Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Diều hâu
    Loài chim dữ, mỏ quặp, có thị lực rất sắc bén, hay bắt gà, chuột, rắn.

    Một loại diều hâu

    Một loại diều hâu

  2. Quạ
    Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.

    Con quạ

    Con quạ

  3. Kền kền
    Cũng có tên là kên kên, đôi khi viết thành kênh kênh hoặc kềnh kềnh, một loài chim ăn thịt và xác chết. Trong văn chương, kền kền thường được dùng tượng trưng cho những người độc ác và cơ hội.

    Kền kền

    Kền kền

  4. Dẫy na
    Vậy hả? (phương ngữ Bình Định - Phú Yên).
  5. Há dễ
    Không dễ dàng gì (từ cổ).

    Làm ơn há dễ mong người trả ơn (Lục Vân Tiên)

  6. Hản hiu
    Công khai, rõ ràng (phương ngữ Bình Định - Phú Yên).
  7. Gà cồ
    Gà trống lớn.
  8. Cơi trầu
    Một đồ dùng thường làm bằng gỗ, phủ sơn, trông như một cái khay tròn có nắp đậy, dùng để đựng trầu. Tục xưa khi khách đến nhà, chủ thường mang cơi trầu ra mời khách ăn trầu.

    Cơi đựng trầu

    Cơi đựng trầu

  9. Đất thiếu nghĩa là nhà còn khó, nên trồng dừa để có cái ăn. Ngược lại, đất thừa nghĩa là nhà khá giả, có thể trồng cau để làm cảnh. Có nơi giảng đây là kinh nghiệm trồng dừa và cau, do đặc điểm sinh trưởng khác nhau nên tùy theo điều kiện đất đai mà trồng cho thích hợp.
  10. Cửu Long
    Tên một con sông lớn ở miền Tây Nam Bộ. Gọi là Cửu Long (chín rồng) vì sông đổ ra biển bằng chín cửa: Định An, Ba Thắc, Tranh Đề, Tiểu, Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu và Ba Lai.
  11. Hàm Luông
    Một trong các nhánh của sông Tiền, là ranh giới tự nhiên giữa hai cù lao Bảo và Minh, dài 70 km, chảy trọn vẹn trên đất Bến Tre. Trên sông có những cù lao hoặc cồn đất nổi tiếng như: cù lao Tiên Long, cù lao Thanh Tân, cù lao Lăng, cù lao Ốc, cù lao Lá, cù lao Đất, cồn Hố, cồn Lợi... Theo học giả An Chi, chữ Luông trong địa danh này chính là âm gốc của chữ Long (rồng).

    Cầu bắc qua sông Hàm Luông

    Cầu bắc qua sông Hàm Luông

  12. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  13. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  14. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  15. Tơ mành
    Dây tơ mỏng, chỉ tình yêu vương vấn của đôi trai gái (xem thêm chú thích Ông Tơ Nguyệt). Khi dệt lụa, tơ mành là sợi ngang, mỏng manh hơn sợi dọc.

    Cho hay là thói hữu tình
    Đố ai dứt mối tơ mành cho xong

    (Truyện Kiều)

  16. Nong
    Dụng cụ hình tròn, đan bằng tre, có vành, đáy nông, thường dùng để phơi nông sản hoặc để nuôi tằm. Có vùng gọi là nống. Nhỏ hơn nong một chút gọi là nia.

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  17. Cối xay
    Dụng cụ nhà nông dùng để bóc vỏ hạt thóc, tách trấu ra khỏi hạt gạo, hoặc để nghiền các hạt nông sản. Ngày nay cối xay ít được sử dụng vì được thay thế bằng các loại máy xay công nghiệp có hiệu suất cao hơn.

    Xay lúa

    Xay lúa

  18. Ăn de
    Ăn nhín, ăn dè.
  19. Áo mặc sao qua khỏi đầu
    Con cháu không khi nào khôn ngoan hơn ông bà cha mẹ. Câu này thường được các bậc ông bà cha mẹ dùng khi răn dạy con cháu.
  20. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  21. Nhộng
    Hình thái của một số loài sâu bọ trước khi thành bướm. Nhộng của con tằm là món ăn dân dã quen thuộc và bổ dưỡng.

    Nhộng tằm xào lá chanh

    Nhộng tằm xào lá chanh

  22. Sông Trà Ôn
    Tên một nhánh của sông Hậu đoạn chảy qua huyện Trà Ôn, Vĩnh Long.
  23. Trà Côn
    Một xã thuộc huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.
  24. Mèo mả gà đồng
    Mèo mả chỉ mèo sống hoang ngoài nghĩa địa. Về gà đồng, có ý kiến cho rằng chỉ con ếch, nhưng theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì đơn giản là gà hoang ở ngoài đồng (đối lập với gà nuôi trong nhà, và tạo thành cặp đẳng lập: mèo ở mả / gà ở đồng). Cả câu chỉ "những hạng người không có căn cứ, vô lại, ví như những kẻ trốn chúa lộn chồng" (Từ điển Truyện Kiều - Đào Duy Anh). Ngày nay thành ngữ này cũng dùng để chỉ chuyện quan hệ nam nữ lăng nhăng, không chính đáng.
  25. Giần
    Đồ đan bằng tre, hình tròn và dẹt, mặt có lỗ nhỏ, dùng làm cho gạo đã giã được sạch cám (tương tự như cái sàng). Hành động dùng giần để làm sạch gạo cũng gọi là giần.

    Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
    Đất Nước có từ ngày đó

    (Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm)

    Xay, giã, giần, sàng

    Xay, giã, giần, sàng

  26. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  27. Theo nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công: Tháng tám giáp hạt hết gạo, nông dân cắt lúa non về rang lên làm cốm, làm thính ăn đỡ đói. Các bà, các chị vừa làm vừa nếm. Vì cốm, thính đều khó ăn, ai cũng phải ngậm trong miệng nhai, bất ngờ có người hỏi chuyện cứ ú ớ chẳng khác nào bị câm. Làm cốm, thính phải dùng nia, giần, sàng để sàng sảy, có chút dính vào cũng phải tận thu, "vập" cho ra bằng hết. Tháng ba, ngày tám, chủ thiếu ăn, chó cũng đói giơ xương sườn. Ngửi thấy mùi thơm ngũ cốc, lũ chó quanh quẩn lăn vào la liếm, bị người đuổi ra không được, tiện tay dùng giần, sàng vập (đánh) vào chó.
  28. Dãi
    Phơi ra, trải ra.
  29. Giòi trong xương giòi ra
    Bà con trong nhà hại nhau.