Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Quýt giấy
    Một giống quýt vỏ màu đỏ tươi, mọng căng, mỏng vỏ nhiều nước, vị chua đậm đà.
  2. Hương Cần
    Một làng bên sông Bồ, thuộc xã Hương Toàn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên–Huế. Quýt Hương Cần là giống quýt quý hiếm nổi tiếng, sinh thời Nguyễn Du và Tùng Thiện Vương có làm thơ ca tụng.

    Quýt Hương Cần

    Quýt Hương Cần

  3. Mỹ Lợi
    Làng cổ thành lập từ thế kỉ 16, thuộc xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Làng nổi tiếng với nhiều sản vật như cau, khoai mài, tơ đủi, lụa, thao, nón lá, các loại hải sản nuôi đầm, v.v...

    Đình làng Mỹ Lợi

    Đình làng Mỹ Lợi

  4. Vải trạng
    Còn gọi là hắc lệ chi (vải đen), tương truyền do các sứ thần của ta đi Trung Quốc mang về. Đây là một giống vải quý hiếm, gốc to, tán rộng, trái có cơm dày, hột nhỏ và đen bóng, xưa được dùng để tiến vua.
  5. Cung Diên Thọ
    Một hệ thống kiến trúc cung điện có quy mô lớn nhất còn tồn tại trong Hoàng thành Huế, nơi ở của các Hoàng thái hậu hoặc Thái hoàng thái hậu triều Nguyễn. Cung được xây dựng từ năm 1804 và tu sửa qua nhiều đời vua, tên cũng thay đổi nhiều lần: Trường Thọ, Từ Thọ, Gia Thọ, Ninh Thọ, đến triều Khải Định mới mang tên Diên Thọ. Năm 1993, cung được công nhận là di sản văn hóa thế giới.

    Thọ Chỉ Môn thuộc quần thể cung Diên Thọ

    Thọ Chỉ Môn thuộc quần thể cung Diên Thọ

  6. Nhãn lồng
    Một loại nhãn đặc sản của Hưng Yên, ngon nổi tiếng, thuở xưa thường để tiến vua.

    Nhãn lồng Hưng Yên

    Nhãn lồng Hưng Yên

  7. Điện Phụng Tiên
    Một ngôi điện thờ cúng các vị vua và hoàng hậu nhà Nguyễn, nằm ở gần cửa Chương Đức, phía trước Cung Diên Thọ, cửa tây của Hoàng thành Huế. Điện trước làm bằng gỗ, tên Hoàng Nhân, nằm gần cửa Hiển Nhân, sau vua Minh Mạng cho dời về vị trí ngày nay và đổi tên thành Phụng Tiên. Điện đã bị phá hủy nhiều trong chiến tranh, hiện chỉ còn cửa tam quan và vòng tường thành còn tương đối nguyên vẹn.

    Cổng tam quan vào điện Phụng Tiên

    Cửa tam quan vào điện Phụng Tiên

  8. Thế Tổ Miếu
    Còn gọi là Thế Miếu, ngôi miếu thờ các vị vua triều Nguyễn, được xây dựng từ đầu thế kỉ XIX, nằm ở góc tây nam bên trong Hoàng thành Huế.

    Thế Miếu

    Thế Miếu

  9. Thanh trà
    Loài cây ăn trái thuộc họ Bưởi, quả có múi trong, hơi vàng, vị ngọt thanh, hương thơm đặc trưng, ăn nhiều không có hậu đắng trong cổ họng như một số loại bưởi khác. Thanh trà còn được trộn với khô mực làm món gỏi thanh trà. Thanh trà làng Nguyệt Biều (Huế) rất nổi tiếng, xưa được dùng để tiến vua.

    Quả thanh trà

    Quả thanh trà

  10. Nguyệt Biều, Lương Quán
    Tên hai làng nay được hợp nhất thành phường Thủy Biều thuộc thành phố Huế.

    Di tích trường đấu voi và hổ ở làng Nguyệt Biều

    Di tích trường đấu voi và hổ ở làng Nguyệt Biều

  11. Truồi
    Tên một vùng đất ở phía Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế, gồm nhiều làng mạc trải rộng hai bên bờ sông Truồi. Lịch sử xứ Truồi bắt đầu hình thành sau khi Chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa và đẩy nhanh việc mở mang xứ Đàng Trong về phía Nam. Tại đây có núi Truồi - một đỉnh núi thuộc dãy Bạch Mã, còn gọi là Động Truồi - và sông Truồi - con sông bắt nguồn từ dãy Bạch Mã và đổ ra biển ở cửa Tư Hiền. "Xứ Truồi" là một địa danh rất thân thuộc với người dân Thừa Thiên-Huế.

