Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Pheo
    Tre (phương ngữ Trung Bộ).
  2. Vông đồng
    Loài cây tỏa cành rộng, tạo nhiều bóng mát, thân có nhiều gai, cành xốp dễ gãy đổ khi gặp gió lớn. Hoa màu đỏ, hoa đực mọc thành chùm dài, hoa cái mọc đơn độc tại các nách lá. Quả vông đồng thuộc dạng quả nang, khi khô sẽ nứt ra thành nhiều mảnh, tạo ra tiếng nổ lách tách.

    Cây vông đồng

    Cây vông đồng

    Hoa, lá, và quả vông đồng

    Hoa, lá, và quả vông đồng

  3. Đồng đen
    Hợp kim đồng và thiếc, màu đen bóng, thường dùng để đúc tượng.
  4. Hoa sói
    Còn gọi là hoa hòe hay hoa trân châu, một loại cây cho hoa màu trắng đục, rất thơm, thường được dùng để ướp trà. Bốn loài hoa được dùng ướp trà hương là hoa sen (có nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười), hoa lài (vùng Phú Thọ Hòa, Gò Vấp), hoa ngâu (Bình Định) và hoa sói (Bảo Lộc, Lâm Đồng).

    Hoa sói

    Hoa sói

  5. Hồ Tây
    Còn có các tên gọi khác như đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ, là hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội, có diện tích hơn 500 ha với chu vi là 18 km. Hồ là một đoạn của sông Hồng ngày trước. Từ xa xưa, hồ Tây đã là một thắng cảnh nổi tiếng, nhiều lần được đưa vào văn chương nghệ thuật.

    Hồ Tây buổi chiều

    Hồ Tây buổi chiều

  6. Von
    Một loại bệnh ở lúa. Cây lúa cao vọt, mảnh khảnh, chuyển dần sang màu xanh nhạt rồi vàng gạch cua, cứng giòn và chết nhanh chóng.
  7. Quốc kì
    Cờ quốc gia, cờ nước (từ Hán Việt)
  8. Mê Linh
    Nơi đóng đô của Trưng Nữ Vương sau khi đánh thắng quân Hán và xưng vương, lập nước. Hiện nay Mê Linh là tên một huyện nằm ở phía Bắc thành phố Hà Nội, giáp sân bay quốc tế Nội Bài.

    Đô kì đóng cõi Mê Linh
    Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta

    (Đại Nam quốc sử diễn ca)

  9. Tô Định
    Viên quan nhà Hán được cử sang Giao Chỉ (tên gọi nước ta lúc bấy giờ) làm Thái thú trong thế kỷ thứ 1. Không khuất phục trước âm mưu nô thuộc của nhà Hán, năm 40, Hai Bà Trưng kêu gọi thủ lĩnh các vùng lân cận tập hợp lực lượng, dựng cờ khởi nghĩa. Khởi nghĩa nổ ra, Tô Định bỏ chạy về phương Bắc. Trưng Trắc lập nước, xưng vương.

    Hai Bà Trưng đánh đuổi Tô Định (tranh Đông Hồ)

    Hai Bà Trưng đánh đuổi Tô Định (tranh Đông Hồ)

  10. Hai Bà Trưng
    Hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị, hai nữ tướng của Giao Chỉ (Việt Nam ta lúc bấy giờ) đã nổi cờ khởi nghĩa vào năm 40 sau Công nguyên để chống lại sự nô thuộc của nhà Đông Hán. Khởi nghĩa thắng lợi, Thái thú Giao Chỉ người Hán là Tô Định bỏ chạy về phương Bắc, Trưng Trắc xưng vương, lấy hiệu là Trưng Nữ Vương, chọn kinh đô là Mê Linh, trị vì được ba năm, đến năm 43 bại trận dưới tay tướng nhà Hán là Mã Viện. Tục truyền do không muốn đầu hàng, hai Bà đã nhảy xuống sông tự tử, nhưng cũng có thuyết cho hai Bà đã bị quân Mã Viện bắt và xử tử.

