Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  2. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  3. Tam Điệp
    Tên một dãy núi nằm giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, chạy ra biển theo hướng Tây Bắc–Đông Nam, gồm có 3 ngọn. Trên dãy núi này cũng có đèo Tam Điệp, con đường thiên lý cổ thời phong kiến từ Thăng Long vào Nam, đi qua 3 đoạn đèo: Đèo phía Bắc, đèo phía Nam, và đèo Giữa. Đèo Tam Điệp cũng có tên dân gian là Ba Dội (dội tiếng Việt cổ nghĩa là đợt, lớp).

    Một đèo, một đèo, lại một đèo,
    Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
    Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,
    Hòn đá xanh rì lún phún rêu.

    (Đèo Ba Dội - Hồ Xuân Hương)

    Phòng tuyến Tam Điệp

    Phòng tuyến Tam Điệp

  4. Lợn rọ, chó thui
    Lợn nằm trong rọ thì khó biết gầy béo, chó đã thui rồi thì không biết là chó lành hay chó bệnh.
  5. Nứa
    Loài cây cùng họ với tre, mình mỏng, gióng dài, mọc từng bụi ở rừng, thường dùng để đan phên và làm các đồ thủ công mĩ nghệ. Ống nứa ngày xưa cũng thường được dùng làm vật đựng (cơm, gạo, muối...).

    Bụi nứa

    Bụi nứa

  6. Gàu giai
    Có nơi gọi là gàu dây, dụng cụ nhà nông dùng để tát nước cho lúa hoặc tát ao, tát đầm khi bắt cá. Gàu giai được đan bằng tre, nứa hoặc mây. Khi tát nước, hai người đứng hai bên, mỗi người nắm một đầu thừng để cùng tát.

    Tát nước bằng gàu giai

    Tát nước bằng gàu giai

  7. Mùa xuân ấm có đào, mận và hạnh cùng một nhà. Lúc lạnh thì có trúc, tùng và mai là ba người bạn.
  8. Kinh sử
    Sách vở Nho giáo nói chung. Thời xưa sách vở được phân làm bốn loại: kinh (kinh điển), sử (lịch sử), tử (lời của các nhà tư tưởng), tập (tuyển tập văn thơ).
  9. Áo xông huơng
    Áo gấm và áo thêu của hoăc người quyền quí và giàu có thời xưa ở nước ta thường không được giặt mà được cất trong hòm gỗ bằng trầm hương hoặc xông bằng cách đốt trầm cho thơm.
  10. Đôi chàng mạng
    Hai cái móc bằng bạc để móc mạng che mặt vào khăn bịt đầu. Ở nước ta ngày xưa, chỉ có những phụ nữ quyền quý mới có tục che mặt khi ra đường. Mạng che mặt có thể là một tấm lưới kết bằng đá quý, hay bằng vàng, bạc.
  11. Câu này trong cuốn Về cội về nguồn, quyển III, Lê Gia giải thích: người mắc bệnh lậu khi đi tiểu tiện bị đau buốt, phải rên la "Ôi cha, chặc, chặc, chặc! Đau quá!", tiếng rên giống như tiếng gọi cha và ba tiếng đánh lưỡi gọi chó.
  12. Bo bo
    Còn có tên là ý dĩ, một loại ngũ cốc thân cao, hay bị nhầm với lúa mạch, hạt có thể ăn như lương thực hoặc dùng làm thuốc. Trong chiến tranh Việt Nam (1955 - 1975) và cả thời bao cấp (1976 - 1986), dân ta phải ăn cơm độn với bo bo, khoai, sắn, mì...

    Bo bo, tên khoa học là Coix Lacryma-jobi.

    Bo bo

  13. Có bản chép: Chui vào.
  14. Tháng 7 năm 1980, phi công Phạm Tuân được Liên Xô đưa vào vũ trụ trong một chuyến bay cùng với đại tá người Nga Gorbatko theo chương trình Interkosmos. Bài ca dao nói về sự kiện này.
  15. Khoai mì
    Miền Trung và Nam gọi là sắn, một loại cây lương thực cho củ. Củ sắn dùng để ăn tươi, làm thức ăn gia súc, chế biến sắn lát khô, bột sắn nghiền, tinh bột sắn... Sắn cũng thường được ăn độn với cơm, nhất là trong thời kì khó khăn (như thời bao cấp).

    Khoai mì luộc

    Khoai mì luộc

  16. Ghi tên mua mì
    Trong thời bao cấp, hàng hóa (nhất là lương thực thực phẩm) được nhà nước phân phối theo chế độ tem phiếu. Muốn mua hàng, người dân phải đăng kí trước bằng các phiếu mua, nên gọi là "ghi tên mua mì."

