Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Chèo lan
    Mái chèo làm từ gỗ cây lan (mộc lan, một loại gỗ quý, có mùi thơm), nhiều người cũng gọi là "chèo loan".
  2. Gan vàng dạ sắt
    Cụm từ thường được dùng để chỉ tấm lòng chung thủy, chân thành.
  3. Tấn dị thối nan
    Tiến thì dễ, lùi thì khó (chữ Hán).
  4. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  5. Kiến vàng
    Loài kiến nhỏ, màu vàng, đốt đau, làm tổ trên cây. Ở Tây Nguyên người ta dùng kiến vàng làm muối chấm với thịt nướng rất ngon.

    Kiến vàng

    Kiến vàng

  6. Hun
    Hôn (khẩu ngữ Trung và Nam Bộ).
  7. Kiến hôi
    Loài kiến màu nâu hoặc đen, làm tổ dưới đất hoặc trên các cây ăn quả, thức ăn là các chất đường, mật. Kiến hôi có tên gọi như vậy do có một mùi hôi rất đặc trưng.

    Kiến hôi

  8. Có bản chép: Bò ngang quai nón đá rơi.
  9. Nhất Xe sát vạn
    Một con Xe có thể giết được vạn binh mã. Chỉ sức mạnh của quân Xe trong cờ tướng.
  10. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  11. Gòn
    Còn gọi là cây bông gòn, một loại cây to, vỏ màu xanh tươi, lá kép hình chân vịt, cho quả hình thoi chứa nhiều sợi bông. Khi quả chín khô và nứt ra, từng túm bông sẽ phát tán theo gió, mang theo những hạt màu đen, giúp cây nhân giống. Bông trong quả gòn được dùng để nhồi nệm, gối và làm bấc đèn.

    Cây và quả gòn

    Cây và quả gòn

  12. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  13. Đường Sau
    Tên một xóm ở làng Dương Lôi, nay thuộc phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đây được xem là nơi hạ sinh Lý Thái Tổ, vị vua mở đầu triều Lý.
  14. Chùa Dận
    Tên chữ là Ứng Tâm, một ngôi chùa cổ nay thuộc địa phận phố chùa Dận, đường Trần Phú, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Chùa có từ thế kỉ 8, từng là nơi tu hành của các thiền sư có tiếng trong lịch sử là Định Không, Vạn Hạnh, Lý Khánh Vân. Theo truyền thuyết, bà Phạm Thị Ngà đau đẻ Lý Công Uẩn tại ngôi chùa này, vì vậy chùa được dân gian gọi là chùa Rặn, rồi dần gọi chệch thành chùa Dận.

    Mặt tiền điện tam bảo chùa Dận

    Mặt tiền điện tam bảo chùa Dận

  15. Nở Đường Sau, đau chùa Dận
    Tương truyền bà Phạm Thị Ngà, mẫu thân vua Lý Thái Tổ, ngụ tại xóm Đường Sau, nhà nghèo, cha mẹ mất sớm, lúc đầu bán hàng nước, sau làm thủ hộ ở chùa Dận. Đến ngày sinh nở, bà vẫn ở chùa Dận, đau mãi không đẻ được bèn trở về nhà. Đến cánh đồng Đường Sau thì bà sinh.
  16. Xáu láu xua lua
    Láu táu, lanh chanh (phương ngữ Phú Yên).
  17. Cồng
    Nhạc cụ dân tộc thuộc bộ gõ, được làm bằng đồng thau, hình tròn như chiếc nón quai thao, đường kính khoảng từ 20 cm đến 60 cm, ở giữa có hoặc không có núm. Người ta dùng dùi gỗ có quấn vải mềm (hoặc dùng tay) để đánh cồng, chiêng. Cồng, chiêng càng to thì tiếng càng trầm, càng nhỏ thì tiếng càng cao. Nhân dân ta thường đánh cồng chiêng trong các dịp lễ hội, hoặc khi ra trận để cổ vũ tinh thần quân sĩ.

    Cồng chiêng

    Cồng chiêng

  18. Bài chòi
    Một loại hình trò chơi dân gian và nghệ thuật độc đáo ở miền Trung, được tổ chức hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán. Người ta dựng 9-11 chòi trên một bãi đất trống. Bộ bài để đánh bài chòi gồm 33 lá, với những cái tên nôm na như: Nhứt Nọc, Nhì Nghèo, Ông Ầm, Sáu Ghe, Bảy Liễu... vẽ trên giấy, dán vào thẻ tre. Vào cuộc chơi, anh hiệu (tức người hô thai) xóc ống bài, rút ra một con và xướng tên con bài lên. Để gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, anh hiệu hô lên một câu thai hoặc một câu ca dao có tên con bài. Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó “tới.”

    Một buổi hát bài chòi

    Một buổi hát bài chòi

    Xem hát bài chòi ở Hội An.

  19. Bài tới
    Một trò chơi bài rất phổ biến ở miền Trung ngày trước. Bộ bài 60 con chia làm ba pho, được chia cho hai phe, mỗi phe ba người, mỗi người lấy sáu con bài, xây bài trên tay. Người chọn đi bài, trước tiên rút một con bài bỏ ra, lệ cấm dùng các con bài có dấu triện đỏ (Ông ầm, Thái tử, Đỏ mỏ). Những tay bài khác, nếu có con bài giống con bài chợ (bài vừa được đánh ra) thì rút con ấy ra bắt và đi một con bài khác. Các tay bài khác lại tiếp tục bắt và đi cho đến khi có một tay bài tới là hết một ván bài. Tới bài tức là khi trên tay chỉ còn hai lá bài và lúc đó, người đi bài đã đi đúng tên một trong hai con bài mà mình đang chờ để tới.