    Hồ Truồi

    Hồ Truồi

  12. Tịnh Tâm
    Tên một hồ nước trong kinh thành Huế, nguyên là vết tích của sông Kim Long, dưới thời vua Minh Mạng được cải tạo thành hồ hình chữ nhật làm chỗ tiêu dao, giải trí. Trên hồ có ba đảo Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Dưới thời vua Thiệu Trị hồ được coi là một trong 20 cảnh đẹp của đất Thần Kinh. Đây cũng là nơi hai chí sĩ Thái Phiên và Trần Cao Vân giả làm người câu cá bí mật gặp vua Duy Tân bàn kế hoạch cho phong trào Duy Tân chống Pháp.

    Hồ Tịnh Tâm

    Cảnh hồ Tịnh Tâm

  13. Thầy đồ
    Người dạy chữ Nho cho trẻ con ngày xưa.

    Thầy đồ, thầy đạc
    Dạy học, dạy hành
    Vài quyển sách nát
    Dăm thằng trẻ ranh

    (Tú Xương)

    Thầy đồ dạy học trò

    Thầy đồ dạy học trò

  14. Đồ
    Từ tục, chỉ bộ phận sinh dục của người phụ nữ.
  15. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  16. Khôn nhắp
    Không ngủ (được).
  17. Tưởng
    Nghĩ đến (từ Hán Việt).
  18. Xuất giá
    Lấy chồng (từ Hán Việt)
  19. Giả tỉ như
    Ví như, ví dụ như.
  20. Lựu
    Một loại cây ăn quả có hoa màu đỏ tươi, thường nở vào mùa hè. Quả khi chín có màu vàng hoặc đỏ, trong có rất nhiều hạt tròn mọng, sắc hồng trắng, vị ngọt thơm. Vỏ, thân, rễ lựu còn là những vị thuốc Đông y.

    Dưới trăng quyên đã gọi hè
    Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông

    (Truyện Kiều)

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Hoa lựu

    Hoa lựu

    Quả lựu

    Quả lựu

  21. Lọ là
    Chẳng lọ, chẳng cứ gì, chẳng cần, hà tất (từ cũ).

    Bấy lâu đáy bể mò kim,
    Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa?
    Ai ngờ lại họp một nhà,
    Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm!

    (Truyện Kiều)

  22. Trôn
    Mông, đít, đáy (thô tục).
  23. Chích chòe
    Tên chung của một số loài chim nhỏ, đuôi dài, ăn sâu bọ. Các loại chính chòe thường gặp là chích chòe than (lông màu đen, có đốm trắng), chích chòe lửa (có bụng màu gạch đỏ như lửa), chích chòe đất... Hiện nay chích chòe thường được nuôi làm cảnh.

    Chích chòe lửa

    Chích chòe lửa

  24. Lía
    Dân gian còn gọi là chàng Lía, chú Lía, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân chống ách thống trị của nhà Nguyễn vào thế kỉ 18 nổ ra tại Truông Mây, Bình Định. Có giả thuyết cho rằng ông tên thật là Võ Văn Doan, quê nội huyện Phù Ly (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định ngày nay), quê ngoại làng Phú Lạc, tổng Thời Hòa, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn). Lía tập hợp dân nghèo nổi dậy, chọn Truông Mây (Hoài Ân, Bình Định) làm căn cứ, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Tương truyền sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ông uất ức bỏ lên núi và tự sát.
  25. Anh hào
    Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.

