Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Gành Hàu
    Địa danh nay thuộc thôn Tân Hòa, xã An Hòa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Phía ngoài Gành Hàu là cù lao Mái Nhà.
  2. Rau câu
    Một loại rong biển, là nguyên liệu chính để làm các món rau câu, thạch, xu xoa... Người dân ven biển những vùng có nhiều rau câu thường vớt rau câu bán.

    Rau câu

    Rau câu

  3. Kỉnh
    Kính (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Cũng hiểu là kính biếu, kính tặng.
  4. Mệ
    Bà cụ già, mẹ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  5. Ôông
    Phát âm là "ôn," biến thể ngữ âm của "ông" ở một số địa phương Bắc Trung Bộ.
  6. Lưu Nguyễn
    Tên của hai nhân vật trong truyền thuyết Trung Quốc là Lưu Thần và Nguyễn Triệu đời nhà Hán, nhân tiết Đoan Dương (5-5 âm lịch) vào núi Thiên Thai hái thuốc, bị lạc lối về. Hai người tao ngộ tiên nữ, kết làm vợ chồng. Sống hạnh phúc được nửa năm thì hai chàng nhớ quê muốn về thăm. Các tiên nữ cho biết đây là cõi tiên, đã về trần là không thể trở lại, song vẫn không giữ được hai chàng. Lưu, Nguyễn hồi hương thấy quang cảnh khác hẳn xưa, thì ra họ xa nhà đã bảy đời. Buồn bã, hai người trở lại Thiên Thai thì không thấy tiên đâu nữa.
  7. Ghe giã
    Tên một loại ghe cổ, nay vẫn còn gặp ở các tỉnh miền Trung.
  8. Vương Khải
    Quan Hậu tướng quân nhà Tây Tấn trong lịch sử Trung Quốc, em của Văn Minh hoàng hậu, nhà rất giàu có, ăn chơi xa xỉ. Ông và Thạch Sùng từng có cuộc thi xem nhà ai có nhiều của báu hơn. Ở Nam Bộ, tên ông này cũng được phát âm thành Dương Khởi.
  9. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  10. Bành Tổ
    Cũng có tên là Bành Khang, một nhân vật trong truyền thuyết Trung Quốc. Chuyện kể rằng một hôm Bành Khang nấu một nồi canh gà rừng dâng lên Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng ưng ý, liền bảo: "Nhà ngươi đếm trên mình gà có bao nhiều sợi lông màu sắc rực rỡ thì nhà ngươi sống được bấy nhiêu tuổi". Bành Khang tìm lại đống lông gà, đếm được 800 sợi, nhờ đó sống được 800 tuổi.

    Trong văn hóa Trung Quốc, ông Bành Tổ được xem là biểu tượng cho sự trường thọ.

  11. Trường thọ
    Sống lâu (từ Hán Việt).
  12. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  13. Phan Trần
    Một truyện Nôm khuyết danh, chưa rõ sáng tác trong thời gian nào. Truyện gồm 954 câu lục bát, kể về tình yêu hai nhân vật Phan Sinh và Kiều Liên. Theo nhà phê bình Hoài Thanh: "Lời văn kể chuyện thỉnh thoảng có cái vị tươi mát và hồn nhiên của tiếng nói quần chúng, nhiều khi vui đùa dí dỏm và luôn luôn êm đẹp nhẹ nhàng, nói chung rất điêu luyện mà không bao giờ cứng nhắc, khô khan. Nhiều câu rất giống Truyện Kiều. Lời văn cũng góp nhiều vào cái vị ngọt ngào của câu chuyện."
  14. Thủy chung
    Trước và sau. Thường được dùng với nghĩa (tình cảm) trước sau như một, không thay đổi. Từ này trước đây cũng được viết là thỉ chung.
  15. Chữ đồng
    Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.

