Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Mỗ
    Từ dùng để tự xưng, có thể mang hàm ý trịch thượng ngày trước.
  2. Tử Lộ
    Tự là Trọng Do, một trong những học trò của Khổng Tử, là một người con rất hiếu thảo. Tương truyền thuở thiếu thời, Tử Lộ thường lên rừng cách xa cả trăm dặm đốn củi, sau đó đem bán lấy tiền, mua gạo đội về nuôi cha mẹ. Sau khi cha mẹ mất, ông sang nước Sở, được vua Sở trọng dụng, phong ban tước cao sang, cấp nhiều bổng lộc, nhưng vẫn thường than phiền là không còn cha mẹ để được phụng dưỡng như xưa, để ngày ngày đội gạo, bữa bữa nấu canh rau. Câu nói nổi tiếng "Mộc dục tịnh nhi phong bất đình, tử dục dưỡng nhi thân bất tại" (cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn nuôi mà cha mẹ không còn sống) là của Tử Lộ.

    Hình vẽ Tử Lộ cõng gạo nuôi cha mẹ

    Hình vẽ Tử Lộ cõng gạo nuôi cha mẹ

  3. Đai Tử Lộ
    Đai đặt trên đầu để đội gạo của Tử Lộ. Tử Lộ lúc hàn vi thường phải đi đội gạo nuôi cha mẹ. Đai Tử Lộ vì thế chỉ việc người hiền tài mà chưa gặp hội công danh, đỗ đạt.
  4. Nhan Hồi
    Tự là Tử Uyên, nên cũng gọi là Nhan Uyên, học trò giỏi nhất của Khổng Tử. Ông sinh năm 513 trước Công nguyên, người nước Lỗ, thông minh xuất chúng, nhà nghèo nhưng trọng lễ nghĩa, tiết tháo, thường được Khổng Tử khen ngợi và xem là người ý hợp tâm đầu với mình hơn cả. Ông mất năm 482 trước Công nguyên, khi mới 32 tuổi.

    Nhan Hồi

    Nhan Hồi

  5. Bầu Nhan Uyên
    Bầu nước của Nhan Uyên, tức Nhan Hồi, học trò Khổng Tử. Khổng Tử khen: "Hiền tai Hồi dã! Nhất đan tự, nhất biều ẩm, tại lậu hạng. Nhân bất kham kỳ ưu, Hồi dã bất cải kỳ lạc. Hiền tai hồi dã!" (Hiền thay trò Hồi! Một giỏ cơm, một bầu nước, ở nơi ngõ hẹp. Người ta không chịu nổi ưu phiền đó, còn trò Hồi thì không thay đổi niềm vui ấy. Hiền thay trò Hồi!). Bầu Nhan Uyên vì thế chỉ sự an vui, tự tại bất chấp cảnh nghèo khó.
  6. Câu ca dao thực ra là hai câu 81, 82 trong truyện thơ Lục Vân Tiên:

    Quản bao thân trẻ dãi dầu?
    Mang đai Tử Lộ, quảy bầu Nhan Uyên.

  7. Lưu Bị
    Vua nhà Thục thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông tự là Huyền Đức, con cháu đời sau của Trung Sơn Tĩnh vương Lưu Thắng, dòng dõi nhà Hán. Theo giai thoại dân gian và trong tiểu thuyết chương hồi Tam Quốc Diễn Nghĩa, ông là người nhân hậu, trọng tình nghĩa, nhất là trong tình cảm anh em kết nghĩa với Quan VũTrương Phi.

    Lưu Bị qua nét vẽ của Diêm Lập Bản, họa sĩ thời nhà Đường

    Lưu Bị qua nét vẽ của Diêm Lập Bản, họa sĩ thời nhà Đường

  8. Gia Cát Lượng
    Tên chữ là Khổng Minh, biệt hiệu là Ngọa Long (rồng nằm), quân sư của Lưu Bị và thừa tướng của nhà Thục Hán thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Ông giỏi cầm quân, có tài nội trị, ngoại giao, lại hết lòng trung thành, được đời sau gọi là "vạn đại quân sư" (vị quân sư muôn đời). Ảnh hưởng của Gia Cát Lượng trong dân gian rất lớn - những người có trí tuệ xuất chúng thường được xưng tụng là Khổng Minh tái thế.

