Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Minh Hương
    Một trong nhiều tên gọi của người Hoa ở Việt Nam. Sau khi nhà Thanh tiêu diệt nhà Minh, một số người Trung Hoa không chịu thần phục, chạy sang Việt Nam lánh nạn, lập thành làng, phố, gọi là người Minh Hương. Hai chữ Minh Hương ban đầu được viết là 明香 (hương hỏa nhà Minh), sau nhà Nguyễn đổi thành 明鄉 ("làng người Minh," hoặc "làng sáng sủa") nhằm tránh động chạm với nhà Thanh. Ở vùng Chợ Lớn (Sài Gòn), Hội An (Quảng Nam) và Huế đều có tên làng Minh Hương.
  2. Lao lư
    Day dứt, xót xa (phương ngữ Trung Bộ).
  3. Lái
    Người chuyên nghề buôn chuyến một loại hàng hóa nhất định (lái gỗ, lái trâu...)
  4. Phù Lỗ
    Tên Nôm là làng Sọ, một ngôi làng nay thuộc địa phận xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Tại đây có đền Sọ, thờ hai anh em Trương Hống, Trương Hát, hai danh tướng của Triệu Quang Phục, tức Triệu Việt Vương sau này.
  5. Thổ Hà
    Một ngôi làng thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, có nghề truyền thống là làm gốm, nung vôi và làm bánh đa nem.
  6. Làng Phù Lỗ (làng Sọ) ngày xưa có nhiều người đỗ đạt, làm quan. Làng Thổ Hà thì nổi tiếng với nghề gốm. Câu này ví von quan làng Sọ nhiều như lọ gốm do làng Thổ Hà làm ra.
  7. Long Hồ
    Địa danh vào thời chúa Nguyễn là một vùng đất rất rộng, bao trùm hầu như cả vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày nay: từ Bến Tre, qua Trà Vinh, sang Sa Đéc, Cần Thơ, An Giang, Cà Mau đến tận Hà Tiên thuộc Kiên Giang, gọi là dinh Long Hồ. Cái tên này bắt nguồn từ chữ Longhor của người Miên. Hiện nay Long Hồ là tên một huyện của tỉnh Vĩnh Long.
  8. Nhân kiệt địa linh
    Từ chữ Hán 人傑地靈, theo Hán Đại thành ngữ đại từ điển thì có thể có hai nghĩa là "Chỉ nơi có nhân vật kiệt xuất ra đời hoặc đến (ở, hoạt động...), nhờ đó mà trở nên nổi tiếng" và "Nhân vật kiệt xuất thì sinh ra ở vùng đất đai linh tú." Thành ngữ này có biến thể trong tiếng Việt là Địa linh nhân kiệt, cũng có câu Địa linh sinh nhân kiệt.
  9. Kim Bồng
    Tên cũ là Kim Bồng Châu, nay một phần lớn thuộc xã Cấm Kim, Hội An, tỉnh Quảng Nam, nằm ở hữu ngạn hạ lưu nơi sông Thu Bồn chảy qua Hội An trước khi đổ ra biển. Đây là nơi hình thành nghề thủ công nổi tiếng mang tên nghề mộc Kim Bồng. (Đọc thêm: Làng mộc Kim Bồng).

    Làng mộc Kim Bồng

    Làng mộc Kim Bồng

  10. Khánh Vân
    Tên một làng cũ nổi tiếng với nghề thợ hồ, sau sát nhập với làng Thanh Đơn thành làng Thanh Vân, thuộc xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
  11. Người nghĩa
    Người thương, người tình.
  12. Cồng
    Nhạc cụ dân tộc thuộc bộ gõ, được làm bằng đồng thau, hình tròn như chiếc nón quai thao, đường kính khoảng từ 20 cm đến 60 cm, ở giữa có hoặc không có núm. Người ta dùng dùi gỗ có quấn vải mềm (hoặc dùng tay) để đánh cồng, chiêng. Cồng, chiêng càng to thì tiếng càng trầm, càng nhỏ thì tiếng càng cao. Nhân dân ta thường đánh cồng chiêng trong các dịp lễ hội, hoặc khi ra trận để cổ vũ tinh thần quân sĩ.

