Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cu li
    Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
  2. Tao khang
    Cũng nói là tào khang hay tào khương, từ Hán Việt: tao là bã rượu, khang là cám gạo, những thứ mà người nghèo khổ thường phải ăn. Vua Hán Quang Vũ (đời Đông Hán, Trung Quốc) có ý muốn gả người chị góa chồng là Hồ Dương công chúa cho quan đại phu Tống Hoằng, nên hỏi "Ngạn vân: phú dịch thê, quý dịch giao, hữu chư?" (Ngạn ngữ có nói: giàu thì đổi vợ, sang thì đổi bạn, có chăng?). Tống Hoằng đáp "Thần văn: Bần tiện chi giao mạc khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường" (Thần nghe: Bạn bè lúc nghèo hèn chớ nên quên, người vợ tấm cám chớ để ở nhà sau). Nghĩa tao khang do đó chỉ tình nghĩa vợ chồng vun đắp từ những ngày cực khổ.
  3. Tuân Lộ
    Tên Nôm là Kẻ Dùa hay Dùa (nay quen gọi là Rùa), một làng nay thuộc xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Làng nổi tiếng với món đậu phụ gọi là đậu Rùa.

    Đình Tuân Lộ

    Đình Tuân Lộ

  4. Thanh Bào
    Tên một thôn nay thuộc xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
  5. Chữ chương 章 nhìn từ trên xuống dưới gồm các chữ lập 立 (gây dựng), viết 曰 (rằng) và thập 十 (mười).
  6. Ngoa
    Lắm điều, nói những chuyện không đúng sự thật.
  7. Cá he
    Một loại cá nước ngọt thường gặp ở miền Tây Nam Bộ, họ hàng với cá mè. Cá he có đuôi và vây màu đỏ, vẩy bạc. Thịt cá he ngon, béo nhưng có nhiều xương. Xem thêm: Câu cá he.

    Cá he

    Cá he

  8. Kẻ chợ
    Kinh đô (từ cũ). Khi dùng như danh từ riêng, Kẻ Chợ là tên gọi dân gian của kinh thành Thăng Long xưa.
  9. Gò Vấp
    Địa danh nay là một quận nội thành nằm ở phía Bắc và Tây Bắc của thành phố Hồ Chí Minh. Gò Vấp là quận đông dân cư, và là nơi có nhiều giáo đường, chùa chiền.Theo một số tư liệu, trước đây nơi này là một ngọn đồi trồng nhiều cây vắp (một loại cây thuộc họ măng cụt) nên có tên gọi là Gò Vắp, sau đọc trại đi mà thành Gò Vấp.

    Cây vắp

    Cây vắp

  10. Giấy quyến
    Loại giấy rất mỏng dùng để quấn thuốc lá hút.
  11. Đông Hạp
    Một địa danh thuộc vùng An Lương, Bình Định.
  12. Sông Tương
    Một con sông thường gặp trong văn chương cổ, lấy từ một đoạn trong bài thơ Trường tương tư của Lương Ý Nương đời Hậu Chu, Trung Quốc:

    Quân tại Tương Giang đầu
    Thiếp tại Tương Giang vĩ
    Tương tư bất tương kiến
    Đồng ẩm Tương Giang thủy

    Dịch:

    Chàng ở đầu sông Tương
    Thiếp ở cuối sông Tương
    Nhớ nhau chẳng thấy mặt
    Cùng uống nước sông Tương

    Nghe bài hát Ai về sông Tương.

  13. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  14. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  15. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  16. Ngô đồng
    Một loại cây gỗ rất cao (có thể hơn 17 mét), thân lớn (khoảng nửa mét), vỏ màu lục xám hoặc nâu xám (khi già), rụng lá vào mùa thu. Gỗ ngô đồng rất nhẹ, màu trắng vàng, có vân, thường dùng làm nhạc cụ. Ngô đồng đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Trung Hoa và các nước đồng văn (Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam), thường được đề cập trong thơ ca. Tương truyền chim phượng hoàng luôn chọn đậu trên cành ngô đồng.