    Đường đường một đấng anh hào,
    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

    (Truyện Kiều)

  26. Sơn hà
    Núi sông (từ Hán Việt). Từ cũ, nghĩa rộng dùng để chỉ đất nước.

    Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
    Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

    (Lý Thường Kiệt)

    Dịch thơ:

    Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Rành rành định phận tại sách trời
    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

  27. Chiêu binh mãi mã
    Chiêu mộ binh lính và mua ngựa chiến (để chuẩn bị cho chiến tranh). Hiểu rộng ra là tập hợp lực lượng, vây cánh.
  28. Dung
    Biết là việc xấu, sai nhưng vẫn để tồn tại.
  29. Lâu la
    Từ chữ Hán 嘍囉, chỉ quân lính, tay chân của giặc cướp.
  30. Trào đàng
    Triều đình (cách nói cũ của Trung và Nam Bộ).

    Trạng nguyên tâu trước trào đàng,
    Thái sư trữ dưỡng tôi gian trong nhà.

    (Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)

  31. Bá quan
    Từ chữ Hán Việt 百 (trăm), và quan 官 (quan lại), chỉ tất cả các quan lại trong triều đình. Cũng nói là bá quan văn võ.
  32. Ngự sử
    Tên chung của một số chức quan có nhiệm vụ giám sát từ cấp cao nhất (vua) đến các cấp quan lại.
  33. Lai do
    Nguyên do sự việc.
  34. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  35. Phú hào
    Những người giàu và có thế lực ở nông thôn thời phong kiến (từ Hán Việt).
  36. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  37. Ngờ (phương ngữ Nam Bộ).
  38. Binh nhung
    Binh 兵 (binh lính) và nhung 戎 (vũ khí, binh lính). Chỉ binh khí, quân đội, hoặc hiểu rộng ra là việc quân.
  39. Nam hoàng
    Vua nước Nam.
  40. Quản
    E ngại (từ cổ).
  41. Dao lá liễu
    Loại dao có luỡi mỏng như lá liễu, rất bén.
  42. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  43. Vạn
    Làng chài.
  44. Kiểng
    Cảnh (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Chữ "Cảnh" là tên của Nguyễn Phúc Cảnh (con cả của chúa Nguyễn Ánh), người được đưa sang Pháp làm con tin để đổi lấy sự giúp đỡ đánh nhà Tây Sơn, vì vậy được gọi trại ra thành "kiểng" để tránh phạm húy.
  45. Cần Đước
    Một địa danh nay thuộc tỉnh Long An, được sông Vàm Cỏ bao bọc. Nơi đây từ xưa đã nổi tiếng với giống lúa Nàng Thơm, nay được nhiều nơi trong cả nước trồng.
  46. Đồng Nai
    Tên gọi chung của toàn thể miền đồng bằng Nam Bộ, phổ biến vào thế kỉ 19 trở về trước, nay được giới hạn để chỉ một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Lịch sử của Đồng Nai gắn liền với lịch sử của vùng đất Nam Bộ, khi có làn sóng di dân từ Bắc vào Nam trong cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỉ 16. Hiện nay Đồng Nai là cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đồng thời là một trong ba mũi nhọn kinh tế miền Nam cùng với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

  47. Nước ròng
    Mực nước thấp nhất khi thủy triều xuống. Ngược lại với nước ròng là nước lớn, mực nước khi triều lên cao nhất.
  48. Tôm đất
    Giống tôm nhỏ, vỏ mỏng, thịt mềm, sống ở nước ngọt. Ở miền Nam nhiều nơi người nông dân còn gọi là con tép bạc. Tôm đất sống thành từng bầy nên thường được đánh bắt với số lượng lớn.

    Tôm đất nướng muối ớt

    Tôm đất nướng muối ớt

  49. Nhơn
    Nhân (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  50. Dầu cù là
    Cũng gọi là dầu cao, một loại cao bôi ngoài da dạng sệt có tác dụng làm nóng, chữa cảm cúm, đau bụng, côn trùng cắn... Dầu cù là thường được đóng trong các hộp nhỏ hình tròn bằng thủy tinh hoặc kim loại. Theo học giả An Chi, Cù Là là tên mà người xưa ở miền Tây Nam Bộ dùng để gọi nước Miến Điện. Trước đây có một loại dầu cao mang nhãn hiệu Mac Phsu, sản xuất tại Miến Điện, được ưa chuộng khắp Nam bộ, nên được gọi là dầu Cù Là. Sau này danh từ dầu cù là được dùng rộng rãi để chỉ tất cả các loại dầu cao.

