Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Sung
    Một loại cây gặp nhiều trên các vùng quê Việt Nam. Thân cây sần sùi, quả mọc thành chùm. Quả sung ăn được, có thể muối để ăn như muối dưa, cà, ngoài ra còn dùng trong một số bài thuốc dân gian.

    Cây và quả sung

    Cây và quả sung

  2. Sen
    Loài cây mọc dưới nước, thân hình trụ, lá tỏa tròn, cuống dài. Hoa to, màu trắng hay đỏ hồng, có nhị vàng.

    Hoa sen trắng

    Hoa sen trắng

  3. Cao nấm ấm mồ
    Nói về tập tục tảo mộ của dân ta. Mộ của dân thường ngày trước chủ yếu đắp bằng đất, tạo hình nấm tròn hay chiếc ghe bầu úp. Mộ lâu ngày thường bị mọc cỏ hoang, trâu bò phá hoại hay lún sụt do mưa gió... Nếu được con cháu trong nhà hàng năm chăm sóc, sửa sang thì nấm mồ tròn, cao, quang đãng, người đã khuất như cũng cảm thấy ấm áp vì lòng thành kính và nhớ thương của con cháu.
  4. Tía tô
    Một loại cây thảo, lá có màu tía, mùi hơi hăng, dùng làm gia vị, pha trà, hoặc làm vị thuốc dân gian.

    Cây và lá tía tô

    Cây và lá tía tô

  5. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  6. Đoản côn
    Loại gậy ngắn mang theo mình để tự vệ hoặc chiến đấu. Đoản côn thường dài bằng cánh tay của người sử dụng, làm bằng gỗ hoặc tầm vông, tre cứng. Dùng một côn gọi là độc (đơn) côn, dùng hai côn gọi là song côn.

    Song côn

    Song côn

  7. Đây thực chất là một đoạn trong bài Vè chàng Lía (hoặc Vè chú Lía). Theo bài vè, bà Mân ở gần vùng Truông Mây, giỏi võ nghệ, một mình cự địch với một đảng cướp khét tiếng.
  8. Trảy
    Loại cây thuộc họ tre trúc, thân thẳng, không có gai.
  9. Đó
    Dụng cụ đan bằng tre hoặc mây, dùng để bắt tôm cá.

    Cái đó

    Cái đó

  10. Ăn như hùm đổ đó
    Về câu thành ngữ này, trong cuốn Các con vật trên rừng dưới biển, nhà văn Đoàn Giỏi giải thích như sau: "Những khi chẳng bắt được mồi, bị cơn đói thúc bách, mà gặp chiếc đó của người đặt bắt tôm, tép ở các bờ suối, bờ sông thì hổ cũng không bao giờ từ chối. Nó lẹ làng dùng hai chân trước bưng lên, ngửa cổ há họng, đổ cả chiếc đó đầy tôm, tép vào miệng và liếm mép cái xong, chuồn ngay."
  11. Trai son gái hóa
    Không xứng đôi vừa lứa: trai thì trẻ trung, chưa vợ (son); gái đã góa (hóa) chồng.
  12. Trai tân
    Con trai chưa vợ.
  13. Bổ
    Ngã (phương ngữ Trung Bộ).
  14. Mộc tượng
    (Nghề) Làm tượng gỗ.
  15. Tài phùng
    (Nghề) Cắt may quần áo.
  16. Quần Phương trung, Quần Phương thượng, và Phương Đê đều là các địa danh thuộc tổng Quần Phương (tên cũ là Quần Anh), nay thuộc huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Quần Phương trung có nghề làm thợ mộc, Quần Phương thượng có nghề cắt may, và Phương Đê có nghề nề, đắp tượng.
  17. Lồng mốt, lồng hai
    Có nơi gọi là "long mốt, long hai," hai kiểu đan nan tre hoặc mây. "Lồng mốt" hay "lồng một" là cách đan lồng từng sợi nan lẻ, dùng để đan các loại rổ rá thưa, lớn. Lồng hai (còn gọi là lồng đôi) là cách đan lồng từng cặp sợi nan, để đan rổ nhỏ, nan khít. Đan lồng mốt đòi hỏi kĩ thuật cao hơn đan lồng hai.

    Đan lồng mốt (trái) và lồng hai

    Đan lồng mốt (trái) và lồng hai

  18. Gá tiếng
    Cất tiếng (phương ngữ). Còn nói gá lời.
  19. Nam tử
    Đàn ông, con trai (từ Hán Việt).
  20. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  21. Châu
    Hạt ngọc trai.
  22. Nguộc
    Ngọc (phương ngữ một số vùng Trung Bộ).
  23. Tổng
    Đơn vị hành chính thời Lê, Nguyễn, trên xã, dưới huyện. Một tổng thường gồm nhiều xã. Người đứng đầu tổng là chánh tổng, cũng gọi là ông Tổng.
  24. Cáy
    Một loại cua nhỏ, sống ở nước lợ, chân có lông, thường dùng làm mắm.

    Con cáy

    Con cáy

  25. Thầy mẹ
    Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).

    Con đi mười mấy năm trời,
    Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
    Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
    Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
    Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
    Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  26. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  27. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  28. Lậu
    Để lộ (phương ngữ Nam Bộ, nguyên là âm Hán Việt của chữ lậu 漏).