Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cố tri
    Người quen biết cũ (từ Hán Việt).

    Xưa từng có xóm có làng
    Bà con cô bác họ hàng gần xa
    Con trâu, con chó, con gà
    Đàn cò, lũ sẻ, đều là cố tri.

    (Mộc mạc - Võ Phiến)

  2. Hàng Mành
    Một trong các phố cổ ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Theo Phố và đường Hà Nội của tác giả Nguyễn Vĩnh Phúc (NXB Giao thông Vận tải, 2004), phố Hàng Mành ra đời từ hơn một trăm năm trước, do người làng Giới Tế (thuộc huyện Yên Phong, Bắc Ninh) di cư đến lập nghiệp, mang theo nghề làm mành cửa cổ truyền của làng Giới Tế.
  3. Hàng Hòm
    Một phố cổ của Hà Nội, thời xưa có nhiều hàng làm nghề sơn gỗ, dần dần phát triển thành bán các loại rương, hòm, tráp bằng gỗ sơn, về sau lại phát triển thêm các mặt hàng mới như va li, cặp da, túi xách. Tên phố vẫn giữ nguyên qua nhiều thời đại, nghề làm hòm vẫn phát triển cho đến sau 1975, chỉ mới mai một gần đây, thay vào đó là nghề bán sơn phát triển mạnh.

    Phố Hàng Hòm

    Phố Hàng Hòm

  4. Cầy
    Tên chung của một số loài thú giống mèo, thân hình mềm mại, mõm dài và nhọn, chủ yếu sống ở trên cây, ăn thịt. Cầy có khả năng tiết ra mùi riêng rất mạnh, tùy theo loài mà mùi có thể hôi hoặc thơm. Ở nước ta có các giống cầy như cầy hương, cầy mực, cầy giông... Lưu ý: nhiều người vẫn gọi chó là cầy và thịt chó là thịt cầy, đây là một sự nhầm lẫn.

    Con cầy

    Con cầy

  5. Chim
    Ve vãn, tán tỉnh.
  6. Long Thần
    Thần rồng trong thần thoại Ấn Độ, tiếng Sanskrit là नागराज Nāgārāja (nghĩa là vua rồng) . Trong thần thoại Phật giáo, Long Thần có chức năng hộ trì Phật pháp, bảo vệ chùa chiền và người tu hành. Vì thế, nhiều chùa chiền thường có tượng Long Thần.

    Tượng Long Thần ở chùa Tôn Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An

    Tượng Long Thần ở chùa Tôn Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An

  7. Thổ Công
    Còn được gọi là Thổ Địa hay Thổ Thần, là một vị thần trong tín ngưỡng Á Đông, cai quản một vùng đất nào đó (từ Hán Việt "thổ" nghĩa là "đất"). Thổ Công thường được khắc hoạ là một ông già râu tóc bạc phơ, mặt vui vẻ, thích chơi với con nít. Nhân dân ta có tập quán cúng Thổ Công vào ngày 1, ngày 15 âm lịch và các dịp lễ Tết khác.

    Một hình ảnh về Thổ Công

    Một hình ảnh về Thổ Công

  8. Ông Táo
    Còn gọi là Táo quân hoặc vua bếp, tên vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà (táo 灶 có nghĩa là bếp). Theo tín ngưỡng Việt Nam, hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân cưỡi cá chép lên chầu Ngọc Hoàng, báo cáo những chuyện đã xảy ra trong năm cũ. Táo quân thực ra gồm hai ông và một bà, được gọi chung như vậy theo thuyết "Tam vị nhất thể."

    Táo quân (tranh dân gian)

    Táo quân (tranh dân gian)

  9. Hà Bá
    Vị thần cai quản sông trong tín ngưỡng đạo giáo. Xưa kia ven sông thường có đền thờ Há Bá để cầu cho mọi người không gặp nạn trên sông và bắt được nhiều cá trong mùa mưa. Hà Bá thường được miêu tả là một ông lão râu tóc bạc trắng, tay cầm một cây gậy phất trần với một bầu nước uống, ngồi trên lưng một con rùa và cười vui vẻ.