    Đã nguyền hai chữ đồng tâm
    Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

    (Truyện Kiều)

  16. Sút
    Long ra, rời ra.
  17. Nói về những con sông có nước độc.
  18. Ba khía
    Một loại cua nhỏ đặc trưng những vùng nước mặn hoặc nước lợ Nam Bộ, càng to, càng và ngoe có màu đỏ tím, mai màu nâu bùn có ba vạch khía rất rõ. Ba khía sống trải dài từ Cần Thơ đến Sóc Trăng, Cà Mau, và nhiều nhất ở U Minh. Trước đây, vào khoảng tháng 10 âm lịch hàng năm là mùa kết cặp giao phối của ba khía, lúc đó người dân miền Tây Nam Bộ thường rủ nhau đốt đuốc đi bắt ba khía ban đêm. Ngày nay, do môi trường sống thay đổi, số lượng ba khía không còn dồi dào như trước nữa. Ba khía có thể chế biến thành các món rang me, rang mỡ hành, luộc, nấu chao... Mắm ba khía chế biến từ ba khía ngâm với muối hột là món ăn bình dân khoái khẩu của nhiều người. Nhà văn, nhà nghiên cứu Sơn Nam từng gọi ba khía là "con cua của người nghèo" và đã viết một truyện ngắn mang tên Ngày hội ba khía.

    Con ba khía

    Con ba khía

  19. Ốc len
    Một loại ốc to khoảng ngón tay trỏ hoặc ngón tay cái, màu nâu đậm xen lẫn vân trắng, vỏ cứng với nhiều đường gân nhỏ xoay quanh. Ốc len thường được chế biến thành các món đặc sản như ốc len hầm nước dừa hoặc ốc len xào dừa.

    Ốc len xào dừa

    Ốc len xào dừa

  20. Rạch Gốc
    Địa danh nay là thị trấn của huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Tại đây có nhiều món đặc sản của vùng sông nước Tây Nam Bộ như ba khía, cá khô, và đặc biệt là thương hiệu tôm khô Rạch Gốc.

    Sấy tôm khô ở Rạch Gốc

    Sấy tôm khô ở Rạch Gốc

  21. Chữ thiên 天 (trời) "đội mũ" thì thành chữ phu 夫 (chồng). "Xin một tấm" vì vậy nghĩa là "xin một tấm chồng."
  22. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  23. Trai (gái) tơ
    Trai gái mới lớn, chưa có vợ có chồng.
  24. Nạ dòng
    Người phụ nữ đã có con, đứng tuổi. Từ này thường dùng với nghĩa chê bai. Có nơi phát âm thành lại dòng.

    Theo học giả An Chi, nạ là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 女 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "nữ" còn âm xưa chính là "nạ," có nghĩa là "đàn bà," "mẹ"... còn dòng là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 庸 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "dung" còn âm xưa chính là "dòng," có nghĩa gốc là hèn mọn, tầm thường, yếu kém, mệt mỏi... rồi mới có nghĩa phái sinh là không còn nhanh nhẹn, gọn gàng vì đã luống tuổi, nhất là đối với những người đã có nhiều con.

  25. Quốc thái dân an
    Đất nước thái bình, dân chúng an vui (thành ngữ Hán Việt).
  26. Có hai cách giải nghĩa cho câu này:

    1. Theo báo Nam Phong số 179 (12/1932): Tục thờ thần ở là Diêu-lương thuộc phủ Lâm-thao, cứ đến mồng 4 tháng giêng, rước thần ra nơi đàn ngoài đồng, để một quả cầu ở trước đàn, người già người trẻ đứng hai bên, rồi một ông già vào trong đàn la to lên rằng: Hai bên lại mà tranh lấy, bên nào được đem về bên ấy, tục gọi là "hội tranh quả cầu."

    2. Nhắc đến trò vật cù, tương truyền xưa kia tướng quân Phạm Ngũ Lão đã dùng để rèn luyện sức khỏe cho quân sĩ. Quả cù làm từ củ chuối hột, hình tròn, đường kính khoảng 30cm. Trọng tài cầm quả cù đặt ở hố giữa sân, phát hiệu lệnh, hai bên giành nhau cướp bỏ vào rổ của đối phương, bên nào cho vào rổ của bên kia nhiều hơn là thắng cuộc.

