Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cội
    Gốc cây.
  2. Tùng
    Cây thuộc họ thông, thân và tán có dáng đẹp. Tùng có rất nhiều loại, có loại cao lớn, cũng có loại làm cảnh nhỏ. Theo quan điểm Nho giáo, cây tùng thường được ví với lòng kiên trinh, người quân tử.

    Loại tùng bách mọc trên núi

    Loại tùng bách mọc trên núi

  3. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  4. Ngày xưa phụ nữ thường gội đầu với chanh cho đẹp và sạch tóc.
  5. Bể
    Biển (từ cũ).
  6. Nha Trang
    Một địa danh thuộc tỉnh Khánh Hòa, hiện là một thành phố biển nổi tiếng không chỉ ở nước ta mà trên cả thế giới về du lịch biển, đồng thời là một trong những trung tâm kinh tế của cả nước.

    Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên "Nha Trang" được hình thành do cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là Ya Trang hay Ea Trang (có nghĩa là "sông Lau," tiếng người Chăm gọi sông Cái chảy qua Nha Trang ngày nay, vì chỗ con sông này đổ ra biển mọc rất nhiều cây lau). Từ tên sông, sau chỉ rộng ra vùng đất từ năm 1653.

    Vẻ đẹp Nha Trang

    Vẻ đẹp Nha Trang

  7. Bâu
    Cổ áo.
  8. Nác
    Nước (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  9. Thê tróc, tử phọc
    Vợ trói, con buộc (thành ngữ Hán Việt). Chỉ sự trói buộc của người đàn ông khi đã có gia đình. Tiếng Việt ta cũng có một thành ngữ tương tự là Vợ bìu con ríu.
  10. Lâu ni nỏ ẻ đàng, bựa ni ẻ đàng cả làng bắt được
    Trước giờ không ỉa ngoài đường (ỉa vất), hôm nay ỉa ngoài đường thì cả làng bắt được. Cả đời không làm việc xấu, nay (vì hoàn cảnh bắt buộc) chỉ lần đầu làm việc xấu thì bị phát giác.
  11. Bìm bịp
    Tên chung để chỉ khoảng 30 loài chim do tiếng kêu của chúng tương tự như "bìm bịp" vào mùa sinh sản. Bìm bịp có lông cánh màu nâu như áo của thầy tu.

    Một con bìm bịp

    Một con bìm bịp

  12. Tam tòng
    Những quy định mang tính nghĩa vụ đối với người phụ nữ phương Đông trong xã hội phong kiến ngày trước, xuất phát từ các quan niệm của Nho giáo. Tam tòng bao gồm:

    Tại gia tòng phụ:  khi còn nhỏ ở với gia đình phải theo cha,
    Xuất giá tòng phu: khi lập gia đình rồi phải theo chồng,
    Phu tử tòng tử: khi chồng qua đời phải theo con.

  13. Văn vi
    Lời nói (văn) và việc làm (vi) (từ Hán Việt).
  14. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  15. Hồi
    Cũng gọi là tai vị, một loại cây mọc nhiều ở các vùng rừng núi miền Bắc, cho quả có nhiều cánh giống hoa nên thường được gọi là hoa hồi. Hồi là một loại dược liệu (hồi hương) và hương liệu, và cũng là một gia vị dùng khi nấu phở.

    Quả hồi

    Quả hồi

  16. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  17. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  18. Quế, hồi là những loài cây quý hiếm. Loan, phượng là những con vật thiêng, tượng trưng cho tình yêu đôi lứa. Ở đây ý nói sự tương kính, luyến ái giữa đôi trai gái mời trầu nhau. (Trầu quế cũng là tên một loại trầu ở nước ta.)
  19. Nhân ngãi
    Người thương, người tình (từ cổ). Cũng nói nhân ngãi, ngỡi nhân.
  20. Têm trầu
    Quệt vôi vào lá trầu không, cuộn lại rồi cài chặt lại bằng cuống lá để thành một miếng trầu vừa miệng ăn.

    Têm trầu

    Têm trầu

    Trầu têm cánh phượng

    Trầu têm cánh phượng

  21. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  22. Niêu
    Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.

    Cơm niêu

    Cơm niêu

  23. Bớt nồi sang niêu
    Do hoàn cảnh túng thiếu phải giảm thiểu chi tiêu.
  24. Nường
    Nàng (từ cũ).
  25. Anh ba sương gặp nường bảy nắng
    Ba sương bảy nắng chỉ sự từng trải gian khổ. Nghĩa bóng: Đã rủi ro, cay cực lại càng thêm rủi ro cay cực.
  26. Câu này được cho là lời sấm về sự kết thúc của chế độ phong kiến nhà Nguyễn năm 1945, trong đó "sen mọc biển Đông" được giảng giải theo hai cách:

    - Sự bành trướng của Liên Xô (liên từ Hán Việt nghĩa là hoa sen) về phía Đông.
    - Sự việc người Nhật cho thả hoa sen (có nguồn cho là thả bèo Nhật Bản) ở các sông hồ Việt Nam.

  27. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  28. Ngự
    Từ dùng để chỉ những vật hay việc thuộc về hoàng cung. Về sau hiểu rộng ra, những vật quý đôi khi cũng gọi là ngự.
  29. Xuân nương
    Người con gái trẻ trung, xinh đẹp (từ Hán Việt).
  30. Bình Định
    Tên một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là mảnh đất có bề dày lịch sử với nền văn hoá Sa Huỳnh, từng là cố đô của vương quốc Chămpa, đồng thời là quê hương của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Bình Định cũng là nơi có nghệ thuật tuồng rất phát triển, gắn liền với tên tuổi của Đào Duy Từ. Những món đặc sản của vùng đất này gồm có rượu Bàu Đá, bánh tráng nước dừa, bánh ít lá gai...

    Bình Định

    Bình Định