    Gia Cát Lượng

    Gia Cát Lượng

  9. Lưu Bị viếng Khổng Minh
    Một tích trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Gia Cát Lượng thuở còn hàn vi ở ẩn trong một cái lều cỏ ở Long Trung. Lưu Bị cùng với hai em kết nghĩa là Quan VũTrương Phi đến lều cỏ để thỉnh cầu ông ra giúp việc nước, nhưng hai lần ông không chịu tiếp mà chỉ ăn ngủ trong lều như thường. Mãi đến lần thứ ba ba người mới gặp được Gia Cát Lượng. Tích này có tên là Tam cố thảo lư (ba lần đến lều cỏ).

    Một minh họa về Tam cố thảo lư

    Một minh họa về Tam cố thảo lư

  10. Cổ Lũy cô thôn
    Nghĩa là "thôn Cổ Lũy cô quạnh," cái tên do Nguyễn Cư Trinh đặt cho thôn Cổ Lũy, thuộc huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Cổ Lũy cô thôn là một trong mười hai danh thắng của tỉnh. Đây là một cảnh đẹp hiếm thấy, hội đủ các yếu tố sông biển, núi non, làng mạc.

    Cổ Lũy cô thôn

    Cổ Lũy cô thôn

  11. Trà Khúc
    Tên con sông lớn nhất chảy qua các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi thuộc tỉnh Quảng Ngãi và đổ ra cửa Đại Cổ Lũy. Sông Trà Khúc và núi Thiên Ấn là biểu tượng của tỉnh Quảng Ngãi, còn gọi là vùng đất núi Ấn sông Trà.

    Sông Trà Khúc

    Sông Trà Khúc

  12. Nhà tứ trụ
    Kiến trúc truyền thống ở nước ta, có bốn cột cái chính và hệ thống vì kèo có thể kéo dài ra xung quanh để mở rộng mặt bằng. Nhà tứ trụ là kiến trúc phổ biến ở miền quê Bắc Bộ; trong khi ở Nam Bộ, nhà tứ trụ thường chỉ là nơi thờ thần, Phật hoặc từ đường của dòng họ do tính chất kiến trúc nghiêm trang, cân đối của nó.
  13. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  14. Có bản chép: Mối thù đế quốc...
  15. Chúa
    Chủ, vua.
  16. Tôi
    Người hầu hạ trong xã hội cũ. Quan lại ngày trước cũng xưng mình là tôi trước vua chúa để tỏ ý cung kính, khiêm nhường.
  17. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  18. Khoai môn
    Tên một số giống khoai gặp nhiều ở nước ta, cho củ có nhiều tinh bột, ăn được. Có nhiều giống khoai môn như môn xanh, môn trắng, môn tím, môn tía, môn bạc hà, môn sáp, môn sen, môn thơm, môn trốn... mỗi loại có những công dụng khác nhau như nấu canh, nấu chè... Trước đây môn, sắn, khoai, ngô... thường được ăn độn với cơm để tiết kiệm gạo.

    Cây và củ khoai môn

    Cây và củ khoai môn

  19. Trôn
    Mông, đít, đáy (thô tục).
  20. Bợ
    Nâng, bê, hoặc ôm cái gì đó lớn và nặng.
  21. Tứ tán
    Tứ: bốn. Tứ tán nghĩa là tản ra khắp mọi phía (từ Hán Việt).
  22. Cội
    Gốc cây.
  23. Quế Sơn
    Địa danh thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam trước đây. Quế Sơn có nghề truyền thống là làm đồ gốm.
  24. Lục Vân Tiên
    Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.

    Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.

  25. Kiều Nguyệt Nga
    Tên nhât vật nữ chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga là một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai. Nghe tin Vân Tiên chết, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng được Phật Bà đưa dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Kiệm ép nàng lấy hắn. Nàng trốn đi, nương tựa nhà một bà lão dệt vải. Sau này khi Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, đi lạc vào rừng đã gặp lại Nguyệt Nga, hai người sống sum vầy hạnh phúc.

    Kiều Nguyệt Nga được người dân Nam Bộ xem là biểu tượng của lòng chung thủy.

  26. Hồ
    Tên gọi chung chỉ các dân tộc ở phía tây và phía bắc Trung Quốc như Hung Nô, Tiên Ti, Ô Hoàn, Đê, Khương, Thổ Phồn, Đột Quyết, Mông Cổ, Khiết Đan, Nữ Chân...
  27. Hang Thương Tòng
    Cái hang trong núi Thương Tòng, được nhắc đến trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Vốn Vân Tiên trước kia đã đính ước với Võ Thể Loan, con gái của Võ Công. Khi Vân Tiên bị mù, tìm đến nhà Võ Công thì Võ Công bội ước, lừa dắt Vân Tiên vào hang Thương Tòng rồi bỏ mặc chàng ở đó.