    Ô hay buồn vương cây ngô đồng
    Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông

    (Tì bà - Bích Khê).

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

  17. Chùa Cầu
    Tên một cây cầu đồng thời cũng là một ngôi chùa cổ ở Hội An. Cầu được các thương nhân người Nhật góp tiền xây dựng vào thế kỉ 17 (nên còn được gọi là cầu Nhật Bản), bắc ngang qua một lạch nước nhỏ chảy ra sông Thu Bồn. Năm 1653, người ta dựng thêm phần chùa, nối liền vào lan can phía Bắc, nhô ra giữa cầu, từ đó người dân gọi là Chùa Cầu. Chùa Cầu là một biểu tượng văn hóa - du lịch của Hội An.

    Chùa Cầu

    Chùa Cầu

  18. Diên Phước
    Tên một huyện ở phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ngày trước (nay là xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
  19. Thước thợ
    Thước của thợ mộc dùng để đo góc.
  20. Kim Bồng
    Tên cũ là Kim Bồng Châu, nay một phần lớn thuộc xã Cấm Kim, Hội An, tỉnh Quảng Nam, nằm ở hữu ngạn hạ lưu nơi sông Thu Bồn chảy qua Hội An trước khi đổ ra biển. Đây là nơi hình thành nghề thủ công nổi tiếng mang tên nghề mộc Kim Bồng. (Đọc thêm: Làng mộc Kim Bồng).

    Làng mộc Kim Bồng

    Làng mộc Kim Bồng

  21. Tể Dư
    (522–458 TCN) Tự là Tử Ngã, cũng gọi là Tể Ngã, học trò của Khổng Tử. Ông là người nước Lỗ, có khiếu chính trị và tài biện bác (được xem là người giỏi hùng biện nhất trong số các học trò của Khổng Tử).
  22. Phàn Tu
    (515-? TCN) Tự là Tử Trì, cũng gọi là Phàn Trì, một học trò của Khổng Tử.
  23. Trì
    Lôi, kéo, níu giữ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  24. Nữ nhi
    Con gái nói chung.
  25. Cô Trúc
    Một nước chư hầu của các triều đại Thương, Chu trong lịch sử Trung Quốc. Năm 664 TCN, Cô Trúc bị liên minh Tề-Yên tiêu diệt. Một phần lớn lãnh thổ Cô Trúc bị nhập vào Yên.
  26. Trúc
    Trốc, đổ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  27. Đơm
    Đặt bẫy để bẫy chim, cò.
  28. Chu Vũ Vương
    Tên thật là Cơ Phát hay Tây Bá Phát, vị vua sáng lập nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc sau khi lật đổ nhà Thương. Nhà Chu tồn tại được 867 năm, là triều đại tồn tại lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc.
  29. Vương: Vướng.
  30. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  31. Nường
    Nàng (từ cũ).
  32. Kỳ Tân, An Chuẩn
    Tên hai làng thuộc xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, nằm ngay ngã ba nơi con sông Vệ đổ ra biển. Đây là nơi có nghề làm nước mắm truyền thống của tỉnh Quảng Ngãi, kéo dài đến tận bây giờ.
  33. Gái giết chồng, đàn ông ai giết vợ
    Trong chế độ đa thê trước kia, đàn bà ngoại tình có thể lập mưu giết chồng để được sống tự do với kẻ gian phu, trong khi đàn ông thường không nảy sinh ý định giết vợ (vì không cần thiết).
  34. Nhất vện, nhì vàng, tam khoang, tứ đốm
    Kinh nghiệm dân gian về cách chọn chó tốt dựa vào màu lông.
  35. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  36. Chữ oanh 轟 (sầm sầm, xình xịch, rầm rĩ) gồm ba chữ xa 車 (xe) ghép lại với nhau.