Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Dẽ giun
    Tên chung của một số loài chim lội nước có mỏ dài, thẳng, có màu lông xam xám, pha lẫn chút lấm tấm trắng mốc ở ngực và hai bên cánh. Ở một số địa phương, chim dẽ giun cũng được gọi là con choi choi hoặc con thọc trùn.

    Dẽ giun

    Dẽ giun

  2. Đùa
    Lùa mạnh qua (gió đùa, nước đùa, lấy tay đùa...)
  3. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  4. Gá duyên
    Kết thành nghĩa vợ chồng.
  5. Vĩnh Trường
    Địa danh xưa là một xã thuộc huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.
  6. Bánh cuốn
    Loại bánh làm từ bột gạo hấp tráng mỏng, ăn khi còn ướt, bên trong cuốn nhân (bánh không có nhân ở miền Nam gọi là bánh ướt). Bánh thường ăn với một loại nước chấm pha nhạt từ nước mắm và nếu là bánh cuốn truyền thống thì không thể thiếu tinh dầu cà cuống pha trong nước chấm, khi ăn thường kèm thêm giò, chả lụa, hay chả quế. Bánh cuốn Thanh Trì có lẽ là nổi tiếng nhất, không chỉ ở Hà Nội mà còn trên cả nước.

    Bánh cuốn Thanh Trì

    Bánh cuốn Thanh Trì

  7. Làng Kênh
    Một làng nay là đường Bái, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định . Làng có nghề truyền thống là làm bánh cuốn. Bánh cuốn làng Kênh ngon nổi tiếng, xưa dùng để tiến vua, ngày nay vẫn là đặc sản của Nam Định.

    Bánh cuốn làng Kênh

    Bánh cuốn làng Kênh

    Xem thêm: Bánh cuốn làng Kênh: Tinh hoa ẩm thực thành Nam.

  8. Tức Mặc
    Tên một làng xưa thuộc tổng Đông Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, nay thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định. Đây là nơi phát tích nhà Trần trong lịch sử Việt Nam, hiện nay vẫn còn các di tích từ thời nhà Trần như đền Trần và chùa Phổ Minh. Hằng năm, làng Tức Mặc tổ chức hội đền Trần từ ngày 15 đến 20 tháng 8 âm lịch.

    Đền Trần, thờ thủy tổ và 14 đời vua triều Trần.

    Đền Trần, thờ thủy tổ và 14 đời vua triều Trần.

  9. Thượng Lỗi
    Địa danh xưa thuộc huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, nay thuộc địa phận phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định.
  10. Thương
    Còn gọi là Ân, hay Ân Thương, một triều đại trong lịch sử Trung Quốc (khoảng 1766-1122 trước Công nguyên), cai trị cả một vùng đồng bằng rộng lớn phía Bắc Trung Quốc thời bấy giờ. Vua thứ 30 của nhà Thương là Trụ Vương khét tiếng tàn bạo, bị bộ tộc Chu nổi dậy giết chết, lập nên nhà Chu. Nhà Chu không tận diệt hậu duệ nhà Thương, thậm chí còn phong đất nhưng nhà Thương từ đó tự suy dần và diệt vong.
  11. Ngũ nhung
    Năm món đồ binh khí thời xưa: cung, nỏ, giáo, mác, kích.
  12. Xâm cương
    Xâm lấn biên cương, bờ cõi.
  13. Vũ Ninh
    Tên một ngọn núi ở tỉnh Bắc Ninh, theo sự tích là quê của Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương). Thánh Gióng là một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam (tứ bất tử), là người có công dẹp giặc Ân đem lại thái bình cho đất nước. Truyền thuyết kể rằng: Ông sinh ra thời vua Hùng thứ 6 tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, do mẹ ông ướm chân vào một vết chân lớn trên đất về mang thai. Tuy lên ba nhưng Gióng không biết nói cười, đi đứng. Đến khi giặc Ân kéo đến bờ cõi, Gióng bỗng dưng cất tiếng gọi mẹ nhờ mời sứ giả của vua vào, đưa yêu sách đòi áo giáp, roi và ngựa sắt để đánh giặc. Chỉ trong mấy hôm, Gióng vươn vai thành một tráng sĩ cao lớn, cưỡi ngựa sắt vua ban đánh giặc Ân tan tác. Đuổi đám tàn quân đến chân núi Sóc (Sóc Sơn), Gióng cởi áo giáp, thả dao, cùng ngựa bay về trời.
  14. Phù Đổng
    Tên một ngôi làng theo truyền thuyết là quê hương của Thánh Gióng, nay thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
  15. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  16. Lúc thì không có (lồn ra), lúc thì quá nhiều, thừa mứa (ba váy), hoặc lúc thì cẩu thả, lúc thì quá cẩn thận.
  17. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ

  18. Phú Nhi
    Địa danh nay thuộc địa phận phường Phú Thịnh, Sơn Tây, Hà Nội. Tại đây có nghề làm bánh tẻ truyền thống rất nổi tiếng.

