Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  2. Nửa lừng
    Nửa lưng chừng (phương ngữ Nam Bộ).
  3. Nguồn đào: ngọn suối; Hải khẩu: cửa biển. Nguồn đào hải khẩu: từ khắp mọi nơi.
  4. Đà Nẵng
    Tên thành phố thuộc Nam Trung Bộ, trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ Daknan, nghĩa là "vùng nước rộng lớn" hay "sông lớn", "cửa sông cái" vì thành phố nằm bên bờ sông Hàn. Dưới thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng có tên là Cửa Hàn, là thương cảng lớn nhất miền Trung. Cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu chính tại thành phố này.

    Hiện nay Đà Nẵng là một thành phố hiện đại, trong lành, có tiềm năng du lịch rất lớn, và được xem là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

  5. Hội An
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trực thuộc tỉnh này. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19, Hội An từng là một hải cảng rất phồn thỉnh. Hiện nay địa danh này nổi tiếng về du lịch với phố cổ cùng các ngành truyền thống: mộc, gốm, trồng rau, đúc đồng... Hội An còn được gọi là phố Hội hoặc Hoài Phố, hay chỉ ngắn gọi là Phố theo cách gọi của người địa phương.

    Vẻ đẹp của Hội An

    Vẻ đẹp của Hội An

  6. Sức
    Hành động quan truyền lệnh cho dân bằng văn bản.

    Việc này tuy là việc thể dục, nhưng các thầy không được coi thường, nếu không tuân lệnh sẽ bị cữu.
    Nay sức.
    Lê Thăng

    (Tinh thần thể dục - Nguyễn Công Hoan)

  7. Rần rần
    Đông đảo, ồn ào.
  8. Nem
    Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...

    Nem chua

    Nem chua

  9. Lận
    Nhét vào trong người (phương ngữ).
  10. Bạc giác
    Hào, bạc cắc, tiền lẻ nói chung (từ cũ).
  11. Cẩm
    Hay , chức danh cảnh sát trưởng thời nước ta bị Pháp đô hộ, nói gọn từ âm tiếng Pháp commissaire de police.

    Một sở cảnh sát (sở Cẩm) thời Pháp thuộc

    Một sở cảnh sát (sở Cẩm) thời Pháp thuộc

  12. Đuổi (theo). Từ này ở Trung và Nam Bộ phát âm thành .
  13. Giáo đa thành oán
    Chỉ dạy, nhắc nhở cái sai của người ta nhiều quá dễ khiến người bị lỗi sinh oán giận.
  14. Vì chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  15. Đường cái quan
    Cũng gọi là đường thiên lí, quan báo, quan lộ, tuyến đường bộ quan trọng bậc nhất nước ta, bắt đầu từ địa đầu biên giới phía bắc ở Lạng Sơn cho tới cực nam Tổ quốc ở Cà Mau. Đường cái quan được cho là xây dựng từ thời nhà Lý, theo dòng Nam tiến của dân tộc mà kéo dài dần xuống phương nam. Đường được tu bổ và hoàn thiện dưới triều Nguyễn rồi mở rộng thêm trong thời Pháp thuộc.

    Nghe bản trường ca Con đường cái quan của nhạc sĩ Phạm Duy.

    Đoạn đường cái quan ở Quảng Nam hồi đầu thế kỉ XX (Pháp gọi là route mandarine)

    Đoạn đường cái quan đi qua Quảng Nam đầu thế kỉ XX (Pháp gọi là route mandarine).

  16. Chận
    Chặn lại (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  17. Bể Sở, sông Ngô
    Ở khắp mọi nơi (Sở và Ngô là hai nước thời Xuân Thu, Trung Quốc).

    Một tay gây dựng cơ đồ,
    Bấy lâu bể Sở, sông Ngô tung hoành

    (Truyện Kiều)

  18. Chường
    Chàng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  19. Than bọn
    Than đã cháy tàn thành tro.
  20. Ngò
    Còn gọi là ngò rí, rau mùi, loại rau có mùi thơm, thường được trồng làm rau thơm và gia vị.

    Ngò

    Ngò

  21. Câu này để chỉ những gia đình hiếm con, chỉ có một con, như cây chỉ có một cành.
  22. Ngon mồm ôm bụng
    Ăn uống quá độ thì mang hại vào thân.
  23. Vác mồm đi ăn giỗ
    Chê những kẻ tham ăn, vô lễ, tay không đi ăn giỗ, trong khi lệ thường phải mang theo ít đồ cúng như trái cây, bó hoa, nhang... để tỏ lòng với gia chủ và người quá cố.
  24. Chà
    Cành cây có nhiều nhánh nhỏ, thường dùng để rào hoặc thả dưới nước cho cá đến ở. Miền Trung có chỗ gọi là (cành nè, cây nè).