    Cồng chiêng

    Cồng chiêng

  13. Chiêng
    Nhạc cụ bằng đồng thau, hình tròn, giữa có thể có hoặc không có núm nổi lên. Người ta đánh chiêng bằng dùi gỗ có quấn vải mềm, hoặc bằng tay. Cồng, chiêng là các nhạc cụ đặc trưng cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

    Đánh chiêng

    Đánh chiêng

  14. Truông
    Vùng đất hoang, có nhiều cây thấp, lùm bụi, hoặc đường qua rừng núi, chỗ hiểm trở (theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  15. Ghe buôn
    Thuyền dùng để chở hàng hóa buôn bán ở các vùng sông nước Nam Bộ.
  16. Thủ Đức
    Một địa danh thuộc Sài Gòn, nay là quận ở cửa ngõ Đông Bắc của thành phố Hồ Chí Minh. Về tên gọi Thủ Đức, có ý kiến cho rằng xưa ông Tạ Dương Minh (Tạ Huy), hiệu Thủ Đức, đã góp phần khai khẩn lập ấp vùng Linh Chiểu và xây dựng ngôi chợ đầu tiên tại đây mang tên hiệu của ông là chợ Thủ Đức. Lại có thuyết khác cho ông Tạ Dương Minh lấy tên vị quan tên Đức trấn thủ ngọn đồi nơi đây đặt tên chợ để tỏ lòng biết ơn.

    Chợ Thủ Đức

    Chợ Thủ Đức

  17. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  18. Cần Thơ
    Một thành phố nằm bên bờ sông Hậu, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1739, vùng đất Cần Thơ được khai phá và chính thức có mặt trên dư đồ Việt Nam với tên gọi là Trấn Giang. Thời Nhà Nguyễn Cần Thơ là đất cũ của tỉnh An Giang. Thời Pháp thuộc, Cần Thơ được tách ra thành lập tỉnh, một thời được mệnh danh là Tây Đô, và là trung tâm của vùng Tây Nam Bộ. Hiện nay Cần Thơ là một trong năm thành phố trực thuộc trung ương của nước ta.

    Cầu Cần Thơ

    Cầu Cần Thơ

  19. Lờ
    Dụng cụ đánh bắt cá đồng làm bằng nan tre. Hình dạng của lờ giống như một cái lồng, ở một đầu có chế tạo một miệng tròn gọi là miệng hom sao cho cá chỉ có thể từ ngoài chui vào lờ thông qua miệng hom mà không thể chui ra. Khi đặt lờ thường người đặt thả mồi vào trong để dụ cá bơi vào.

    Lờ có nhiều loại: Loại đại dài từ 0,5 đến 1 m, gọi là “lờ bầu”, thả chỗ nước sâu như sông, hồ để bắt cá diếc, sảnh, dầy. Loại tiểu gọi là “lờ đồng”, thả nơi nước cạn như ao, đìa, ruộng bắt cá trê, rô, sặc, mương, nhét…

    Lờ bắt cá

    Lờ bắt cá

  20. Nơm
    Dụng cụ bắt cá, được đan bằng tre, hình chóp có miệng rộng để úp cá vào trong, chóp có lỗ để thò tay vào bắt cá.

    Úp nơm

    Úp nơm

  21. Khắc
    Đơn vị tính thời gian ban ngày thời xưa. Người xưa chia ban ngày ra thành sáu khắc (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo Lý Thái Thuận, khắc một là giờ Mão/Mạo (5h-7h), khắc hai là giờ Thìn (7h-9h), khắc ba là giờ Tị (9h-11h), khắc tư là giờ Ngọ (11h-13h), khắc năm là giờ Mùi (13-15h), khắc sáu là giờ Thân (15-17h). Theo đó, giờ Dậu (17-19h) không thuộc về ngày cũng như đêm. Xem thêm chú thích Canh.
  22. Gò Công
    Nay là tên một thị xã thuộc tỉnh Tiền Giang, giáp với thành phố Mỹ Tho. Tỉnh Gò Công ngày xưa bao gồm thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây ngày nay. Gò Công Đông và Gò Công Tây là vùng duyên hải, có hai cửa biển của sông Tiền: cửa Đại và cửa Tiểu. Tên gọi Gò Công xuất phát từ việc vùng đất này trước đây có nhiều chim công (khổng tước), vì vậy tên Hán Việt của Gò Công là Khổng Tước Nguyên. Gò Công gắn liền với tên tuổi người anh hùng Trương Định.