    Một hình vẽ Hà Bá theo truyền thuyết

    Một hình vẽ Hà Bá theo truyền thuyết

  10. Tôn Ngộ Không
    Một trong số các nhân vật chính trong tiểu thuyết Tây Du Ký của nhà văn Trung Quốc Ngô Thừa Ân, rất quen thuộc trong văn hóa Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Tôn Ngộ Không vốn là một con khỉ nứt từ đá ra, học được 72 phép biến hóa, có phép Cân đẩu vân (bay lộn trên mây, nhún mình một cái bay được một vạn tám ngàn dặm), sử dụng vũ khí là gậy sắt (thiết bảng), tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh. Sau Tôn Ngộ Không theo phò Đường Tam Tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh, dọc đường có nhiều công trạng trong việc đánh yêu ma quỷ quái, bảo vệ Đường Tăng, đồng thời cũng gặp phải nhiều kiếp nạn.

    Tạo hình nhân vật Tôn Ngộ Không trên phim

    Tạo hình nhân vật Tôn Ngộ Không trên phim

  11. Con nước
    Cũng gọi là ngọn nước, chỉ sự lên xuống của mực nước sông theo thủy triều.
  12. Nước ương
    Nước đứng, đục.
  13. Nước rặc
    Nước thủy triều khi rút xuống.
  14. Cá đục
    Một loại cá biển, dài khoảng 10-15 cm thân to bằng ngón tay cái, sống gần bờ biển, có hình dạng tương tự loài cá bống nước ngọt. Cá đục có thể chế biến được rất nhiều món ngon vì thịt chắc, trắng, có vị ngọt và hầu như mùa nào cũng có.

    Cá đục

    Cá đục

  15. Cá thiều
    Còn gọi là cá gúng, một loại cá biển có da trơn, chế biến được thành nhiều món ăn ngon như khô tẩm, muối chiên, kho sả ớt nước cốt dừa… Cá thiều đi theo đàn, nên ngư dân trên biển nếu gặp cá thiều thì coi như trúng lớn.

    Cá thiều

    Cá thiều

  16. Cá mòi
    Một loại cá thuộc họ cá trích, có tập tục bơi thành đàn từ biển ngược lên nguồn vào tháng giêng để đẻ trứng, vì vậy nhân dân ta thường giăng lưới bắt cá mòi ở sông vào dịp này. Cá mòi ngon nhất là trứng cá, và thường được chế biến thành các món nướng, món kho. Cá mòi có hai loại: cá mòi lửa và cá mòi he.

    Cá mòi

    Cá mòi

  17. Cá cơm
    Cũng gọi là cá duội (ruội) hay cá chi, một loại cá biển phổ biến ở Việt Nam, có thể chế biến thành các món ăn, phơi làm khô cá, hoặc làm nước mắm.

    Cá cơm

    Cá cơm

  18. Cá ót
    Một loài cá biển. Cá ót được phân biệt ra làm nhiều loại: cá ót tròn, cá ót gai, cá ót chỉ vàng, cá ót đồng tiền, cá ót đĩa... tuỳ vào hình dạng và đặc điểm riêng. Mỗi loại cá ót phù hợp với một cách thức chế biến món ăn khác nhau.

    Cá ót

    Cá ót

  19. Cá lìm kìm
    Còn gọi là cá kìm hay cá nhái, tên chung của những loài cá có thân hình thuôn dài với đặc trưng là mỏ kéo dài ra như cái kìm (xem ảnh). Cá lìm kìm có nhiều loài khác nhau, một số loài sống ở nước ngọt (sông, hồ), một số loài khác lại sống ở nước lợ hay nước mặn. Cá lìm kìm nước ngọt trong hình dưới đây có thân màu trắng trong, dài từ 5 đến 10 milimet. Những loài khác sống ở nước mặn (biển) hay nước lợ có kích thước lớn hơn. Cá lìm kìm nước ngọt là loài cá rất dễ gặp ở đồng bằng sông Cửu Long, hầu như ở sông, hồ, mương kênh hay ao nào ta cũng có thể dễ dàng thấy chúng nếu để ý quan sát kỹ.