    Làm bánh tẻ ở Phú Nhi

  19. Đại Đồng
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội. Tại đây có nghề làm bánh đúc truyền thống nổi tiếng.
  20. Hòn Kẽm Đá Dừng
    Một nơi phong cảnh sơn thủy hữu tình nằm ở thượng nguồn sông Thu Bồn, trước đây thuộc về hai xã Quế Phước và Quế Lâm, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam; nay là ranh giới huyện Quế Sơn và Hiệp Đức. Có ý kiến cho rằng chỉ có tên ngọn núi là Hòn Kẽm, còn "đá dừng" là để mô tả vách đá dựng đứng, hiểm trở của ngọn núi này.

    Hòn Kẽm, Đá Dừng

    Hòn Kẽm, Đá Dừng

  21. Yên Tử
    Tên một ngọn núi thuộc xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Đây chính là nơi vua Trần Nhân Tông đến tu hành và lập nên dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ để truyền kinh, giảng đạo. Nhờ vậy, Yên Tử được mệnh danh là "đất tổ Phật giáo Việt Nam." Hằng năm tại đây tổ chức lễ hội Yên Tử từ ngày 10 tháng giêng và kéo dài hết tháng 3 âm lịch.

    Khách thập phương leo núi Yên Tử

    Khách thập phương leo núi Yên Tử

  22. Kim Tiên
    Tên một ngôi chùa cổ, tọa lạc trên núi Bình An, xưa thuộc ấp Bình An, huyện Hương Thủy, nay thuộc phường Trường An, thành phố Huế.

    Chùa Kim Tiên

    Chùa Kim Tiên

  23. Sớ lỡ
    Lỡ, lầm (phương ngữ Bình Định - Phú Yên).
  24. Rủng rải
    Thủng thỉnh, thủng thẳng (phương ngữ Bình Định - Phú Yên).
  25. Vô thủ, vô vĩ, vô nhĩ, vô tâm
    Không đầu, không đuôi, không tai, không tim.
  26. Sơn lâm
    Núi rừng (từ Hán Việt). Cũng nói san lâm hoặc lâm san.
  27. Tuy Phước
    Tên một huyện lị của tỉnh Bình Định, ngày xưa là thôn Vinh Thạnh. Tuy Phước nổi tiếng với đặc sản là nem chợ Huyện, đồng thời là quê hương của danh nhân văn hóa, nhà soạn tuồng hát bội Đào Tấn và nhà thơ Xuân Diệu.

    Nem chợ Huyện

    Nem chợ Huyện

  28. Tháp Hưng Thạnh
    Tên một khu tháp của Chăm Pa, gồm hai tháp là tháp phía bắc và tháp phía nam cạnh nhau (nên gọi là tháp Đôi), hiện nằm ở phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

    Tháp Hưng Thạnh (tháp Đôi)

    Tháp Hưng Thạnh (tháp Đôi)

  29. Cần Giờ
    Một địa danh nằm ở vùng Đông Nam Bộ, nay là một huyện ven biển thuộc thành phố Hồ Chí Minh (thường được xem là một huyện đảo vì địa thế gần như tách biệt với đất liền, bao quanh bởi sông và biển). Cần Giờ nổi tiếng với khu rừng ngập mặn (rừng Sác), một địa điểm du lịch sinh thái, và biển Cần Giờ, nguồn cung cấp hải sản phong phú.

    Tài nguyên rừng ngập mặn Cần Giờ

    Tài nguyên rừng ngập mặn Cần Giờ

    Cào nghêu tại biển Cần Giờ

    Cào nghêu tại biển Cần Giờ

  30. Hải đăng Cần Giờ
    Còn được người dân địa phương gọi là hải đăng Bóng Trắng, cách bờ biển Vũng Tàu chừng 13km. Ngọn hải đăng này được người Pháp xây dựng nhằm giúp tàu bè tránh khỏi các bãi cạn mà đi vào sông Sài Gòn dễ dàng. Tới đầu những năm 1990 ngọn đèn biển này bị phá bỏ, đến năm 2005 thì được xây lại bằng bêtông cốt thép vững chắc. Ngọn đèn biển đã được nhà văn Bình Nguyên Lộc chọn làm khung cảnh cho truyện ngắn Đèn Cần Giờ.

    Hải đăng Cần Giờ

    Hải đăng Cần Giờ

  31. Rau má
    Một loại cây thân thảo ngắn ngày, thường được trồng để ăn tươi hoăc sắc lấy nước uống. Nước rau má có tác dụng giải độc, hạ huyết áp, làm mát cơ thể. Lá rau má hình thận, nhỏ bằng đồng xu.

    Rau má

  32. Rạm
    Loài cua nhỏ thân dẹp có nhiều lông, sống ở vùng nước lợ. Rạm giàu chất bổ dưỡng, được chế biến thành nhiều món ăn quen thuộc như: rạm rang lá lốt, rạm nướng muối ớt, canh rạm rau đay, canh rạm rau dền mồng tơi...

    Con rạm

    Con rạm