Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bánh phu thê
    Còn gọi là bánh xu xê, xu xuê, một loại bánh ngọt cổ truyền, thành phần chủ yếu là bột gạo, bột năng, đậu xanh, đường trắng, được gói trong hai lớp lá chuối và lá dừa, tùy nơi mà bánh có màu sắc và nhân khác nhau. Bánh tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng, thường được dùng trong các dịp cưới hỏi.

    "...Bánh xu xê. Cái tên kì khôi này ở đâu mà ra? Thứ bột vàng và trong như hổ phách ấy, dẻo và quánh dưới hàm răng, là một thứ bánh rất ngon. Dù sao, cũng là một thứ bột thẳng thắn, vì nó dễ cho ta đoán trước để mà thèm thuồng những cái ngon ngọt hơn ẩn náu bên trong. Qua cái màu vàng óng ánh ấy, màu trắng của sợi dừa và màu vàng nhạt của đậu thêm một sắc nóng ấm và thân mật. Tôi bao giờ cũng ưa thức ăn nào có một hình sắc đẹp đẽ, cái đẹp lúc trông ngắm giúp nhiều cho cái thưởng thức lúc ăn lắm." (Hà Nội băm sáu phố phường - Thạch Lam)

    Bánh phu thê

    Bánh phu thê

  2. Quốc thái dân an
    Đất nước thái bình, dân chúng an vui (thành ngữ Hán Việt).
  3. Có hai cách giải nghĩa cho câu này:

    1. Theo báo Nam Phong số 179 (12/1932): Tục thờ thần ở là Diêu-lương thuộc phủ Lâm-thao, cứ đến mồng 4 tháng giêng, rước thần ra nơi đàn ngoài đồng, để một quả cầu ở trước đàn, người già người trẻ đứng hai bên, rồi một ông già vào trong đàn la to lên rằng: Hai bên lại mà tranh lấy, bên nào được đem về bên ấy, tục gọi là "hội tranh quả cầu."

    2. Nhắc đến trò vật cù, tương truyền xưa kia tướng quân Phạm Ngũ Lão đã dùng để rèn luyện sức khỏe cho quân sĩ. Quả cù làm từ củ chuối hột, hình tròn, đường kính khoảng 30cm. Trọng tài cầm quả cù đặt ở hố giữa sân, phát hiệu lệnh, hai bên giành nhau cướp bỏ vào rổ của đối phương, bên nào cho vào rổ của bên kia nhiều hơn là thắng cuộc.

  4. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  5. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  6. Làng Keo
    Làng Keo vốn là tên Nôm của hương Giao Thủy, phủ Hà Thanh (nay thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định). Tại đây có ngôi chùa Keo do Không Lộ thiền sư xây dựng từ năm 1061 dưới thời Lý Thánh Tông. Năm 1611, sau một trận lụt lớn, làng và chùa cùng bị phá hủy, dân làng Keo phải rời bỏ quê hương: một nửa sang bên tả ngạn sông Hồng lập làng mới, một nửa dời xuống vùng Hành Thiện. Cả hai làng vẫn giữ tên Nôm của làng mình là làng Keo, đồng thời xây chùa Keo trên đất mới.
  7. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  8. Xà lan
    Cũng viết là sà lan, từ tiếng Pháp chaland, phương tiện vận tải đường thủy có đáy bằng, thường được dùng ở sông, kênh đào và bến cảng.

    Xà lan

    Xà lan

  9. Rượu tăm
    Loại rượu ngon, khi lắc thì sủi tăm lên.
  10. Đỗ quyên
    Có giả thuyết cho là chim cuốc. Theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì chim quyên là chim tu hú. Hình ảnh chim quyên trong ca dao dân ca thường tượng trưng cho những điều tốt đẹp.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  11. Bo bo
    Còn có tên là ý dĩ, một loại ngũ cốc thân cao, hay bị nhầm với lúa mạch, hạt có thể ăn như lương thực hoặc dùng làm thuốc. Trong chiến tranh Việt Nam (1955 - 1975) và cả thời bao cấp (1976 - 1986), dân ta phải ăn cơm độn với bo bo, khoai, sắn, mì...

    Bo bo, tên khoa học là Coix Lacryma-jobi.

