trưng cho những điều tốt đẹp.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  3. Riềng
    Một loại cây thuộc họ gừng, mọc hoang hoặc được trồng để lấy củ. Trong y học cổ truyền, củ riềng có vị cay thơm, tính ấm, chữa được đau bụng. Riềng cũng là một gia vị không thể thiếu trong món thịt chó, rất phổ biến ở các vùng quê Bắc Bộ.

    Củ riềng

    Củ riềng

    Hoa riềng nếp

    Hoa riềng nếp

  4. Châu thành
    Phố phường, thành thị, nơi dân cư đông đúc. Các tỉnh Nam Bộ ngày xưa đều có quận, huyện châu thành.
  5. Cần Thơ
    Một thành phố nằm bên bờ sông Hậu, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1739, vùng đất Cần Thơ được khai phá và chính thức có mặt trên dư đồ Việt Nam với tên gọi là Trấn Giang. Thời Nhà Nguyễn Cần Thơ là đất cũ của tỉnh An Giang. Thời Pháp thuộc, Cần Thơ được tách ra thành lập tỉnh, một thời được mệnh danh là Tây Đô, và là trung tâm của vùng Tây Nam Bộ. Hiện nay Cần Thơ là một trong năm thành phố trực thuộc trung ương của nước ta.

    Cầu Cần Thơ

    Cầu Cần Thơ

  6. Phân tay
    Chia tay (cách nói của người Nam Bộ).
  7. Giã giấy
    Một công đoạn trong quá trình làm giấy dó. Vỏ cây dó được bào thành từng sợi, ngâm với nước vôi rồi đem giã nhuyễn thành bột giấy. Ngày nay công đoạn giã giấy được thay thế bằng máy xay.

    Giã dó ở Yên Thái

    Giã dó ở Yên Thái

  8. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  9. Vằng
    Một dụng cụ dùng để gặt lúa ở miền Trung, tương tự như cái liềm, nhưng đằng sau có thêm cái móc bằng một nhánh tre nạng để móc cây lúa nằm sâu dưới nước. Từ này cũng được phát âm thành giằng ở một số địa phương.
  10. Duyên túc đế
    Duyên do trời định sẵn từ trước. Do câu: Lương duyên do túc đế, giai ngẫu tự thiên thành (Duyên lành do có cội gốc trước, chuyện đôi lứa là do trời định nên).
  11. Cỏ đế
    Loại cỏ thân cao (có thể cao đến 3m), lớn bằng ngón tay út, có đốt. Cỏ đế thường mọc thành bụi rậm hoặc thành trảng ở miền Trung.
  12. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  13. Chàng ràng
    Quanh quẩn, vướng bận, chậm chạp (để kéo dài thời gian hoặc gây chú ý).
  14. Nu
    Nâu (phương ngữ).
  15. Ô cánh dơi
    Ô (dù) hình khum, những múi ô khi mở ra trông giống cánh con dơi căng ra, xưa kia nam giới thường dùng.
  16. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
  17. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  18. Rinh
    Bê (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  19. Đòn
    Vật thấp được đẽo bằng gỗ hoặc bằng tre, dùng để ngồi. Đòn thường thấy ở làng quê ngày trước.
  20. Têm trầu
    Quệt vôi vào lá trầu không, cuộn lại rồi cài chặt lại bằng cuống lá để thành một miếng trầu vừa miệng ăn.

    Têm trầu

    Têm trầu

    Trầu têm cánh phượng

    Trầu têm cánh phượng

  21. Tang chế
    Phép tắc để tang. Theo phong tục, khi một người qua đời thì những người thân phải để tang để tưởng nhớ, tùy theo quan hệ xa gần mà thời hạn để tang khác nhau.
  22. Mãn
    Trọn, đầy đủ, hết (từ Hán Việt).
  23. Lao lư
    Day dứt, xót xa (phương ngữ Trung Bộ).
  24. Chầu rày
    Giờ đây (phương ngữ Trung và Nam Bộ).

    Chầu rày đã có trăng non
    Để anh lên xuống có con em bồng

    (Hát bài chòi)

  25. Lợi
    Lại (phương ngữ Nam Bộ).
  26. Lộc
    Chồi lá non của cây. Vì chữ này đồng âm với "lộc" trong "phước lộc," "tài lộc," nghĩa là những điều tốt lành do trời ban cho, nên ở nước ta có phong tục hái lộc đầu năm để cầu may mắn, hạnh phúc cả năm.
  27. Vả
    Cây cùng họ với sung, lá to, quả (thực ra là hoa) lớn hơn quả sung, ăn được.

    Quả vả

    Quả vả

  28. Sung
    Một loại cây gặp nhiều trên các vùng quê Việt Nam. Thân cây sần sùi, quả mọc thành chùm. Quả sung ăn được, có thể muối để ăn như muối dưa, cà, ngoài ra còn dùng trong một số bài thuốc dân gian.

    Cây và quả sung

    Cây và quả sung

  29. Có bản chép câu cuối này thành: Mày qua lối nọ làm chi?
  30. Ba La
    Một địa danh nay thuộc xã Nghĩa Dõng, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Tại đây có nghề truyền thống là trồng rau xanh.
  31. Thu Xà
    Một địa danh nay thuộc thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Phố Thu Xà trước đây là một trung tâm buôn bán sầm uất, có vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa của tỉnh Quảng Ngãi xưa kia. Đây chính là quê hương của Bích Khê, thi sĩ nổi tiếng thuộc phong trào Thơ Mới.
  32. Vông đồng
    Loài cây tỏa cành rộng, tạo nhiều bóng mát, thân có nhiều gai, cành xốp dễ gãy đổ khi gặp gió lớn. Hoa màu đỏ, hoa đực mọc thành chùm dài, hoa cái mọc đơn độc tại các nách lá. Quả vông đồng thuộc dạng quả nang, khi khô sẽ nứt ra thành nhiều mảnh, tạo ra tiếng nổ lách tách.

    Cây vông đồng

    Cây vông đồng

    Hoa, lá, và quả vông đồng

    Hoa, lá, và quả vông đồng

  33. Đố
    Thanh tre hay gỗ đóng dọc ở vách, cùng với những thanh ngang gọi là mè, tạo thành "khung xương" cho vách đất.
  34. Giàu nứt đố đổ vách
    Ngày xưa người ta thường làm nhà vách đất, trước tiên đan mè và đố làm xương, sau đó lấy đất sét nhồi với rơm trét vào hai mặt. Đến mùa thu hoạch thì khoanh gỗ áp vào tường để đựng thóc gạo, đựng nhiều có thể làm xiêu vẹo vách tường, nên nhà "nứt đố đổ vách" nghĩa là nhà giàu có, nhiều thóc gạo.