Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Tửng
    Người con trai, thằng nhỏ (từ tiếng Hán đinh, đọc giọng Quảng Đông).
  2. A nả
    Xinh đẹp (tiếng Quảng Đông).
  3. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  4. Đồng cốt
    Người được cho là có khả năng đặc biệt, có thể cho thần linh, ma quỷ, hồn người đã chết mượn thể xác (xương cốt) của mình trong chốc lát, qua đó các linh hồn này có thể giao tiếp với người đang sống.

    Một bà đồng ngày xưa

    Một bà đồng ngày xưa

  5. Châu Trần
    Việc hôn nhân. Thời xưa ở huyện Phong thuộc Từ Châu bên Trung Quốc có thôn Châu Trần, trong thôn chỉ có hai dòng họ là họ Châu và họ Trần, đời đời kết hôn với nhau.

    Thật là tài tử giai nhân,
    Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.

    (Truyện Kiều)

  6. Đồ
    Từ tục, chỉ bộ phận sinh dục của người phụ nữ.
  7. Lọng
    Đồ dùng để che phía trên đầu, gần giống cái dù nhưng kích thước lớn hơn, hình tròn, phẳng, có cán dài để cầm, thường được sử dụng trong nghi lễ hoặc đám rước, để thể hiện địa vị xã hội. Ngày xưa, lọng được sử dụng cho vua, quan, chức sắc; ngày nay, lọng chủ yếu được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo.

    Kết cấu của lọng thường bao gồm một khung bằng tre nứa, có thể giương lên, xếp lại dễ dàng. Mặt trên lọng lợp bằng giấy phết sơn ta để chống thấm nước. Lọng còn thường được trang trí nhiều màu sắc và họa tiết tùy theo địa vị của người sử dụng.

    Quan tổng đốc Hà Nội đi bốn lọng.

    Quan tổng đốc Hà Nội đi bốn lọng.

  8. Bình vôi
    Ngày xưa nhân dân ta thường hay ăn trầu với cau và vôi. Bình vôi là dụng cụ bằng gốm hay kim loại để đựng vôi ăn trầu, đôi khi được chế tác rất tinh xảo, và tùy theo hình dạng mà cũng gọi là ống vôi.

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

  9. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  10. Bể
    Biển (từ cũ).
  11. Ngàn
    Rừng rậm.
  12. Giành
    Còn gọi là trác, đồ đan bằng tre nứa hoặc mây, đáy phẳng, thành cao, thường dùng để chứa nông sản, gặp ở miền Bắc và một số tỉnh Bắc Trung Bộ.

    Cái giành

    Cái giành

  13. Trôn
    Mông, đít, đáy (thô tục).
  14. Hèm
    Bã còn lại sau khi đã chưng cất rượu bia, màu trắng đục, mùi rất nồng, thường dùng cho lợn ăn. Người nghiện rượu thường được gọi là hũ hèm.

    Nấu rượu

  15. Chú khách
    Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
  16. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  17. Trấy
    Trái (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  18. Đọi
    Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  19. Người đi bẫy cò đọc câu này khi xua để cò bay tới khoảng ruộng có đặt bẫy.
  20. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  21. Gàu sòng
    Thứ gàu có cán dài, treo vào một cái gạc ba chân, một người tát.

    Tát gàu sòng

    Tát gàu sòng

  22. Quay tơ, đánh ống
    Các công đoạn trong quá trình sản xuất lụa tơ tằm.
  23. Con Rồng cháu Tiên
    Người Việt Nam tự nhận mình là con của rồng (Lạc Long Quân) và tiên (Âu Cơ). Tương truyền, Lạc Long Quân và Âu Cơ lấy nhau đẻ ra một bọc trăm trứng, nở ra trăm con. Năm mươi con theo cha xuống biển, năm mươi con theo mẹ lên núi, cùng sinh con đẻ cái tạo thành nòi giống người Việt.
  24. Trường Yên
    Một làng nay thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Vào thế kỉ thứ 10, đây là kinh đô Hoa Lư của nước ta, lúc ấy quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Tại đây có đền thờ Đinh Tiên Hoàng trên nền cung điện Hoa Lư xưa, và đền thờ Lê Đại Hành ở gần đó. Hằng năm vào tháng 2, nhân dân tổ chức lễ hội ghi nhớ công lao của hai vị vua dựng nước và giữ nước này.

    Trường Yên - Hoa Lư

    Trường Yên - Hoa Lư

  25. Đinh Tiên Hoàng
    Tên húy là Đinh Bộ Lĩnh (924 - 979), vị vua sáng lập nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt trong lịch sử nước ta. Ông là người có công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn và trở thành hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau 1000 năm Bắc thuộc. Đại Cồ Việt là nhà nước mở đầu cho thời đại độc lập, tự chủ, xây dựng chế độ quân chủ tập quyền ở Việt Nam.

    Ông sinh ở thôn Kim Lư, làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay thuộc xã Gia Phương, Gia Viễn, Ninh Bình). Tương truyền thuở bé ông đi chăn trâu cho chú, hay cùng bạn bè cưỡi trâu tập trận giả, lấy bông lau làm cờ. Vì vậy khi nhắc đến ông, hậu thế thường nhắc đến các cụm từ cờ lau tập trận, cờ lau dựng nước...

    Tượng Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư

    Tượng Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư

  26. Lê Đại Hành
    Tên húy là Lê Hoàn (941 – 1005), vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lê, trị vì từ 980 đến 1005. Ông không chỉ là một vị hoàng đế có những đóng góp lớn trong chống quân Tống phương Bắc, quân Chiêm phương Nam, giữ gìn và củng cố nền độc lập dân tộc mà còn có nhiều công lao trong sự nghiệp ngoại giao, xây dựng và kiến tạo đất nước Đại Cồ Việt. Cũng chính ông đã tạo ra tiền đề cho Lý Công Uẩn sau này dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long năm 1010, mở ra một kỷ nguyên phát triển lâu dài của văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

    Tượng Lê Đại Hành ở Hoa Lư

    Tượng Lê Đại Hành ở Hoa Lư