    Phong cảnh Gò Công Đông

    Phong cảnh Gò Công Đông

  23. Có người hiểu câu thành ngữ này với ý chê trách (làm việc thì vụng về, chỉ giỏi chống chế, biện bạch), nhưng theo Lê Giang trong 1575 thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm: Khi dùng chèo mà chèo cho thuyền đi tới thì dở và vụng về làm thuyền không đi được như ý, nhưng khi thuyền bị đâm ngang sắp húc vào bờ mà mắc kẹt thì lại biết khéo léo dùng cây sào chống cho thuyền quay mũi trở ra. Ý câu thành ngữ: Làm công việc bình thường thì không hay nhưng lại giỏi chỉ huy, dẫn dắt.
  24. Hồi
    Cũng gọi là tai vị, một loại cây mọc nhiều ở các vùng rừng núi miền Bắc, cho quả có nhiều cánh giống hoa nên thường được gọi là hoa hồi. Hồi là một loại dược liệu (hồi hương) và hương liệu, và cũng là một gia vị dùng khi nấu phở.

    Quả hồi

    Quả hồi

  25. Ô đầu
    Một loại cây cỏ cao 0,6-1m, thân mọc thẳng đứng, có lông ngắn, mọc hoang nhiều ở các vùng núi Tây Bắc nước ta. Rễ củ của cây ô đầu là một vị thuốc, củ cái gọi là Ô đầu, củ con đã chế gọi là Phụ tử.

    Ô đầu

    Ô đầu

  26. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  27. Tóc tiên
    Một loại cây dây leo sống lâu năm, mọc hoang, có nhiều rễ dạng củ mẫm hình thoi. Củ tóc tiên là một vị thuốc Bắc có tên là thiên môn, có tác dụng trị ho lao, long đờm, lợi tiểu.

    Tóc tiên

    Tóc tiên

  28. Sử quân tử
    Còn gọi là cây quả giun, quả nấc, sứ quân tử, trang dây hay trang leo, một loại cây dây leo mọc hoang ở hầu hết các tỉnh miền Bắc và miền Trung nước ta. Cây xanh quanh năm, cho hoa rất đẹp, nên thường được trồng làm cảnh. Trong Đông y, quả của sử quân tử được dùng để tẩy giun. Tuy nhiên, nếu dùng liều quá cao sẽ gây ngộ độc nhẹ, nhức đầu, buồn nôn, nấc và táo bón. Sách địa chí (cổ) chép: Quách sứ quân ở Phiên Châu chữa trẻ em phần nhiều chỉ dùng một vị này, từ đó về sau các nhà làm thuốc mới gọi là sứ quân tử, về sau đọc trại thành sử quân tử.

    Cây sử quân tử

    Cây sử quân tử

  29. Bài này có sự chơi chữ: Phụ tử, hồi hương, thiên môn, quân tử, ngoài các nghĩa được nhắc đến là cha con, về làng, cửa trời, con vua thì đều là tên của các vị thuốc Đông y.
  30. Cải trời
    Một loại cỏ dại mọc nhiều ven đường và ở các vùng đất hoang hoặc trồng hoa màu. Cải trời có thể dùng làm thức ăn (ăn sống, luộc, xào, nấu canh…) hoặc làm thuốc giúp nhuận tràng, trị bướu cổ.

    Cải trời

    Cải trời

  31. Dịch nghĩa:

    Một sông hai nước (Việt - Pháp) không thể thương thuyết,
    Bốn tháng ba vua điềm chẳng lành

    Sau khi vua Tự Đức mất, quyền hành ở triều đình Huế rơi vào tay Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường. Trong bốn tháng, từ tháng 7 đến tháng 11 năm 1983, hai ông đã phế và lập 3 vua: Dục Đức, Hiệp Hòa và Kiến Phúc. Câu này ra đời trong hoàn cảnh đó. Cái hay là cuối mỗi câu có tên hai ông: Thuyết và Tường.

  32. Chỉ điều
    Cũng viết là chỉ hồng, chỉ thắm, chỉ đỏ... đều chỉ dây tơ hồng mà Nguyệt lão dùng để xe duyên.
  33. Be bờ
    Đắp đất thành bờ để ngăn nước.

    Be bờ

    Be bờ

  34. Đó
    Dụng cụ đan bằng tre hoặc mây, dùng để bắt tôm cá.

    Cái đó

    Cái đó