    Bài chòi cũng dùng bộ bài này, nhưng chỉ chơi vào ngày Tết và không có tính ăn thua đỏ đen như bài tới.

  20. Dề
    Phương ngữ Trung Bộ, chỉ những thứ kết lại với nhau thành mảng lớn (một dề lục bình, một dề rác rến...)
  21. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  22. Dừng
    Thanh bằng tre nứa cài ngang dọc để trát vách.

    Vách đất trát lên tấm dừng

    Đất trát lên tấm dừng làm vách nhà

  23. Trợt
    Trượt (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  24. Mai Hồ
    Tên một làng nay thuộc thị trấn Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Trong làng có bàu Mai, tên Hán Việt cũng là Mai Hồ.

    Bàu Mai

    Bàu Mai

  25. Cổ Đạm
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là vùng đất nổi tiếng về truyền thống lịch sử và văn hoá với “nôi” ca trù Cổ Đạm, nghề làm gốm cổ truyền (nồi đất Cổ Đạm) và nhiều di tích lịch sử - văn hoá như Đình Hoa Vân Hải, đền Phan Tôn Chu, Đền Nguyễn Xí, Đền Cửa Bà, Chùa Bến, Đền Tống...

    Làm gốm ở Cổ Đạm

    Làm gốm ở Cổ Đạm

  26. Láng Ngạn
    Địa danh nay là xã Đức La, Đức Thọ, Hà Tĩnh, có truyền thống làm mắm cáy lâu đời.
  27. Bầy tui
    Chúng tôi, bọn tôi (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  28. Nạm
    Nắm, nhúm (nạm tóc, nạm gạo...).
  29. Cáy hôi
    Một giống cáy chân có lông, được xem là nguyên liệu làm mắm cáy ngon nhất.
  30. Mắm cáy
    Mắm làm từ con cáy, loại cua nhỏ, sống ở nước lợ, chân có lông. Mắm cáy được xem là mắm bình dân, thuộc hạng xoàng trong các loại mắm ở vùng biển, thường chỉ dùng để ăn với rau muống, dưa, cà.

    Con cáy

    Con cáy

  31. Mắm ruốc
    Mắm làm từ con ruốc, rất nặng mùi. Đây là một loại nước chấm đặc trưng của nước ta, cùng với mắm tômmắm nêm. Mắm ruốc còn là nguyên liệu chính trong nhiều món rau và thịt xào.

    Mắm ruốc

    Mắm ruốc

  32. Chợ Vĩnh Long
    Chợ trung tâm tỉnh Vĩnh Long hiện nay, thuộc hàng lớn nhất các tỉnh miền Tây, từ xưa đã có tiếng là tấp nập. Hiện nay chợ Vĩnh Long là đầu mối nhiều mặt hàng nông sản, nhất là trái cây.

    Chợ Vĩnh Long hiện nay

    Chợ Vĩnh Long hiện nay

  33. Đồng Tháp
    Một tỉnh nằm ở miền Tây Nam Bộ, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng Tháp nằm ở cửa ngõ của sông Tiền, có đường biên giới giáp với Campuchia, nổi tiếng với những đầm sen, bàu sen... Ngó và hạt sen là những đặc sản của vùng này.

    Đầm sen Đồng Tháp

    Đầm sen Đồng Tháp

  34. Mống
    Dại dột (từ cổ).
  35. Tiền Giang
    Tên một nhánh của sông Cửu Long, gồm có bốn nhánh nhỏ hơn đổ ra biển Đông qua sáu cửa là Tiểu, Đại, Ba La, Hàm Luông, Cổ Chiên và Cung Hầu. Trên lãnh thổ Việt Nam, Tiền Giang chảy qua các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre và Trà Vinh.

    Cầu Mỹ Thuận bắc ngang sông Tiền ở tỉnh Vĩnh Long

    Cầu Mỹ Thuận bắc ngang sông Tiền ở tỉnh Vĩnh Long

  36. Hậu Giang
    Tên một nhánh của sông Cửu Long, đổ ra biển Đông qua cửa Tranh Đề và cửa Định An. Trên lãnh thổ Việt Nam, sông Hậu chạy qua tỉnh An Giang, làm ranh giới tự nhiên giữa các tỉnh Đồng Tháp và Cần Thơ, Vĩnh Long và Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long, Trà Vinh và Sóc Trăng.

    Bình minh trên sông Hậu (khúc chảy qua Châu Đốc)

    Bình minh trên sông Hậu (khúc chảy qua Châu Đốc)

  37. An Tân
    Một địa danh xưa, tục gọi Bến Ván, nay thuộc thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
  38. Cuốc
    Nông cụ gồm một bản sắt bén (gọi là lưỡi cuốc) gắn vào ống tre cật để cầm (gọi là cán cuốc), dùng để đào xới đất. Động tác đào xới đất bằng cuốc cũng gọi là cuốc đất.

    Cuốc đất

    Cuốc đất

  39. Mạ
    Cây lúa non. Sau khi ngâm ủ thóc giống, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.

    Bó mạ

    Bó mạ

    Cấy lúa

    Cấy lúa

  40. Thầy mẹ
    Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).

    Con đi mười mấy năm trời,
    Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
    Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
    Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
    Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
    Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)