  27. Rết
    Một loài động vật thân đốt, mình dài, có rất nhiều chân. Rết có nọc độc, có thể làm chết người.

    Con rết

    Con rết

  28. Cầu Ô Thước
    Chiếc cầu trong điển tích Ngưu Lang - Chức Nữ, tượng trưng cho sự sum họp đôi lứa.
  29. Tần
    Tên triều đại kế tục nhà Chu và được thay thế bởi nhà Hán, kéo dài từ năm 221 đến 206 trước Công nguyên trong lịch sử Trung Quốc. Nhà Tần, đứng đầu là Tần Thủy Hoàng Đế, có công rất lớn trong việc thống nhất Trung Quốc, đặt nền móng cho nhiều mặt văn hóa - lịch sử của Trung Quốc, nhưng cũng gây bất bình mạnh mẽ trong nhân dân vì cách cai trị hà khắc. Vì vậy, chỉ 4 năm sau khi Tần Thủy Hoàng chết, nhà Tần đã bị các cuộc khởi nghĩa nông dân làm suy yếu, và cuối cùng mất vào tay Hạng Vũ, kéo theo đó là cuộc Hán Sở tranh hùng kéo dài 5 năm với kết quả là sự thành lập nhà Hán của Hán Cao Tổ Lưu Bang.

    Tần Thủy Hoàng, người sáng lập nhà Tần

    Tần Thủy Hoàng, người sáng lập nhà Tần

  30. Ngô
    Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.
  31. Lưỡi cày
    Bộ phận bằng kim loại (thường là thép) trong một cái cày, có công dụng lật đất lên khi cày ruộng. Tùy vào điều kiện đất đai mỗi vùng miền và loại cây trồng, lưỡi cày có thể có nhiều hình dạng và công dụng khác nhau.

    Cày đỏi

    Cày đỏi

  32. Sét
    Hoen rỉ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  33. Cuốc
    Nông cụ gồm một bản sắt bén (gọi là lưỡi cuốc) gắn vào ống tre cật để cầm (gọi là cán cuốc), dùng để đào xới đất. Động tác đào xới đất bằng cuốc cũng gọi là cuốc đất.

    Cuốc đất

    Cuốc đất

  34. Câu mâu
    Hay quạu, hay bắt lỗi bắt phép (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Paulus Của).
  35. Cà nanh
    Ghen tị (phương ngữ Nam Bộ).
  36. Cồng cộc
    Tên gọi miền Nam của chim cốc đế, một loại chim làm tổ trong các rừng ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long. Chim có đầu, mào, cổ toàn bộ mặt lưng và đuôi màu đen, cánh xanh lục hay tím đỏ. Thức ăn chủ yếu là cá.

    Chim cồng cộc

    Chim cồng cộc

  37. Có bản chép: Mấy khi.
  38. Nhóc nhen
    Từ gọi chung ếch nhái, ễnh ương, mô phỏng tiếng kêu của những con vật này (phương ngữ Nam Bộ).
  39. Bắt
    Phát, khiến cho (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  40. Xàu
    Trạng thái héo, rũ, thể hiện nét sầu, buồn bã (Phương ngữ Nam Bộ).
  41. Kinh
    Kênh, sông đào dùng để dẫn nước hoặc để đi lại bằng đường thủy (phương ngữ Nam Bộ).

    Kênh Nhiêu Lộc (thành phố Hồ Chí Minh)

    Kênh Nhiêu Lộc (thành phố Hồ Chí Minh)

  42. Chúa
    Chủ, vua.
  43. Sa
    Rơi xuống (từ Hán Việt).
  44. Áo dà
    Áo nâu, thường là trang phục của người tu hành.

    Áo dà

    Áo dà

  45. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  46. Khác thể
    Chẳng khác nào, giống như.
  47. Sao Hầu
    Cũng gọi là sao Hậu, tên chòm sao (gồm một ngôi sao) trong nhóm sao Thiên Thị Viên trong thiên văn cổ Trung Quốc. Nhóm sao này phân bố xung quanh cực bắc và nhóm sao Bắc Đẩu. Chúng được nhìn thấy quanh năm từ các vĩ độ trung bình của bán cầu Bắc.

    Nhóm Thiên Thị Viên

    Nhóm Thiên Thị Viên

  48. Sổ lương thực
    Gọi nôm na là sổ gạo, một quyển sổ ghi chỉ tiêu lượng lương thực một hộ gia đình được mua hàng tháng trong thời kì bao cấp. Ví dụ, người dân thường có quyền mua 1,5 lạng thịt/tháng, trong khi cán bộ cao cấp có thể mua 6 kg/tháng.

    Sổ mua lương thực

    Sổ mua lương thực

  49. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  50. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).