Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cà Mau
    Tỉnh ven biển ở cực Nam nước ta, nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cà Mau là một vùng đất trẻ, mới được khai phá khoảng trên 300 năm. Tên gọi Cà Mau có gốc từ tiếng Khmer “Tưk Kha-mau” có nghĩa là nước đen - màu nước đặc trưng ở đây là màu đen do lá tràm của thảm rừng tràm U Minh rụng xuống. Cà Mau là xứ đầm lầy ngập nước, có nhiều bụi lác mọc tự nhiên và hoang dã, hệ thống sông ngòi chằng chịt, và có nguồn dự trữ sinh thái phong phú.

    Phong cảnh Cà Mau

    Phong cảnh Cà Mau

  2. Tùa
    Lớn (cách phát âm chữ 大 đại của người Triều Châu).
  3. Nem
    Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...

    Nem chua

    Nem chua

  4. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  5. Dễ ngươi
    Khinh nhờn, không xem ra gì.
  6. Khó
    Nghèo.
  7. Trúc Ổ
    Một làng nay thuộc xã Mộ Đạo, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Làng có truyền thống "nói tức," nghĩa là cố tình nói khoác cho người nghe bực mình.
  8. Ngày 20/8 âm lịch là giỗ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, còn ngày 3/3 âm lịch là giỗ Thánh mẫu Liễu Hạnh.
  9. Thầy mẹ
    Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).

    Con đi mười mấy năm trời,
    Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
    Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
    Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
    Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
    Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  10. Vong
    Quên (từ Hán Việt).
  11. Hòn Lớn
    Tên chữ là Đại Dự, một hòn đảo lớn nằm trong vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Phía sau đảo này rất kín gió, nên là nơi che chắn giông bão, tàu thuyền cho người đi biển.
  12. Đậu
    Chắp hai hay nhiều sợi với nhau. Vải (lụa) đậu ba, đậu tư là loại vải tốt, dệt dày.
  13. Áo cổ giữa
    Cũng gọi là áo cổ trịt (cổ trệt), một loại áo ngắn của người bình dân, gài nút trước ngực, không bâu, nếu là áo nam thường có xẻ nách, còn áo nữ thì bít kín.
  14. Hữu thủ vô túc
    Có tay không chân.
  15. Đó
    Dụng cụ đan bằng tre hoặc mây, dùng để bắt tôm cá.

    Cái đó

    Cái đó

  16. Đơm
    Đánh bắt cá bằng các dụng cụ bắt cá như đơm, đó, lờ.
  17. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  18. Hội đền Hàn Sơn
    Một lễ hội được tổ chức suốt tháng 6 âm lịch hàng năm tại xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa , nhằm tưởng nhớ tới những người có công khai mở vùng đất Hà Trung, các anh hùng dân tộc và Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Hội còn có tên là hội Gai, vì diễn ra đúng vào mùa thu hoạch dứa trong vùng.
  19. Hội đền Phố Cát
    Còn gọi là hội Mía, một lễ hội được tổ chức hằng năm tại Kim Tân (nay thuộc thị trấn Thạch Thành, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa). Tương truyền mùa xuân năm 1789, khi chiêu mộ quân sĩ, voi chiến, ngựa chiến ở vùng Tam Điệp - Biện Sơn, Quang Trung đã cùng các tướng sĩ và voi chiến, ngựa chiến thỏa thích ăn mía Kim Tân. Đại phá 29 quân Mãn Thanh thành công, các tướng sĩ đều gọi mía Kim Tân là mía Thuốc, mía Thần. Khi trở lại Thanh Hóa, vua đã có chiếu dụ tổ chức hội Mía.
  20. Vàng mười
    Vàng nguyên chất.
  21. Đồng thau
    Hợp kim của đồng và kẽm. Đồng thau có màu khá giống màu của vàng, nên khi xưa thường được dùng để đúc đồ trang trí hay làm tiền xu. Tuy nhiên, khi hơ lửa đồng thau sẽ bị xỉn màu (do bị oxy hóa) còn vàng thì không.

    Vòng tay làm bằng đồng thau

    Vòng tay làm bằng đồng thau

  22. Chả
    Món ăn làm từ thịt, cá hay tôm băm hoặc giã nhỏ, ướp gia vị, rồi rán hoặc nướng, dùng để ăn kèm cơm hay bún, bánh cuốn, bánh phở. Ở miền Bắc, món này được gọi là chả.

    Chả quế

    Chả quế

  23. Vân vi
    Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
  24. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  25. Duyên túc đế
    Duyên do trời định sẵn từ trước. Do câu: Lương duyên do túc đế, giai ngẫu tự thiên thành (Duyên lành do có cội gốc trước, chuyện đôi lứa là do trời định nên).
  26. Cỏ đế
    Loại cỏ thân cao (có thể cao đến 3m), lớn bằng ngón tay út, có đốt. Cỏ đế thường mọc thành bụi rậm hoặc thành trảng ở miền Trung.
  27. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  28. Dùi đục
    Còn gọi là đục, dụng cụ gồm một thanh thép có chuôi cầm, đầu có lưỡi sắc, dùng để tạo những chỗ lõm hoặc những lỗ trên các vật rắn như gỗ, đá, kim loại.

    Sử dụng dùi đục

    Sử dụng dùi đục

  29. Hết đời Trịnh Sâm, các con ông là Trịnh Khải và Trịnh Cán vì tranh quyền đã gây rối loạn ở kinh thành. Chữ tông trong bài ca dao này ám chỉ tước hiệu của chúa Trịnh Cán (Tông Đô Vương). Đục long cán gãy là nghiệp chúa của Trịnh Cán không tồn tại bao lâu nữa.
  30. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.