    Bo bo

  12. Khung cửi
    Dụng cụ dệt vải truyền thống của nhiều dân tộc Việt Nam. Khung cửi có hình hộp chữ nhật có 4 cột trụ và các thanh nối ngang dọc tạo cho khung cửi có tính chất vững chắc. Khung cửi có nhiều bộ phận:

    1. Khung: làm bằng gỗ với 4 cột trụ to, chắc, có các thanh dọc, ngang nối với nhau.
    2. Trục: một thanh gỗ tròn ngang để cuốn vải, kéo cho mặt vải dệt có độ phẳng để dệt vải mịn.
    3. Phưm: giống như chiếc lược được làm hình chữ nhật, bên trong đan bằng nan tre vót nhỏ, đều nhau. Phưm có tác dụng chia đều các sợi vải dọc và dập chặt các sợi vải ngang để cho mặt vải mịn đều.
    4. Go: Bộ go gồm hai lá, mỗi lá go được làm bằng hai thanh tre nhỏ dài chừng 7 tấc. Go là bộ phận chính trong khung cửi.
    5. Bàn đạp: Hai thanh gỗ để đạp chân lên, buộc 2 sợi dây đính với go để điều chỉnh sợi lên xuống để đưa thoi vào dệt sợi ngang.
    6. Thanh ngáng sợi: Một thanh gỗ to bề ngang khoảng 10cm, để ngang giữa 2 làn sợi dọc cho cao lên để đưa thoi qua dễ dàng.

    Dệt bằng khung cửi

    Dệt bằng khung cửi

  13. Dầu dừa
    Dầu làm từ quả dừa, rất thơm, ngày xưa thường được phụ nữ bôi lên tóc để tóc bóng mượt.

    Dầu dừa

    Dầu dừa

  14. Ba Đình
    Vùng đất gồm ba làng Mậu Thịnh, Mỹ Khê và Thượng Thọ thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Có tên gọi như thế vì ở mỗi làng có một cái đình, ở làng này có thể trông thấy mái đình của hai làng kia. Nơi đây từng là căn cứ của cuộc khởi nghĩa do Đinh Công Tráng làm thủ lĩnh vào cuối thế kỉ 19. Ba Đình có địa thế phòng thủ rất tốt, chung quanh có lũy tre dày phủ kín, nằm giữa một cánh đồng bao la trũng nước, từ đây có thể khống chế được quốc lộ 1, nơi yết hầu của giặc Pháp từ Bắc vào Trung.

    Bia di tích căn cứ cuộc khởi nghĩa Ba Đình

    Bia di tích căn cứ cuộc khởi nghĩa Ba Đình

  15. Lũy Ba Đình, dinh ông Thượng
    So sánh sự đồ sộ của chiến lũy Ba Đình ở Nga Sơn với dinh thự của tổng đốc Thanh Hóa thời bấy giờ.
  16. Rồng lấy nước
    Còn gọi là vòi rồng, là hiện tượng một cột gió xoáy có đầu trên tiếp xúc với một đám mây, trong khi đầu dưới lại quét trên mặt đất. Sức gió rất nhanh và mạnh trong vòi rồng hút các vật từ mặt đất lên, đồng thời ngưng tụ hơi nước trong không khí thành những hạt nước nhỏ li ti, nên nhìn từ xa giống như có con rồng trên mây chúi đầu xuống hút nước. Tùy vào màu sắc của đám mây và ánh sáng, vòi rồng có thể có màu trắng, xám, hay đen.

    Vòi rồng

    Vòi rồng

  17. Khoai mài
    Một loại dây leo cho củ (gọi là củ mài, củ chụp hoặc củ hoài sơn). Củ mài ăn được và còn có tác dụng chữa bệnh.

    Củ mài

    Củ mài

  18. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  19. Thứ đỉnh nhỏ để đốt trầm, hương, thường làm bằng đồng.

    Lư hương và hai chân nến

    Lư hương và hai chân nến

  20. Kiến riện
    Loại kiến có màu nâu đen, kích thước nhỏ khoảng đầu kim. Kiến riện thường làm tổ gây hại trên các loại cây ăn quả.

