Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Thiên lý
    Một loại cây dây leo, thường được trồng thành giàn lấy bóng mát, lá non và hoa dùng để nấu ăn.

    Hoa thiên lý

    Hoa thiên lý

  2. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  3. Nhiêu
    Chức vị ở làng xã thời phong kiến, thường phải bỏ tiền ra mua để được quyền miễn tạp dịch.
  4. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  5. Sao đang
    Sao nỡ đành.
  6. Hồ
    Gần. Cũng nói là hầu.

    Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
    đôi mắt người hồ như biển đông
    có mưa-tôi-cũ về ngang đó
    tự buổi thiên đàng chưa lập xong

    (Bài nhân gian thứ nhất - Du Tử Lê)

  7. Rơm
    Các loại cây lúa hoặc các loại cỏ, cây hoa màu khác sau khi thu hoạch phần hạt, phần thân và lá được đem đi cắt, sấy khô (phơi nắng) và được lưu trữ để sử dụng làm thức ăn cho gia súc. Ngoài ra rơm còn được sử dụng để thổi lửa, đun nấu rất tốt. Bên cạnh đó, rơm còn là nguyên liệu quan trọng để nuôi trồng nấm rơm (một loài nấm chuyên mọc trên rơm).

    Một ụ rơm

    Một ụ rơm

  8. Rạ
    Rơm, phần còn lại của lúa sau khi gặt. Nhân dân ta thường dùng rơm rạ để lợp nhà hoặc làm chất đốt.

    Mái rạ

    Mái rạ

  9. Dồi
    Đánh phấn cho dính vào da.
  10. Theo Lê Gia trong 1575 thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm: Thói thường, nếu có phương tiện tốt thì ai cũng muốn đưa ra mà khoe để làm đẹp mặt chứ không ai để dùng vào chỗ thầm kín và ti tiện.
  11. An Dương
    Một làng nay thuộc xã Mỹ Thọ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Xưa kia làng có nhiều người học giỏi, đỗ đạt.
  12. Tương phùng
    Gặp nhau (từ Hán Việt).
  13. Tương tri
    Hiểu nhau, biết rõ lòng nhau (từ Hán Việt).
  14. Ruộng triều
    Nguyên nghĩa là ruộng có thủy triều lên xuống, ra vào, sau dùng để chỉ những ruộng nước bùn lầy.
  15. Bắt bò cày triều
    Ruộng triều có khi bùn lầy đến thắt lưng, đến sức trâu cũng không cày bừa được. Bắt bò cày ruộng triều nghĩa là cắt đặt công việc không đúng với khả năng, không hợp lí.
  16. Mun
    Tro (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  17. Trú
    Trấu (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  18. Khu
    Đít, mông (phương ngữ).
  19. Bắc Đẩu
    Cũng gọi là Bắc Thần, Tinh Đẩu, hoặc Đại Hùng Tinh (sao Gấu Lớn), một mảng sao gồm bảy ngôi sao sáng có hình dạng như cái gầu múc nước, hoặc như cái bánh lái (nên lại còn có tên là sao Bánh Lái). Cạnh ngắn phía dưới của chòm sao Bắc Đẩu (xem hình dưới) nối dài sẽ gặp sao Bắc Cực nằm rất gần với hướng Bắc. Vì vậy, người xưa thường dùng chòm sao Bắc Đẩu và sao Bắc Cực để tìm hướng Bắc.

    Chòm sao Bắc Đẩu

    Cụm sao Bắc Đẩu

  20. Chóp Chài
    Một ngọn núi cao 391 mét, nổi lên giữa đồng bằng Tuy Hòa, thuộc địa phận xã Bình Kiến, ngoại ô thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Núi Chóp Chài có hình dáng khá vuông vức, trông tựa như một kim tự tháp. Đứng trên đỉnh núi sẽ có được tầm nhìn bao quát tới biển và vùng đồng bằng dưới chân núi.

    Núi Chóp Chài

    Núi Chóp Chài

  21. Núi Đá Bia
    Tên chữ là Thạch Bi Sơn, dân gian cũng gọi là núi Ông hoặc Đá Chồng, ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh thuộc dãy Đèo Cả, một thời là cột mốc biên giới của Đại Việt xưa. Đá Bia nằm ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, phía Nam tỉnh Phú Yên, nổi tiếng vì tảng đá Bia khổng lồ cao khoảng 80 m trên đỉnh núi, đứng cách xa vẫn nhìn thấy. Có tên như vậy vì tương truyền vào năm 1471, khi thân chinh cầm quân tấn công Chăm Pa, vua Lê Thánh Tông dừng tại chân núi, cho quân lính trèo lên khắc tên, ghi rõ cương vực Đại Việt tại nơi này.

    Núi Đá Bia

    Núi Đá Bia

  22. Sông Lam
    Còn gọi là sông Ngàn Cả hay sông Cả, một trong hai con sông lớn nhất ở Bắc Trung Bộ. Sông bắt nguồn từ cao nguyên Xiengkhuang, Lào. Phần chính sông Lam chảy qua Nghệ An, phần cuối hợp lưu với sông La từ Hà Tĩnh, tạo thành ranh giới của Nghệ An và Hà Tĩnh, đổ ra biển tại cửa Hội.

    Sông Lam

    Sông Lam

  23. Hồng Lĩnh
    Tên dãy núi nổi tiếng nhất Hà Tĩnh, cùng với sông Lam là biểu tượng cho xứ Nghệ (bao gồm Hà Tĩnh và Nghệ An). Theo một số nghiên cứu, đây là cố đô của Việt Thường, thủy tổ của dân tộc ta, trước khi dời về dãy Nghĩa Lĩnh, bắt đầu thời đại các vua Hùng.

    Núi Hồng Lĩnh nhìn từ Can Lộc

    Núi Hồng Lĩnh nhìn từ Can Lộc

  24. Nguyệt
    Mặt trăng (từ Hán Việt).
  25. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào