Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Hàng săng
    Nghề đóng quan tài.
  2. Bén
    Chạm vào, quen với, gắn bó với.

    Lá thư tình xưa nhớ lúc trao tay
    Còn e ấp thuở duyên vừa mới bén

    (Lá thư ngày trước - Vũ Hoàng Chương)

  3. Tài bàn
    Một trò chơi dân gian có xuất xứ từ Trung Quốc. Cách chơi tài bàn tương tự như chơi tổ tôm, tuy nhiên chỉ chơi ba người, khác với tổ tôm chơi năm người.
  4. Can trường
    Cũng đọc là can tràng, nghĩa đen là gan (can) và ruột (trường), nghĩa bóng chỉ nỗi lòng, tâm tình.

    Chút riêng chọn đá thử vàng,
    Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu?

    (Truyện Kiều)

  5. Thi lễ
    Kinh Thi và kinh Lễ, dùng để chỉ sự nền nếp, gia giáo thời phong kiến.
  6. Mĩ mạo
    Mặt đẹp (từ Hán-Việt).
  7. Đa mang
    Tự vương vấn vào nhiều tình cảm để rồi phải đeo đuổi, vấn vương, dằn vặt không dứt ra được.

    Thôi em chả dám đa mang nữa
    Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng

    (Xuân tha hương - Nguyễn Bính)

  8. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  9. Màng
    Mơ tưởng, ao ước, thèm muốn (từ cổ).
  10. Kỳ ngộ
    Gặp gỡ một cách may mắn kỳ lạ (từ Hán Việt).
  11. Tương phùng
    Gặp nhau (từ Hán Việt).
  12. Tư Mã Tương Như
    Tự là Tràng Khanh, người ở Thành Ðô, đời vua Cảnh Ðế nhà Hán. Ông là một người đa tài, văn hay đàn giỏi, được phong làm quan nhưng sau đó sinh chán nên cáo bệnh từ quan. Khi ông đến nhà Trác Vương Tôn chơi, Trác Vương Tôn yêu cầu ông cho đàn một bài. Biết Trác Vương Tôn có người con gái rất đẹp tên là Văn Quân, còn trẻ mà sớm goá chồng, thích nghe đàn nên Tương Như sinh lòng yêu mến, nhân đó định trêu nàng nên vừa đàn vừa hát khúc Phượng cầu hoàng. Trác Văn Quân đứng nép bên trong nghe tiếng đàn thì lòng cảm thấy bồi hồi, sau bỏ nhà đi theo Tương Như.

    Dập dìu lá gió cành chim,
    Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh

    (Truyện Kiều)

  13. Phượng cầu hoàng
    Nghĩa là "chim phượng trống tìm chim phượng mái," một khúc đàn được Tư Mã Tương Như gảy để tỏ tình với Trác Văn Quân. Ðây là một khúc đàn tình tứ lãng mạn:

    Phượng hề phượng hề quy cố hương
    Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng
    Thời vị ngô hề vô sở tương
    Hữu diện thục nữ tại khuê phường
    Thất nhĩ ngân hà, sầu ngã trường
    Hà duyên giao cảnh vi uyên ương
    Tương hiệt ương hề cộng cao tường

    Trong Bích Câu Kỳ ngộ có câu:

    Cầu hoàng tay lựa nên vần
    Tương Như lòng ấy Văn Quân lòng nào

  14. Trác Văn Quân
    Con gái của Trác Vương Tôn, người ở đất Lâm Cùng, đời Tây Hán trong lịch sử Trung Quốc. Nàng là người con gái rất đẹp mà sớm goá chồng, thích nghe đàn. Khi nghe Tương Như vừa đàn vừa hát khúc Phượng cầu hoàng nàng đã đem lòng say mê rồi quyết bỏ nhà đi theo Tương Như.

    Như chuyện Tương Như và Trác thị,
    Đưa nhau về ở đất Lâm Cùng
    Vườn xuân trắng xóa hoa cam rụng
    Tôi với em Nhi kết vợ chồng

    (Hoa với rượu - Nguyễn Bính)

  15. Luống
    Từ dùng để biểu thị mức độ nhiều, diễn ra liên tục, không dứt.

    Vì lòng anh luống âm thầm tha thiết
    Gán đời mình trọn kiếp với Dê Sao

    (Nỗi lòng Tô Vũ - Bùi Giáng)

  16. Duyên nợ
    Theo giáo lí nhân quả của nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên (nhân duyên), và nên nghĩa vợ chồng để trả nợ từ kiếp trước.
  17. Ba sinh
    Ba kiếp người: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, theo thuyết luân hồi của Phật giáo. Văn học cổ thường dùng chữ "nghĩa ba sinh" hoặc "nguyện ước ba sinh" để nói về sự gắn kết nam nữ.