    Dỡ chà

    Dỡ chà

  25. Vải lĩnh
    Còn gọi là lãnh, loại vải dệt bằng tơ tằm nõn, một mặt bóng mịn, một mặt mờ. Lĩnh được cho là quý hơn lụa, có quy trình sản xuất rất cầu kì. Vải lãnh thường có màu đen, trơn bóng hoặc có hoa, gọi là lĩnh hoa chanh, thường dùng để may quần dài cho các nhà quyền quý. Lĩnh Bưởi ở vùng Kẻ Bưởi miền Bắc (gồm các làng An Thái, Bái Ân, Hồ Khẩu, Trích Sài) và lãnh Mỹ A ở miền Nam là hai loại vải lãnh nổi tiếng ở nước ta.

    Khăn nhỏ, đuôi gà cao
    Lưng đeo dải yếm đào
    Quần lĩnh, áo the mới
    Tay cầm nón quai thao

    (Chùa Hương - Nguyễn Nhược Pháp)

    Vải lãnh Mỹ A

    Vải lãnh Mỹ A

  26. Sâm Thương
    Sâm và Thương, hai ngôi sao theo thiên văn học Trung Quốc. Sao Sâm là ngôi sao thứ 7 trong chòm Bạch Hổ, sao Thương (còn gọi là Tâm) là ngôi sao thứ 5 trong chòm Thương Long, đều thuộc Nhị thập bát tú (hai mươi tám vì sao sáng, một khái niệm của Trung Hoa cổ đại). Hai ngôi sao này nằm đối nhau trên bầu trời, vì vậy không bao giờ xuất hiện cùng một lúc. Trong văn học cổ, người ta thường dùng hình ảnh Sâm Thương để chỉ sự xa xôi cách trở, khó lòng gặp lại nhau hoặc không thể gặp nhau được.

    Có ý kiến khác cho rằng Sâm, Thương là hai tên khác của Hôm, Mai (cùng là tên của sao Kim) nhưng ý kiến này không vững.

  27. Tam tòng
    Những quy định mang tính nghĩa vụ đối với người phụ nữ phương Đông trong xã hội phong kiến ngày trước, xuất phát từ các quan niệm của Nho giáo. Tam tòng bao gồm:

    Tại gia tòng phụ:  khi còn nhỏ ở với gia đình phải theo cha,
    Xuất giá tòng phu: khi lập gia đình rồi phải theo chồng,
    Phu tử tòng tử: khi chồng qua đời phải theo con.

  28. Ngưu Lang, Chức Nữ
    Còn có các tên chàng Ngưu ả Chức hay ông Ngâu bà Ngâu, hai nhân vật trong truyện cổ tích Ngưu Lang Chức Nữ có mặt trong văn hóa của cả Việt Nam và Trung Quốc. Trong phiên bản Việt Nam, Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng, còn Chức Nữ là một tiên nữ dệt vải, vì say mê nhau nên trễ nải công việc. Ngọc Hoàng giận dữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người ở đầu kẻ ở cuối sông Ngân, và chỉ được gặp nhau mỗi năm một lần vào đêm rằm tháng Bảy âm lịch, trên một cây cầu do đàn quạ bắc nên (gọi là cầu Ô Thước). Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt, nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành cơn mưa, người trần gọi là mưa ngâu.
  29. Xống
    Váy (từ cổ).
  30. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  31. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  32. Khả Lý
    Tên Nôm là kẻ Xe, một làng trước đây thuộc tổng Mật Ninh, huyện Việt Yên, nay là hai thôn Khả Lý Thượng và Khả Lý Hạ thuộc địa phận xã Quảng Minh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
  33. Cao Lôi
    Tên nôm là kẻ Chối, một làng nay thuộc địa phận xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
  34. Theo tác giả Vũ Bình: Hai làng kẻ Xe và kẻ Chối (chỉ cách nhau một cách đồng) là "cặp bài trùng" về nói khoe, nói giễu. Lời đối đáp của người dân hai làng đan xen vào nhau, bổ sung cho nhau tạo nên những cuộc thi thố lời nói độc đáo của các làng cười Việt Nam.
  35. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  36. Xằng
    Sai, bậy.