    Kiến riện

    Kiến riện

  21. Thiên Hạt
    Tên dân gian là Thần Nông, còn gọi là chòm Bọ Cạp hoặc gọi tắt là sao Thần, một chòm sao lớn nằm ở bầu trời phía nam gần trung tâm của dải Ngân Hà. Nhà nông nước ta xưa kia xác định vụ lúa bằng cách quan sát biến đổi của chòm sao này.

    Chòm sao Thần Nông với đường nối tưởng tượng

    Chòm sao Thần Nông với đường nối tưởng tượng

  22. Cá trê
    Tên một họ cá da trơn nước ngọt phổ biến ở nước ta. Cá trê có hai râu dài, sống trong bùn, rất phàm ăn. Nhân dân ta thường đánh bắt cá trê để làm các món kho, chiên hoặc gỏi.

    Cá trê

    Cá trê

  23. Cá ngát
    Một loại cá sống ở biển và những vùng nước lợ, có da trơn, thân hình giống như con cá trê, đầu to có râu và hai chiếc ngạnh sắc nhọn hai bên, thân dài đuôi dẹt. Cá ngát khi đã trưởng thành thường to bằng cán dao đến cổ tay người lớn. Ngư dân đánh bắt cá ngát bằng cách giăng lưới hoặc câu nhưng hiệu quả nhất là giăng lưới ở những luồng nước đục, chảy nhẹ vì chỗ này thường có nhiều cá. Cá ngát có thể chế biến thành nhiều loại thức ăn, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ vẫn là món canh chua cá ngát.

    Canh chua cá ngát

    Canh chua cá ngát

  24. Trà Khúc
    Tên con sông lớn nhất chảy qua các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi thuộc tỉnh Quảng Ngãi và đổ ra cửa Đại Cổ Lũy. Sông Trà Khúc và núi Thiên Ấn là biểu tượng của tỉnh Quảng Ngãi, còn gọi là vùng đất núi Ấn sông Trà.

    Sông Trà Khúc

    Sông Trà Khúc

  25. Long Đầu
    Một ngọn núi nằm gần đường Thiên lý bắc nam xưa kia (sau là quốc lộ 1) ở bờ tả sông Trà Khúc, giữa thị trấn Sơn Tịnh và thành phố Quảng Ngãi ngày nay. Hình núi trải dài, đến giáp sông Trà Khúc thì nhô cao như đầu rồng, vì vậy có tên là Long Đầu. Đây là một trong mười hai cảnh đẹp của Quảng Ngãi (bao gồm: Thạch Ky điếu tẩu, Vu Sơn lộc trường, Vân Phong túc vũ, Liên Trì dục nguyệt, Hà Nhai vãn độ, Cổ Lũy cô thôn, Thạch Bích tà dương, La Hà thạch trận, An Hải sa bàn, Thiên Bút phê vân, Long Đầu hí thuỷ, và Thiên Ấn niêm hà).

    Long Đầu hí thuỷ

    Long Đầu hí thuỷ

  26. Chùa Thiên Ấn
    Tên ngôi chùa tọa lạc trên đỉnh núi Thiên Ấn, ngọn núi biểu tượng của tỉnh Quảng Ngãi. Chùa được khởi công xây dựng vào năm 1694 và hoàn thành vào cuối năm 1695.

    Chùa Thiên Ấn

    Chùa Thiên Ấn

  27. Kèo
    Thanh bằng tre hay gỗ từ nóc nhà xuôi xuống đỡ các tay đòn hay xà gỗ.

    Kèo

    Kèo

  28. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  29. Bán nguyệt
    Nửa hình tròn (bán nguyệt từ Hán Việt nghĩa là nửa mặt trăng).
  30. Câu này có sự chơi chữ giữa "nửa tháng," "bán nguyệt," và "cung trăng."
  31. Sông Lô
    Còn có tên là sông Mã (ít dùng, do dễ nhầm lẫn với sông Mã ở Thanh Hóa), một phụ lưu của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), chảy vào nước ta tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Điểm cuối sông là "ngã ba sông" Việt Trì, thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nơi sông Lô đổ vào sông Hồng. Sông Lô có hai phụ lưu lớn là sông Chảy và sông Gâm, ngoài ra còn có các phụ lưu nhỏ là sông Phó Đáy và sông Con.

    Sông Lô đoạn chảy qua Hà Giang

    Sông Lô đoạn chảy qua Hà Giang