    Công rằng : "Muốn trọn việc mình,
    "Phải toan một chước dứt tình mới xong.
    "Nghe rằng : "Trong núi Thương tòng.
    "Có hang thăm thẳm bịt bùng khôn ra.
    [...]
    Võ công ra trước dỗ chàng:
    "Xuống thuyền rồi sẽ đưa sang Đông thành."
    Ra đi đương lúc tam canh,
    Dắt vào hang tối bỏ đành Vân Tiên.

  28. Biển Hồ
    Tên nhân dân ta thường dùng để gọi hồ Tonlé Sap, một hồ nước ngọt rộng lớn thuộc Campuchia. Từ thời Pháp thuộc, nhiều người dân Việt Nam đã đến đây lập nghiệp và sinh sống, tạo thành cộng đồng người Việt khá đông đúc cho đến bây giờ.

    Biển Hồ

    Biển Hồ

  29. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  30. Suối vàng
    Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ hoàng tuyền, cũng đọc là huỳnh tuyền. Hoàng tuyền vốn có nghĩa là suối ngầm, mạch nước ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng nên có tên như vậy.

    Gọi là gặp gỡ giữa đường
    Họa là người dưới suối vàng biết cho

    (Truyện Kiều)

  31. Ngắn hai dài một
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Ngắn hai dài một, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  32. Duy Tân
    (19 tháng 9, 1900 – 26 tháng 12, 1945) Hoàng đế thứ 11 của nhà Nguyễn (ở ngôi từ 1907 tới 1916), sau vua Thành Thái. Ông lên ngôi khi mới 8 tuổi, và càng lớn càng tỏ thái độ bất hợp tác với Pháp. Năm 1916, ông bí mật liên lạc với các lãnh tụ Việt Nam Quang Phục Hội như Thái Phiên, Trần Cao Vân để tổ chức khởi nghĩa. Dự định thất bại, ông bị bắt và đày đến đảo Réunion ở Ấn Độ Dương. Trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 - 1945) ông gia nhập quân Đồng Minh chống phát xít Đức. Ngày 26 tháng 12 năm 1945, ông mất vì tai nạn máy bay ở Cộng hoà Trung Phi, hưởng dương 45 tuổi. Ngày 24 tháng 4 năm 1987, thi hài ông được đưa từ đảo Réunion về Việt Nam, rồi đưa về an táng tại Lăng Dục Đức, Huế cạnh lăng mộ vua cha Thành Thái.

    Vua Duy Tân

    Vua Duy Tân

  33. Tức năm 1913, khi vua Duy Tân đang trị vì.
  34. Tất niên
    Cuối năm (từ Hán Việt).
  35. Truân chuyên
    Vất vả. Từ này có gốc từ từ Hán Việt truân chiên 迍邅 nghĩa là "Vướng víu, chật vật không bước lên được" (theo Thiều Chửu).
  36. Chiêm
    (Lúa hay hoa màu) gieo cấy ở miền Bắc vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu), phân biệt với mùa. Đây cũng là cách gọi tắt của "lúa chiêm." Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, người Việt trước đây đã học cách trồng một số giống lúa gieo vào mùa đông, thu hoạch vào mùa hạ từ người Chiêm Thành, nên gọi là lúa chiêm hay lúa chăm.

    Cấy lúa chiêm

    Cấy lúa chiêm

  37. 3 ngày này thường bị xem là ngày xấu, nhưng có thuyết cho rằng đó là ba ngày tốt nhất trong cả tháng. Vì vậy cho nên ngày xưa vua chúa thường chọn 3 ngày này để đi du ngoạn.  Nhưng vì vua chúa đi đâu cũng có binh lính dẹp đường, dân chúng thì không được phép nhìn mặt vua chúa, phải cúi rạp hai bên vệ đường, chờ cho xa giá đi qua mới được đứng dậy. Cho nên muốn được việc, đành phải tìm đường khác đi cho nhanh, đỡ mất thì giờ, nhiều khi phải bỏ việc quay trở về. Dần dần, trở thành phong tục trong dân gian là tránh 3 ngày này và gọi 3 ngày này là ngày Nguyệt kỵ, tức là ngày kiêng kỵ xuất hành của từng tháng.