    Hai Bà Trưng đánh đuổi Tô Định (tranh Đông Hồ)

    Hai Bà Trưng đánh đuổi Tô Định (tranh Đông Hồ)

  11. Hung
    Dữ, quá (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  12. Hành hương
    Một tên khác của hẹ tây, cũng có tên là hành ta hay hành tím. 

    Củ hành

    Củ hành

  13. Lúa nhe
    Thứ lúa cổ truyền, thân mảnh, ít hạt nhưng giã trắng nấu trong nồi đất, rất dẻo và thơm. Thứ lúa này mỗi gia đình chỉ cấy một ít, dùng vào việc cúng cơm mới.
  14. Đồng điếu
    Còn gọi là đồng đỏ, đồng mắt cua hoặc đồng thanh, là hợp kim của đồng (thường là với thiếc), trong đó tỉ lệ đồng nguyên chất rất cao (97%).

    Tiền Cảnh Hưng bằng vàng (trái) và đồng đỏ

    Tiền Cảnh Hưng bằng vàng (trái) và đồng đỏ

  15. Mun
    Loài cây thân gỗ, ưa sáng, mọc chậm, sống lâu. Lõi gỗ mun khi khô có màu đen bóng, cứng và bền nên khó gia công, thường dùng làm đồ gỗ quý, thủ công mĩ nghệ cao cấp. Quả và lá dùng để nhuộm đen lụa quý. Hiện mun đang trên đà tuyệt chủng do tình trạng khai thác bừa bãi.

    Gỗ mun

    Gỗ mun

    Tượng Bồ đề đạt ma điêu khắc từ gỗ mun sừng

    Tượng Bồ đề đạt ma điêu khắc từ gỗ mun sừng

  16. Ngâu
    Một loài cây bụi nhỏ. Trong văn hóa người Việt, ngâu là một trong ba loài gắn liền với nghệ thuật thưởng thức trà hương của người xưa. Cây ngâu gắn liền với kiến trúc Việt cổ. Nhà dân dã thuần Việt thường có cây ngâu trước sân. Đình chùa và các công trình văn hóa tín ngưỡng của người Việt cũng luôn có bóng dáng và hương thơm của hoa ngâu. Trong kiến trúc hiện đại ở Việt Nam cũng như Đông Nam Á, ngâu được sử dụng nhiều trong cảnh quan làm cây cảnh, có thể xén cắt hình khối dễ dàng (tròn đều, vuông góc).

    Hoa và quả ngâu

    Hoa và quả ngâu

  17. Tùng
    Theo (từ Hán Việt). Trung và Nam Bộ cũng phát âm thành tòng.
  18. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  19. Tự tình
    Bày tỏ tình ý.

    Cùng nhau trông mặt cả cười
    Dan tay về chốn trướng mai tự tình
    (Truyện Kiều)

  20. Bồ hóng
    Bụi than đen đóng lại trên vách bếp, nóc bếp, đáy nồi... trong quá trình nấu nướng.
  21. Ghẻ
    Loại bệnh do ký sinh trùng đào hang rãnh trên da làm ngứa ngáy khó chịu và nhiễm trùng. Người ta biết bệnh ghẻ từ thế kỷ thứ 16 nhưng mãi đến năm 1934 mới tìm được ký sinh trùng gây bệnh ghẻ ở người. Bệnh ghẻ mang tính chất lây truyền và thường xuất hiện ở những vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, thiếu vệ sinh, hay thành dịch khi có chiến tranh, đợt di dân, sau hội hè, các trại giam...
  22. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  23. Ngó
    Nhìn, trông (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  24. Tổ nễ
    Tổ tiên, ông bà (phương ngữ Nam Bộ).
  25. Mảng
    Mải, mê mải (từ cũ).