    Dầu cù là

    Dầu cù là

  51. Dầu cù là Ông Tiên
    Một nhãn hiệu dầu cù là rất phổ biến ở miền Nam trước đây.
  52. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  53. Tơ vương
    Tơ bị dính vào nhau; thường được dùng trong văn chương để ví tình cảm yêu đương vương vấn, khó dứt bỏ.
  54. Sắc nước hương trời
    Chỉ người phụ nữ đẹp.
  55. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  56. Hát bội
    Một loại hình văn nghệ dân gian cổ truyền phổ biến trước đây. Đây là một loại hình mang nặng tính ước lệ. Các diễn viên hát bộ phân biệt từ mặt mũi, râu tóc, áo quần để rõ kẻ trung nịnh, người sang hèn, ai thô lậu, thanh tú, ai minh chánh, gian tà. Sắc đỏ được dùng dặm mặt để biểu hiện vai trung thần; màu xám là nịnh thần; màu đen là kẻ chân thật; màu lục là hồn ma... Dàn nhạc dùng trong hát bội gồm có những nhạc cụ như: trống chiến, đồng la, kèn, đờn cò và có khi ống sáo. Nội dung các vở hát bội thường là các điển tích Trung Hoa.

    Về tên gọi, "bộ" đây có nghĩa là diễn xuất của nghệ sĩ đều phải phân đúng từng bộ diễn, nên gọi là "hát bộ", "diễn bộ", "ra bộ.. Gọi là “hát bội” là vì trong nghệ thuật hóa trang, đào kép phải đeo, phải giắt (bội) những cờ phướng, lông công, lông trĩ… lên người. Còn "tuồng" là do chữ "Liên Trường" (kéo dài liên tiếp thành một vở tuồng tích có khởi đầu truyện, có hồi kết cuộc, phân biệt với các ca diễn từng bài ngắn, từng trích đoạn), do ngôn ngữ địa phương mà thành "luông tuồng," "luôn tuồng..."

    Một cảnh hát bội

    Một cảnh hát bội

    Xem vở hát bội Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ.

  57. Đào, kép
    Vai diễn trong một vở tuồng, chèo, cải lương... Đào là vai nữ, kép là vai nam. Cô dâu, chú rể trong đám cưới đôi khi cũng gọi là đào kép.

    Thanh Nga, nữ nghệ sĩ cải lương nổi tiếng của Nam Việt Nam vào những năm 70 của thế kỉ 20

    Thanh Nga, nữ nghệ sĩ cải lương nổi tiếng của Nam Việt Nam vào những năm 70 của thế kỉ 20

  58. Khứa
    Cứa (phương ngữ). Khi dùng như đại từ, "khứa" có nghĩa là một khúc được cứa (cắt) ra, thường dùng cho cá.

    Một khứa cá

    Một khứa cá

  59. Cá buôi
    Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của giảng: Cá buôi là "thứ cá sông tròn mình, nhỏ con mà có nhiều mỡ." Đó là một loại cá có tập tính sống thành bầy đàn. Khi đàn cá trưởng thành, chúng tách ra sống thành từng cặp. Và người đi bắt cá buôi thường bắt một lần được cả cặp, do con cá đi cùng cứ lẩn quẩn bên người bạn tình vừa bị bắt. Cá buôi có đặc điểm là chỉ ăn bọt nước và phiêu sinh vật nhỏ trong nước phù sa nên ruột rất sạch. Người ta chỉ có thể đánh bắt, chứ không câu được.
  60. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  61. Mù u
    Một loại cây gỗ lớn khá quen thuộc ở Trung và Nam Bộ. Cây mù u cùng họ với cây măng cụt, lớn chậm, gỗ cứng, thường mọc dọc bờ sông rạch, quả tròn, vỏ mỏng, hạt rất cứng có thể dùng để ép lấy dầu. Dầu mù u có nhiều dược tính và được dùng làm nhiều loại thuốc, ví dụ như thuốc trị bòng và chăm sóc da. Xưa kia, người dân Nam Bộ thường dùng dầu mù u như một nhiên liệu tự nhiên sẵn có và rẻ tiền để thắp đèn. Cây mù u còn cho gỗ tốt, thường được dùng để đóng ghe thuyền.

    Trái mù u

    Trái mù u

    Hoa mù u

    Hoa mù u