Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  2. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  3. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  4. U Minh
    Nay là tên một huyện thuộc tỉnh Cà Mau ở cực Nam nước ta. U Minh còn là tên của hai khu rừng tràm nước mặn U Minh Hạ (thuộc tỉnh Cà Mau ) và U Minh Thượng (thuộc tỉnh Kiên Giang ). U Minh có nghĩa là tối và mờ. Trước đây khi chưa khai khẩn, U Minh được coi là chốn "rừng thiêng nước độc," nhiều thú dữ như cá sấu, hổ beo, rắn rết, nhưng cũng rất nhiều tài nguyên quý báu. Hiện nay rừng nước mặn U Minh đã được quy hoạch thành vườn quốc gia dành cho mục đích du lịch và bảo tồn sinh thái. Một đặc điểm lý thú của rừng tràm U Minh là nước sông rạch bị nhuộm thành màu đỏ bởi lá tràm rụng trên đất rừng.

    Rừng U Minh

    Rừng U Minh

    Rạch nước đỏ ở rừng U Minh

    Rạch nước đỏ ở rừng U Minh

  5. Củi lụt
    Những cây gỗ trôi trên sông khi có lũ lụt, nước lớn, thường được vớt vào phơi khô để dành làm củi đốt.

    Vớt củi lụt

    Vớt củi lụt

  6. Hai thân
    Cha mẹ (từ Hán Việt song thân).
  7. Trường án
    Cái bàn dài, thường là bàn làm việc trong văn phòng của quan chức.
  8. Sen đầm
    Hiến binh, lính cảnh sát chuyên bảo vệ trị an dưới thời Pháp thuộc. Từ này bắt nguồn từ tiếng Pháp gendarmerie.
  9. Lính thú
    Lính đi đóng đồn, canh phòng ở các vùng biên giới.
  10. Xe lửa Sài Gòn
    Vào đầu thế kỉ 20, người Pháp đã tiến hành xây dựng một mạng lưới giao thông đường sắt hoàn chỉnh kết nối Sài Gòn với những tỉnh thành phụ cận. Cuối năm 1881, hệ thống xe lửa nhẹ nối liền hai khu vực chính của thành phố là Sài Gòn và Chợ Lớn bắt đầu họat động, ban đầu chạy bằng hơi nước, sau đó chạy bằng điện. Mạng lưới này dần dần được mở rộng, lan tới Gò Vấp rồi Lái Thiêu, Thủ Dầu Một.
    Nổi tiếng hơn là tuyến xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho dài 70 kí-lô-mét, khởi hành từ chợ Bến Thành, quan Bình Chánh, Bến Lức, Tân An rồi đến ga chính ở Mỹ Tho (gần vườn hoa Lạc Hồng ngày nay). Vào thời gian đầu, khi chưa có cầu Bến Lức và cầu Tân An, cả đoàn tàu phải xuống phà đế băng qua hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Tuyến đường này khánh thành vào giữa năm 1885, tồn tại 73 năm, đến năm 1958 thì ngừng hoạt động.
    Nhiều dấu tích của mạng lưới đường sắt nội thị ngày xưa cũng như của tuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho như đường rày, cầu, giếng nước vẫn còn tồn tại.

    Xe lửa nhẹ (tramway) nối liền Sài Gòn - Gia Định

  11. Nhất dương chỉ
    Một chiêu thức võ thuật xuất hiện trong các tác phẩm của Kim Dung, dồn nội lực vào một ngón tay (chỉ) để bắn ra.
  12. Nhị Thiên Đường
    Một nhãn hiệu dầu gió rất phổ biến ở miền Nam trước đây.

    Dầu gió Nhị Thiên Đường

    Dầu gió Nhị Thiên Đường

  13. Na Tra
    Một vị thần trong thần thoại dân gian Trung Hoa, được nhắc đến nhiều trong các tác phẩm văn học cổ Trung Quốc như Tây du kýPhong thần diễn nghĩa. Ông là con út của Thác Tháp Thiên Vương Lý Tịnh, em của Kim Tra và Mộc Tra (nên cũng gọi là Tam thái tử). Na Tra được miêu tả là một vị thiên tướng khôi ngô, tuấn tú, mặt đẹp như ngọc, mắt sáng, môi đỏ, bản tính nóng nảy, thẳng thắn, tay cầm thương, tay cầm vòng càn khôn, chân đi bánh xe Phong Hỏa.

    Na Tra đại chiến Mỹ Hầu Vương

    Na Tra đại chiến Mỹ Hầu Vương

  14. Có nơi hát: Tam Quốc Chí.
  15. Tứ đổ tường
    Bốn món ăn chơi được xem là tệ nạn trong xã hội cũ, gồm yên (thuốc phiện), đổ (cờ bạc), tửu (rượu chè), sắc (trai gái, đĩ bợm).
  16. Ngũ vị hương
    Một loại gia vị hay dùng trong ẩm thực của Trung Hoa (nhất là Quảng Đông) và Việt Nam, gồm có năm vị: mặn, ngọt, chua, cay, đắng. Ngũ vị hương đóng gói sẵn ở nước ta thường có: đại hồi, đinh hương, nhục quế, ngọc khấu, hồ tiêu, trần bì, hạt ngò, thảo quả, và hạt điều để tạo màu đỏ.

    Các nguyên liệu ngũ vị hương

    Các nguyên liệu ngũ vị hương

    Bột ngũ vị hương

    Bột ngũ vị hương

  17. Các chữ đầu trong bài đồng dao này lần lượt là các số từ 1 đến 6 theo âm Hán Việt (nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục). Mỗi câu từ 1 đến 5 là một vật hoặc việc quen thuộc trước đây, riêng câu 6 (Lục cơm nguội) là câu nói vui để trêu chọc học trò.
  18. Nuôi con không phép kể tiền cơm
    Nuôi con là bổn phận tự nhiên của cha mẹ.
  19. Lu
    Mờ, không thấy rõ. Lu li: hơi mờ, mờ mờ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  20. Trực nhìn
    Chợt nhìn thấy.
  21. Chu choa
    Cũng viết là chu cha, thán từ người miền Trung thường dùng để bộc lộ sự ngạc nhiên, sợ hãi, vui vẻ...
  22. Khăn rằn
    Một loại khăn đặc trưng của người Nam Bộ, thường có hai màu đen và trắng hoặc nâu và trắng. Hai màu này đan chéo nhau, tạo thành ô vuông nhỏ, trải dài khắp mặt khăn.

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

  23. Suông
    Thiếu hẳn nội dung quan trọng, gây nên sự nhạt nhẽo: Nấu canh suông (nấu canh chỉ có rau, không thịt cá), uống rượu suông (uống rượu không có thức nhắm)...

    Ðêm suông vô số cái suông xuồng,
    Suông rượu, suông tình, bạn cũng suông!

    (Đêm suông phủ Vĩnh - Tản Đà)

  24. Có bản chép: Khéo tán.