    Ví chăng duyên nợ ba sinh,
    Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi?

    (Truyện Kiều)

  18. Đồng thau
    Hợp kim của đồng và kẽm. Đồng thau có màu khá giống màu của vàng, nên khi xưa thường được dùng để đúc đồ trang trí hay làm tiền xu. Tuy nhiên, khi hơ lửa đồng thau sẽ bị xỉn màu (do bị oxy hóa) còn vàng thì không.

    Vòng tay làm bằng đồng thau

    Vòng tay làm bằng đồng thau

  19. Tam tòng
    Những quy định mang tính nghĩa vụ đối với người phụ nữ phương Đông trong xã hội phong kiến ngày trước, xuất phát từ các quan niệm của Nho giáo. Tam tòng bao gồm:

    Tại gia tòng phụ:  khi còn nhỏ ở với gia đình phải theo cha,
    Xuất giá tòng phu: khi lập gia đình rồi phải theo chồng,
    Phu tử tòng tử: khi chồng qua đời phải theo con.

  20. Văn vi
    Lời nói (văn) và việc làm (vi) (từ Hán Việt).
  21. Bấy chầy
    Từ ấy đến nay, bao lâu nay (từ cổ).

    Nỗi nàng tai nạn đã đầy,
    Nỗi chàng Kim Trọng bấy chầy mới thương.
    (Truyện Kiều)

  22. Bảo Đại
    (1913-1997) Hoàng đế thứ mười ba và cuối cùng của triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng ở nước ta, đồng thời cũng là quốc trưởng đầu tiên của Đế quốc Việt Nam (3/1945) và Quốc gia Việt Nam (7/1949). Ông sinh tại Huế, là con vua Khải Định, có tên huý là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy. Ông có một câu nói nổi tiếng khi chính thức thoái vị và trao ấn tín, quốc bảo của hoàng triều cho cách mạng vào ngày 23 tháng 8 năm 1945: Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị. Cuối đời ông sống lưu vong tại Pháp và qua đời trong lặng lẽ vào ngày 31 tháng 7 năm 1997, thọ 85 tuổi.

    Vua Bảo Đại

    Vua Bảo Đại

  23. Cải lương
    Cải cách, thay đổi để tốt hơn. Đây là từ Hán Việt cũ, nay ít dùng.
  24. Hát bội
    Một loại hình văn nghệ dân gian cổ truyền phổ biến trước đây. Đây là một loại hình mang nặng tính ước lệ. Các diễn viên hát bộ phân biệt từ mặt mũi, râu tóc, áo quần để rõ kẻ trung nịnh, người sang hèn, ai thô lậu, thanh tú, ai minh chánh, gian tà. Sắc đỏ được dùng dặm mặt để biểu hiện vai trung thần; màu xám là nịnh thần; màu đen là kẻ chân thật; màu lục là hồn ma... Dàn nhạc dùng trong hát bội gồm có những nhạc cụ như: trống chiến, đồng la, kèn, đờn cò và có khi ống sáo. Nội dung các vở hát bội thường là các điển tích Trung Hoa.

    Về tên gọi, "bộ" đây có nghĩa là diễn xuất của nghệ sĩ đều phải phân đúng từng bộ diễn, nên gọi là "hát bộ", "diễn bộ", "ra bộ.. Gọi là “hát bội” là vì trong nghệ thuật hóa trang, đào kép phải đeo, phải giắt (bội) những cờ phướng, lông công, lông trĩ… lên người. Còn "tuồng" là do chữ "Liên Trường" (kéo dài liên tiếp thành một vở tuồng tích có khởi đầu truyện, có hồi kết cuộc, phân biệt với các ca diễn từng bài ngắn, từng trích đoạn), do ngôn ngữ địa phương mà thành "luông tuồng," "luôn tuồng..."

    Một cảnh hát bội

    Một cảnh hát bội

    Xem vở hát bội Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ.

  25. Cãi chắc
    Cãi nhau (phương ngữ một số vùng Bắc Trung Bộ).
  26. Bảo Đại cải lương như phường bội cãi chắc
    Năm 1932, từ Pháp về, hoàng đế Bảo Đại cho ban hành hàng loạt chính sách cải cách, song đa phần mang màu sắc mị dân và không có ý nghĩa thực tiễn. Câu này nhằm đả kích các chính sách cải lương này của Bảo Đại.
  27. Vãng lai
    Đi lại (từ Hán Việt).
  28. Tiết khí
    Gọi tắt là tiết, một khái niệm về thiên văn bắt nguồn từ Trung Quốc. Tiết khí là 24 điểm đặc biệt trên quỹ đạo của Trái Đất xung quanh Mặt Trời, mỗi điểm cách nhau 15°, khoảng cách kề nhau giữa hai tiết khí là 14-16 ngày. Tiết khí có mối liên quan gần gũi với các yếu tố khí hậu, thời tiết ở các nước nông nghiệp. Hiểu theo nghĩa rộng, tiết còn chỉ một khoảng thời gian, thời cuộc.

    Tiết khí

    Tiết khí

  29. Én đưa thoi
    Én bay lượn trên bầu trời như thoi trong khung cửi. Thường dùng để chỉ hoặc miêu tả mùa xuân.

    Ngày xuân con én đưa thoi
    Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi

    (Truyện Kiều)

  30. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  31. Sân hòe
    Từ chữ Hán hòe đình, nghĩa là sân có trồng cây hòe. Đời nhà Tống, Vương Hựu tự tay trồng ba cây hòe trong sân nhà và nói rằng "Con cháu ta sau này sẽ có đứa làm đến Tam công." Về sau, con của Vương Hựu là Vương Đán làm đến Tam công thật. Sân hòe vì vậy chỉ nhà có con cái đỗ đạt, song cũng dùng để chỉ nhà cha mẹ.

    Sân hòe đôi chút thơ ngây,
    Trân cam ai kẻ đỡ thay việc mình

    (Truyện Kiều)

  32. Niên tàn nguyệt tận
    Hết năm hết tháng (chữ Hán). Cũng nói là niên cùng nguyệt tận.
  33. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  34. Cải trời
    Một loại cỏ dại mọc nhiều ven đường và ở các vùng đất hoang hoặc trồng hoa màu. Cải trời có thể dùng làm thức ăn (ăn sống, luộc, xào, nấu canh…) hoặc làm thuốc giúp nhuận tràng, trị bướu cổ.

    Cải trời

    Cải trời

  35. Hà Đông
    Tên một tỉnh cũ ở miền Bắc nước ta. Tỉnh nguyên có tên là tỉnh Hà Nội, sau khi triều đình Huế cắt phần tỉnh Hà Nội nhượng cho Pháp thì tỉnh lị chuyển về Cầu Đơ và tỉnh cũng đổi tên thành Cầu Đơ. Đến năm 1904, tỉnh Cầu Đơ đổi thành tỉnh Hà Đông. Qua một số lần sáp nhập và chia tách, tỉnh Hà Đông cũ hiện nay thuộc địa phận Hà Tây.

    Tỉnh Hà Đông đã đi vào thi ca và âm nhạc với bài thơ Áo lụa Hà Đông của thi sĩ Nguyên Sa, được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc (xem trên YouTube).

  36. Quán Mọc
    Một địa danh nay thuộc huyện Đống Đa, Hà Nội.
  37. Ngồi ở cầu Đơ, nói chuyện quán Mọc
    Nói những chuyện phù phiếm vô nghĩa, hoặc chuyện không thuộc phạm vi hiểu biết của mình.

    [N]gười nước Nam mà bàn việc Nguyên, Minh, chuyện Đường, Tống, ngồi xó nhà mà tả những cảnh Hoàng Hà, Thái Sơn thực là ngồi cầu Đơ mà nói quán Mọc. (Việt Nam phong tục - Phan Kế Bính).

  38. Há dễ
    Không dễ dàng gì (từ cổ).

    Làm ơn há dễ mong người trả ơn (Lục Vân Tiên)

  39. Quận công
    Một tước hiệu thời phong kiến trong lịch sử nước ta, phổ biến nhất vào thời vua Lê - chúa Trịnh. Khi ấy quận công được xếp chỉ sau vua, chúa và vương.
  40. Của mòn, con lớn
    Nuôi con phải tốn công tốn của.
  41. Bòng
    Một loại quả rất giống bưởi. Ở một số tỉnh miền Trung, người ta không phân biệt bưởi và bòng. Trong ca dao hay có sự chơi chữ giữa chữ "bòng" trong "đèo bòng" và quả bòng.
  42. Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu, thoại bất đầu cơ bán cú đa
    Uống rượu mà gặp bạn hiểu mình thì ngàn chén cũng là còn ít, nói chuyện mà không hợp nhau thì nửa câu cũng là còn nhiều. Đây là hai câu thơ trong bài Xuân nhật Tây Hồ ký Tạ Pháp tào vận (Ngày xuân ở Tây Hồ gửi vần thơ đến quan Pháp tào họ Tạ) của Âu Dương Tu, một nhà thơ sống vào đời nhà Tống, Trung Quốc.
  43. Hồ Việt
    "Hồ" chỉ các dân tộc sống về phía bắc, "Việt" chỉ các dân tộc sống về phía nam Trung Quốc ngày trước. Hồ Việt chỉ sự xa xôi cách trở.

    Chữ rằng: Hồ Việt nhứt gia
    Con đi tới đó trao qua thơ này

    (Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)