    Phiếu mua lương thực trong thời kì bao cấp

    Phiếu mua lương thực trong thời kì bao cấp

  17. Quốc thái dân an
    Đất nước thái bình, dân chúng an vui (thành ngữ Hán Việt).
  18. Có hai cách giải nghĩa cho câu này:

    1. Theo báo Nam Phong số 179 (12/1932): Tục thờ thần ở là Diêu-lương thuộc phủ Lâm-thao, cứ đến mồng 4 tháng giêng, rước thần ra nơi đàn ngoài đồng, để một quả cầu ở trước đàn, người già người trẻ đứng hai bên, rồi một ông già vào trong đàn la to lên rằng: Hai bên lại mà tranh lấy, bên nào được đem về bên ấy, tục gọi là "hội tranh quả cầu."

    2. Nhắc đến trò vật cù, tương truyền xưa kia tướng quân Phạm Ngũ Lão đã dùng để rèn luyện sức khỏe cho quân sĩ. Quả cù làm từ củ chuối hột, hình tròn, đường kính khoảng 30cm. Trọng tài cầm quả cù đặt ở hố giữa sân, phát hiệu lệnh, hai bên giành nhau cướp bỏ vào rổ của đối phương, bên nào cho vào rổ của bên kia nhiều hơn là thắng cuộc.

  19. Te
    Một dụng cụ bắt tép trông rất giống cái vó, nhưng nhỏ hơn nhiều. Te gồm hai nan tre vót mảnh dài cỡ hai mét buộc chéo nhau ở giữa, phía dưới bốn đọt nan tre này được buộc vào một mảnh vải mùng hình vuông mỗi cạnh dài cỡ 8 tấc, không quá thưa để tép lọt qua, cũng không quá dày sẽ cản nước, cất lên chậm, tép sẽ nhảy hết ra ngoài. Thường một người đi cất te lúc nào cũng phải có từ vài chục cái te trở lên. Trước khi đi cất te, mọi người thường dùng cám trộn với mỡ heo rang lên thật thơm để làm mồi nhử tép. Chọn một đám ruộng, ao hồ hay mép rào nào đó. Dùng tay vén sạch cỏ rác rong rêu rồi đặt te xuống, chờ đáy te chìm sát đáy bùn thì nhón tay vắt một nhúm cám rang ném vào giữa te dụ tép. Đặt xong cái này thì đặt qua cái khác, đặt đến cái cuối cùng thì bắt đầu quay lại nhấc cái đầu tiên lên để đổ tép, và cứ lặp đi lặp lại như vậy cho đến khi ra về.

    Bắt tép

    Bắt tép

  20. Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lí
    Ngọc không mài giũa thì không thành món đồ (trang sức), người không học thì không hiểu lí lẽ. Đây là một câu trong Lễ Ký, một trong Ngũ Kinh.
  21. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  22. Ô thước
    Con quạ (ô) và con chim khách (thước). Trong một số ngữ cảnh, từ này được dùng để gọi chung một loài chim.
  23. Thậm
    Rất, lắm.
  24. Đời nào ngồi bên cây liễu lại tơ tưởng đến cây tùng (tức vợ người khác).
  25. Xuồng ba lá
    Một loại xuồng (thuyền) đặc trưng cho vùng sông nước Nam Bộ. Có tên như vậy vì xuồng được làm từ ba tấm ván, gồm hai tấm hai bên làm be xuồng và một tấm giữa làm đáy xuồng. Để xuồng được cứng chắc, người ta dùng những chiếc “cong” tạo thành bộ khung mô phỏng bộ xương sườn của cá. Bộ cong này có nhiệm vụ cố định thân xuồng, chống đỡ sức ép của nước từ bên ngoài vào, đồng thời giữ chặt ván xuồng, giúp xuồng không bị biến dạng.

    Xuồng ba lá

    Xuồng ba lá

  26. Công tử bột
    Trong tác phẩm Bến Nghé xưa, nhà văn Sơn Nam cho rằng thành ngữ Công tử bột có nguồn gốc từ một nhân vật trong hát bội tên là Hoa Bột, Ba Bột: "Hoặc hát khách thằng Bột: rượu bọt ngon, con gái tốt đẹp, xang xang xang cống xang xê cống cống xang xê. Hoa Bột, Ba Bột là tên của nhân vật xấu gần như vai hề, tính tình kiêu hãnh trong tuồng hát bội (nay hãy còn gọi là công tử bột). Trong Kim Thạch Kì Duyên của Thủ Khoa Nghĩa có bài hát thằng Bột: Cậu Ái Lang chữ đặt, cha tri phủ giàu sang, như nhà cụ: cửa nhà chớn chở bạc vàng, hầu thiếp nhởn nhơ điếu đỏ. Nói chi bạn hàng cũ, nuốn con gái nguyên. Cậu chơi hoài hoài, thiên hoàng thiến chi hoang, sướng đế sướng đê chí sướng…"

    Ngày nay thành ngữ này dùng để chỉ những công tử, cậu ấm con nhà giàu, không biết làm việc gì, chỉ biết chơi (hoặc học).

  27. Nệ
    Bận tâm, bận lòng, chú ý, chấp nhặt.