    Cá lìm kìm nước ngọt

    Cá lìm kìm nước ngọt

  20. Cá đối
    Một loại cá có thân tròn dài, dẹt, vảy tròn, màu bạc. Cá đối được chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như cá đối nướng, cá đối chiên, cá đối kho dưa cải, cháo cá...

    Cá đối kho thơm

    Cá đối kho thơm

  21. Cá tráp
    Một loại cá biển nhìn hơi giống cá rô phi, thân đen, bụng trắng. Cá tráp thịt thơm, ngon, được chế biến thành nhiều món: nướng giấy bạc, hấp cải thìa, chiên giòn…

    Cá tráp

    Cá tráp

  22. Phù dung
    Còn gọi là mộc phù dung, địa phù dung, mộc liên, loại cây thân nhỡ có hoa, lá có năm cánh, hoa lớn, có hai loại là hoa đơn và hoa kép, hoa nở xòe to bằng cái bát, chất cánh xốp, trông như hoa giấy. Hoa thay đổi màu sắc từ sáng đến chiều (sáng trắng, trưa hồng, chiều đỏ).

    Hoa phù dung

    Hoa phù dung

  23. Phơi màu
    (Lúa, ngô) ở giai đoạn mới trổ, các bao phấn nhị đực mở ra.
  24. Đông liễu tây đào
    Cây liễu ở phía đông, cây đào ở phía tây. Cụm từ này thường dùng để chỉ đôi trai gái.
  25. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  26. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  27. Chết trẻ khỏe ma, chết già lú lẫn
    Già trẻ cũng đều chết, có chết trẻ cũng không nên tiếc. (Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn - Huình-Tịnh Paulus Của)
  28. Mất hút con mẹ hàng lươn
    Lươn trơn tuột, khó nắm bắt, từ đó mở rộng ra "con mẹ hàng lươn" (người đàn bà bán lươn) mà mất hút thì khó lòng tìm thấy. Chỉ những người (thường là lừa đảo) xong việc thì đi mất, không cách nào tìm lại được.
  29. Nẫu
    Người ta, họ (phương ngữ Bình Định-Phú Yên).
  30. Lai hoàn cựu đô
    Quay về kinh đô cũ.
  31. "Bát" từ Hán Việt nghĩa là tám.
  32. Cây rơm
    Sau mỗi vụ lúa, nhân dân ta thường phơi khô thân lúa thành rơm, đánh thành đống cao đặt ở trước hoặc sau nhà, gọi là cây rơm. Rơm khô có thể dùng làm chất đốt trong sinh hoạt hằng ngày, hoặc làm thức ăn, lót ấm cho gia súc trong mùa đông. Cây rơm càng to, cao thì vụ mùa càng bội thu.

    Cây rơm

    Cây rơm

  33. Nêu
    Cây tre cao đem trồng trước sân nhà mỗi dịp tết Nguyên Đán, trên ngọn có đeo một vòng tròn nhỏ và treo nhiều vật dụng có tính chất biểu tượng tùy theo địa phương, phong tục, dân tộc. Đọc thêm về sự tích cây nêu.

    Cây nêu

    Cây nêu

  34. Dải đất nền phía trước hoặc chung quanh nhà.
  35. Vừng
    Miền Trung và miền Nam gọi là mè, một loại cây nông nghiệp ngắn ngày, cho hạt. Hạt vừng là loại hạt có hàm lượng chất béo và chất đạm cao, dùng để ăn và ép lấy dầu.

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen